Đề án "Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội soạn thảo đã nhận được đồng tình của Sở GD-ĐT Hà Nội.
Đề án đang được kỳ vọng là một “liều thuốc mạnh” chống lạm thu . TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết, sau khi kết thúc thí điểm sẽ đề nghị mở rộng ở 29 quận, huyện của Hà Nội.
Hội đồng đứng về quyền lợi phụ huynh
Ông Lâm giải thích, trước đây đã có Ban đại diện cha mẹ học sinh làm công việc giám sát chất lượng giáo dục trường học, giám sát thu chi, Bộ GD-ĐT còn ban hành cả Điều lệ cha mẹ học sinh để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này.
Tuy nhiên, Ban này lại bị “biến tướng” trở thành cánh tay đắc lực của trường trong việc thu tiền. Lý do là vì, con em họ đều nằm trong tay trường, họ bị yếu thế và không có tiếng nói...
Đề án xây dựng Hội đồng giám sát trong trường học vẫn “trao quyền” cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định. Thành phần của Hội đồng tuyệt đối không có Ban giám hiệu nhà trường mà bao gồm phụ huynh và đại diện các ban ngành địa phương nơi trường hoạt động: Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học... Do đó họ không có dính dáng gì đến trường.
Riêng những phụ huynh tham gia Hội đồng giám sát cũng được lựa chọn theo tiêu chí khác với Ban đại diện cha mẹ học sinh. Họ phải là những người có tâm huyết và sẵn sàng đứng về phía phụ huynh vì quyền lợi con em họ chứ không phải đứng về phía nhà trường.
Về hoạt động, quy chế của Hội đồng giám sát là được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thu chi các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với Ban giám hiệu trường học, Hội phụ huynh về các khoản cần đóng góp; mức đóng góp từng khoản; việc chi bổ sung cho các hoạt động của trường… Sau khi thống nhất, Hội đồng được quyền giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường.
Lãnh đạo sở ủng hộ
Tuy nhiên, làm thế nào để lãnh đạo các trường chào đón sự ra đời của một tổ chức chuyên làm công việc soi mói các hoạt động thu – chi của họ là việc không dễ?
Ông Nguyễn Ngọc Quang - phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội hy vọng: “Hội đồng giám sát sẽ giúp minh bạch các khoản thu chi, làm cho phụ huynh hiểu rõ món tiền đóng góp dùng để làm gì? Có phục vụ cho con em mình học tập hay không?... Làm được điều này, tôi tin rằng việc huy động xã hội hóa hay tự nguyện sẽ được xã hội ủng hộ”.
Còn theo bà Nguyễn Thị Huệ - Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Hoàng Mai (Hà Nội) đơn vị tham gia thí điểm đề án này cho rằng: “Phải làm thế nào để hiệu trưởng các trường nhận thức được rằng đây không phải tổ chức ngáng đường mà là một tổ chức tiếp sức cho họ huy động nguồn lực, tìm sự đồng thuận ở phụ huynh, minh bạch tài chính, nâng cao uy tín chất lượng cho trường học”.
Ông Lâm cho biết, mong muốn của đề án sau khi làm tường minh các quy chế hoạt động sẽ được các cấp chính quyền địa phương phê duyệt có mặt trong các: “Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn” của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, “Quy chế giám sát đầu tư của cộng đồng” của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ GD-ĐT đồng ý đưa vào quy chế hoạt động có tính chất bắt buộc.
"Để chấm dứt lạm thu, chỉ có một cách duy nhất là cho phụ huynh trực tiếp tham gia và quyết định vào các khoản thu chi của trường", ông Lâm quả quyết.