Ngoài các căn hộ để ở, tòa nhà này còn có đồn cảnh sát, trạm y tế, cửa hàng, hiệu giặt là, và một nhà thờ ở tầng trệt. Người ngoài không sao hiểu nổi tại sao những nhà truyền giáo, các nhà chức trách, cảnh sát, thậm chí cả những kẻ buôn thuốc phiện lại có thể sống chung trong cùng một tòa nhà, sử dụng chung mọi thiết bị và đi chung thang máy với nhau.
Tòa nhà Begich Towers, nơi cả thị trấn Whittier chung sống. |
Lý giải điều này, nguyên nhân là do quy mô thị trấn nhỏ, cũng như điều kiện thời tiết khá đặc biệt. Thị trấn không dễ vào, cách duy nhất là đi bằng đường biển, hoặc đi đường hầm qua núi mà mỗi lần chỉ đi được một chiều. Ban đêm hầm đóng cửa.
Thị trấn Whittier kéo dài chưa đến 5 km dọc bờ biển. Thời tiết ở đây vô cùng khắc nghiệt, gió mạnh tới 96,5 km/h, tuyết rơi dày hàng mét. Bởi vậy, dân cư Whittier tập hợp tất cả những gì họ cần trong một tòa nhà là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, do sự tiện lợi này mà sinh hoạt ở đây có phần xáo trộn. Người dân thoải mái đi lại trong những bộ quần áo ngủ và dép lê, kể cả khi làm việc. Họ cũng có thể gõ cửa phòng cảnh sát trưởng bất cứ giờ nào. Sinh viên có thể được giáo viên chỉ bảo ngay trong căn bếp của thầy.
Đường hầm vào thị trấn. |
Điều kỳ lạ là ở đây họ có không gian dành riêng cho khách du lịch. Một người dân có tên June Miller cho thuê phòng ngủ kèm ăn sáng ở 2 tầng trên cùng của tòa nhà. Các phòng đều được trang bị ống nhòm để du khách có thể ngắm cá voi và dê núi.
Tuy nhiên tòa nhà Begich Towers không có trường học. Trường học nằm ở một tòa nhà ngay sau khu chung cư. Do điều kiện thời tiết, học sinh đến trường qua một con đường duy nhất, đó là một đường hầm dưới lòng đất.
Dù cho sự tiện lợi của khu chung cư, một số người không thích sống ở đây, họ chuyển đến sống ở một tòa nhà khác. Một số khác thì sống trên thuyền hoặc trong xe kéo, vì họ thấy sống ở chung cư Begich không khác gì nhà tù.
Thị trấn Whittier hoàn toàn cô lập, trước mặt là biển, phía sau là núi. |
Erika Thompson, một giáo viên từng ở Begich Towers trong 5 năm cho biết, cuộc sống ở đây hoàn toàn bình thường. “Một số người thích tính cộng đồng cao, số người khác coi đây như chỗ chỗ lánh đời. Với tôi, đây là nhà. Ở đây bạn biết tất cả mọi người. Chúng tôi có mọi thứ chúng tôi cần”, cô nói.
Được thiết lập năm 1969 sau khi quân đội rút khỏi, thị trấn Whittier do vài trăm cư dân chung tay xây dựng để an cư. Họ bắt đầu phát triển dịch vụ chuyên chở, đường sắt, kho xăng dầu, với cơ sở vật chất phục vụ khoảng 1000 người. Mặc dù nhiều cư dân đã rời thị trấn, Whittier vẫn duy trì một cộng đồng gắn bó sau nhiều năm.