Ngày 19/6, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, cho biết bệnh nhân 44 tuổi, là giáo viên trường Mầm non xã Mường Sang, nhập viện trong tình trạng sốc do mất máu nhiều.
Ngày 14/6, bệnh nhân bị đứt gần như hoàn toàn cổ chân trái do tai nạn sinh hoạt. Nếu chuyển lên tuyến trên là Bệnh viên Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), thời gian di chuyển quá lâu dễ dẫn đến nguy cơ cắt cụt chân.
Bàn chân của bệnh nhân sau khi được nối lại. Ảnh: BVCC. |
Các bác sĩ nhận định cần phẫu thuật nối ngay mới giúp bệnh nhân giữ được bàn chân. Sau khi được tư vấn, gia đình hoàn toàn đồng ý với phương án của bệnh viện.
Sau hơn 3 tiếng phẫu thuật, nữ giáo viên được nối các mạch máu, thần kinh và toàn bộ gân. 5 ngày sau mổ, sức khỏe của bệnh nhân đã ổn định, đang được theo dõi.
Các chuyên gia lưu ý khi bị tai nạn hoặc có chấn thương đứt rời, cần sơ cứu cầm máu ngay tại chỗ và nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Đối với bộ phận cơ thể bị đứt rời sau khi xảy ra tai nạn, thạc sĩ, bác sĩ Vũ Hải Nam, Trưởng khoa Chấn thương Chỉnh hình và Bỏng, khuyến cáo nên bảo quản phần chi thể đúng cách để ca phẫu thuật diễn ra thuận lợi.
- Cho phần chi thể đứt rời vào túi nylon sạch, buộc kín, có thể bọc trong miếng gạc.
- Đặt vào một túi nylon khác đựng nước, buộc kín bỏ vào thùng đá, giữ ở nhiệt độ 4-10 độ C.
- Tránh để phần đứt rời tiếp xúc trực tiếp với nước đá gây bỏng lạnh, dễ làm mạch máu và dây thần kinh bị hỏng.
- Bộ phận cơ thể nếu chưa đứt lìa hoàn toàn, vẫn còn dính lại trên da, không nên cắt rời. Thay vào đó, bạn nên dùng gạc băng lại, đặt túi đá bên cạnh để giữ nhiệt, tránh đặt trực tiếp lên vết thương.
- Lưu ý, không dùng banh kẹp mạch máu.