Vicky Li, nhà sáng tạo nội dung người Mỹ gốc Trung Quốc (@midsizeasianqueen), gây chú ý với video chia sẻ trải nghiệm cuộc sống của một phụ nữ "midsize" (cỡ trung) khi chụp ảnh tại studio ở Bắc Kinh (Trung Quốc).
Trong video, nhà sáng tạo nội dung 30 tuổi, sở hữu cộng đồng 60.000 người theo dõi trên Instagram, trang điểm chỉn chu tại studio, nhưng lại không thể tìm được bộ đồ nào vừa vặn với vóc dáng cao 157,5 cm và nặng 79 kg.
"Có thể thấy áp lực về kích thước cơ thể ở Trung Quốc phản ánh trong kích cỡ quần áo. Là một cô gái cỡ trung, tôi phải mặc size 3XL hoặc 5XL. Hãy thử tưởng tượng size S ở Trung Quốc nhỏ bé đến mức nào. Chúng ta dường như bị ám ảnh bởi suy nghĩ rằng không nên mặc size XL", cô chia sẻ.
Đây là một thực tế đáng buồn tại xứ tỷ dân. Ngay cả khi xã hội ngày càng cởi mở hơn với đa dạng hình thể, ngành công nghiệp thời trang Trung Quốc vẫn còn chậm chân trong việc đáp ứng nhu cầu của nhóm khách hàng ngoại cỡ, theo Jing Daily.
Vicky Li là một trong những người tiên phong, góp phần thay đổi nhận thức về vẻ đẹp ngoại cỡ. Ảnh: @naomistylesyou. |
Ngành công nghiệp thời trang Trung Quốc đang bỏ lỡ một lượng lớn khách hàng tiềm năng khi chưa chú trọng đến nhu cầu của người ngoại cỡ. |
Thời trang plus-size chậm chân
Việc sản xuất quần áo ngoại cỡ luôn đối mặt với nhiều thách thức, từ chi phí nguyên liệu đến quy trình tạo mẫu phức tạp.
Những chiến dịch như "No body is nobody" (tạm dịch: "Không ai giống ai") của thương hiệu nội địa Trung Neiwai đã góp phần thúc đẩy sự đa dạng cơ thể trong thời trang. Tuy nhiên, quan niệm về vẻ đẹp truyền thống của Trung Quốc - "trắng, trẻ, gầy" - vẫn ăn sâu trong tiềm thức xã hội.
Anaïs Bournonville, CEO công ty tư vấn tiếp thị AB Advisory, nhận định rằng các tiêu chuẩn sắc đẹp truyền thống này đang cản trở sự phát triển của phong trào "hình thể tích cực" (body positivity).
Theo bà Bournonville, nhiều người tiêu dùng Trung Quốc e ngại "hình thể tích cực" sẽ đi ngược lại với mục tiêu sức khỏe, thậm chí xem đó là "chủ nghĩa ủng hộ người béo". Do đó, "body neutrality" (trung lập với cơ thể) có lẽ là thông điệp phù hợp hơn với xã hội Trung Quốc hiện nay.
Cách tiếp cận này cũng được thể hiện rõ nét trong chiến lược kinh doanh gần đây của La Perla, thương hiệu nội y đến từ Italy, tại thị trường tỷ dân. Travers-Smith cho biết khác với những thương hiệu như Victoria's Secret, vốn tập trung vào yếu tố gợi cảm và xem đồ lót như một món đồ mặc để người khác ngắm nhìn, La Perla lại hướng đến sự tự tin và hài lòng của mỗi cá nhân.
Theo Chỉ số thị trường chính của Statista, tỷ lệ dân số Trung Quốc được phân loại là thừa cân (BMI > 25) dự kiến sẽ tăng 3,2 điểm phần trăm từ năm 2024 đến năm 2029, đạt đỉnh 44,03% sau 15 năm tăng trưởng liên tiếp.
Điều này đồng nghĩa với việc nhu cầu về trang phục "plus-size" sẽ ngày càng tăng cao, thúc đẩy các thương hiệu phải thay đổi để thích ứng.
Nắm bắt xu hướng này, các thương hiệu nội địa như Neiwai, Maia Active và Plusmall của influencer Yang Tianzhen đang nắm bắt cơ hội, đáp ứng nhu cầu về trang phục ngoại cỡ thời trang và chất lượng.
Jonathan Travers-Smith, CEO của công ty tư vấn Hot Pot China, nhận định thời trang ngoại cỡ tại Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu và có tiềm năng phát triển rất lớn. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra những thách thức mà các thương hiệu phải đối mặt, đặc biệt là việc tìm kiếm sự cân bằng giữa sản xuất và quảng bá.
Bên cạnh đó, việc xây dựng hình ảnh người mẫu lý tưởng, như vận động viên Olympic Li Wenwen hay doanh nhân Hong Kong Vriko Kwok, cũng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình thị hiếu và thúc đẩy sự phát triển của thị trường.
Mạng xã hội vừa là nơi thúc đẩy sự đa dạng hình thể, vừa phản ánh những mâu thuẫn trong quan niệm về cái đẹp. Ảnh minh họa: Xiaohongshu. |
Tiêu chuẩn cái đẹp trên mạng xã hội
Mạng xã hội, đặc biệt là các nền tảng như Xiaohongshu, đóng vai trò quan trọng trong việc thay đổi nhận thức về vẻ đẹp hình thể tại Trung Quốc.
Nơi đây không chỉ là "sân khấu" để những người sáng tạo nội dung tự tin thể hiện đường cong và phong cách cá nhân, mà còn là nơi phản ánh rõ nét những mâu thuẫn trong quan niệm về cái đẹp.
Theo Anaïs Bournonville, Xiaohongshu giống như "hai mặt của một đồng xu".
Một mặt, người dùng thoải mái chia sẻ thông tin về chiều cao, cân nặng, thậm chí so sánh vòng eo với tờ giấy A4, cho thấy sự chấp nhận và yêu thương bản thân đang dần được lan tỏa. Mặt khác, những tiêu chuẩn về vẻ đẹp "mình hạc xương mai" vẫn còn ảnh hưởng sâu sắc, thể hiện qua các bài đăng nhấn mạnh vào việc giảm cân, giữ dáng.
Một nghiên cứu năm 2023 của Đại học Sư phạm Phúc Kiến và Đại học Khoa học và Kỹ thuật Tứ Xuyên cho thấy nội dung "hình thể tích cực" trên mạng xã hội Trung Quốc thường tránh thuật ngữ "hình thể tích cực".
Thay vào đó, các hashtag như "từ chối lo lắng về khuôn mặt", "từ chối lo lắng về vóc dáng", "chấp nhận bản thân không hoàn hảo", "yêu bản thân" và "ảnh chụp bằng camera thường" được sử dụng phổ biến hơn.
Xu hướng này, theo Vicky Li, chính là "cú hích" để các thương hiệu thời trang mở rộng phân khúc sản phẩm, phục vụ nhu cầu của nhiều tệp khách hàng hơn.
"Chúng tôi sẵn sàng mua, vậy tại sao các thương hiệu lại tự giới hạn khách hàng của mình?", Li đặt câu hỏi.
Vị trí của cà phê Việt Nam trên bản đồ thế giới
Theo sách Bản đồ thế giới cà phê của James Hoffmann, sản lượng cà phê lớn ở Việt Nam từ thập niên 1990 đã gây ảnh hưởng mạnh mẽ đến ngành công nghiệp cà phê toàn cầu. Sản lượng cà phê Việt Nam tăng gấp đôi trong giai đoạn 1996-2000, tác động lớn đến giá cà phê thế giới. Đến nay, Việt Nam vẫn là quốc gia sản xuất cà phê lớn thứ hai trên thế giới. Dù vậy, tác giả James Hoffmann cho rằng chất không đi với lượng ở thị trường tiềm năng này.