Nhiều lớp học livestream xuất hiện tại Trung Quốc, tạo thành một ngành công nghiệp lớn. Ảnh minh hoạ: VCG. |
Các lớp học livestream nở rộ với tốc độ chóng mặt, trở thành một ngành công nghiệp mới tại Trung Quốc. “Chỉ với vài trăm USD, bạn có thể trở thành ngôi sao TMĐT, kiếm được hàng triệu USD/năm” là lời quảng cáo quen thuộc của các khóa học này.
Đơn vị truyền thông Worker’s Daily vừa công bố một cuộc điều tra lớn về ngành công nghiệp đào tạo livestreamer và phát hiện ra hàng loạt đơn vị lừa đảo.
Nhiều học viên cho biết phải bỏ số tiền lớn tham gia lớp học, song không nhận về kiến thức, kỹ năng như kỳ vọng. Một số còn mất trắng học phí bỏ ra cho các lớp học giả mạo, theo Sixth Tone.
Ngành công nghiệp trăm tỷ USD
Sự thành công vượt quá sức tưởng tượng của thị trường TMĐT tạo cơ hội phát triển cho ngành đào tạo livestreamer. Nền công nghiệp này tạo ra 4,9 nghìn tỷ NDT (690 tỷ USD) vào năm 2023.
Tính đến tháng 12 năm ngoái, 15 triệu người Trung Quốc cho biết đang hành nghề phát trực tiếp chuyên nghiệp. Những ngôi sao TMĐT hàng đầu tại xứ tỷ dân như “Vua son môi” Li Jiaqi thu hút hàng triệu người xem các phiên livestream, liên tục ký loạt hợp đồng quảng cáo giá trị cao.
Thành công của “Vua son môi” Li Jiaqi khiến nhiều người mong muốn trở thành livestreamer chuyên nghiệp, đăng ký các lớp học về nghề nghiệp này. Ảnh: VCG. |
Những livestreamer tham vọng khác cũng sẵn sàng đầu tư số tiền lớn cho các lớp học, hy vọng có được các kỹ năng cần thiết để thành công như Li. Học phí trung bình cho các lớp học được quảng cáo là “nâng cao” lên đến hàng nghìn NDT.
Theo Worker’s Daily, trên thực tế, phần lớn lớp học không cung cấp kiến thức, kỹ năng để “một bước thành sao”. Livestreamer có tên Xiao Ai Xin cho biết tham gia nhiều khóa học và thất vọng hết lần này đến lần khác.
Ren Chunli, một người phát trực tiếp khác, khẳng định các chương trình này tập trung cung cấp lý thuyết thay vì truyền đạt kỹ năng thực tế.
“Những người được coi là bậc thầy trong ngành này thiếu kỹ năng sư phạm. Thậm chí, nhiều thông báo tuyển sinh còn ‘nhuốm màu’ lừa đảo”, Ren nói.
Thiếu người hướng dẫn có kinh nghiệm thực tế
Theo Worker’s Daily, một công ty đào tạo phát trực tiếp ở thành phố Thẩm Dương tính phí 399 NDT cho một khóa học 7 buổi, dạy kiến thức cơ bản về ngành.
Trong suốt chương trình, đơn vị này thúc đẩy học viên đăng ký thêm lớp nâng cao có giá 2.999 NDT và lớp học 1:1 với sự tham gia của các livestreamer chuyên nghiệp có giá lên đến 6.999 NDT.
Các học viên hoàn thành chương trình học cho biết số lượng người theo dõi họ không thay đổi trước và sau khi tham gia.
Livestream dần trở thành công việc được yêu thích tại Trung Quốc nhờ sự phát triển nhanh chóng của ngành TMĐT ở quốc gia này. Ảnh: VCG. |
Chuyên gia đào tạo Gao Wei cho biết các ngôi sao TMĐT không muốn chia sẻ kỹ thuật thực sự của họ trong lĩnh vực cạnh tranh khốc liệt này. Vì thế, các đơn vị đào tạo thường tuyển dụng những người hướng dẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, chỉ tập trung giảng dạy lý thuyết.
Li Bingyi, một chuyên gia khác trong ngành livestream, cũng cho biết các đơn vị đào tạo cần cung cấp lộ trình học rõ ràng, đánh giá kết quả thông qua số lượng người theo dõi và hiệu suất bán hàng của học viên.
Một số chuyên gia cho biết các trường cao đẳng nghề có thể trở thành nơi đào tạo phát trực tiếp hiệu quả, lý tưởng. Worker’s Daily ghi nhận 300 trường cao đẳng tại Trung Quốc đang vận hành ngành tiếp thị trực tuyến và thương mại trực tiếp. Hơn 60 cơ sở trong số đó cung cấp chương trình giáo dục phát trực tiếp.
Nhân sự thời Gen Z
Theo tác giả, TS Hồng Duyên trong cuốn "Quản trị nhân sự thời Gen Z - câu chuyện cũ kể theo cách mới", Gen Z quan tâm nhất đến sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và hạnh phúc cá nhân. Họ cũng muốn biết những gì được mong đợi trong công việc; muốn được đầu tư sâu vào công việc, biết được thời gian và nỗ lực của họ có ý nghĩa. Thế hệ này cũng quan tâm đến sự nghiệp trong kinh doanh, chăm sóc sức khỏe và công nghệ. Những thay đổi này sẽ tạo ra thách thức mới trong bài toán quản trị của các doanh nghiệp.