![]() |
Lương cao đang trở thành nỗi lo với một bộ phận nhân sự. Ảnh minh hoạ: Mikhail Nilov/Pexels. |
Nhiều người lao động Mỹ từng được tăng lương mạnh trong vài năm gần đây bắt đầu nhận ra rằng mức thu nhập hiện tại không còn phù hợp với thị trường việc làm chững lại.
Họ vẫn làm việc hiệu quả. Tuy nhiên, mặt bằng lương ở các ngành như công nghệ giảm đáng kể. Bên cạnh đó, quy định minh bạch lương bổng ngày càng phổ biến.
Theo báo cáo mới của hãng tư vấn Korn Ferry, 2/3 nhân sự Mỹ tin rằng họ đang được trả lương đúng hoặc cao hơn giá trị công việc tạo ra và bộ kỹ năng hiện tại.
“Chúng tôi nhận thấy sự thay đổi rõ rệt trong năm qua. Các doanh nghiệp không còn tích cực tuyển dụng, đồng thời theo dõi các đề nghị tăng lương chặt chẽ hơn trước”, Ron Seifert, đối tác cấp cao tại Korn Ferry, cho biết, Wall Street Journal đưa tin.
![]() |
Mức lương cao khiến nhiều nhân sự lo lắng, đứng trước nguy cơ bị sa thải. Ảnh minh hoạ: Energepic/Pexels. |
Nguy cơ bị cắt giảm vì lương cao
Wall Street Journal phỏng vấn hơn 20 người từng nhảy việc trong thời kỳ thị trường lao động bùng nổ do đại dịch. Nhiều trong số họ chia sẻ cảm giác bất an dù từng hài lòng với mức lương đạt được. Họ lo ngại sẽ không thể tìm được công việc mới có mức lương tương đương nếu bị sa thải.
Nỗi sợ bị cắt giảm thu nhập ngày càng trở nên rõ rệt với những người đã mua nhà hoặc xây dựng lối sống xa hoa. Thậm chí, một số cho rằng mức lương vượt trội có thể khiến họ bị công ty nhắm đến khi cần cắt giảm chi phí vận hành.
Một chuyên gia thực tế ảo từng được Meta trả lương gấp 3 lần sau khi chuyển việc cho rằng đó cũng có thể là lý do anh bị sa thải. Một quản lý kinh doanh có mức thưởng hậu hĩnh cũng kể rằng sếp từng ám chỉ cô được trả lương quá cao trước khi cho nghỉ việc.
“Tôi từng tham gia vào việc đưa ra hàng nghìn quyết định sa thải ở phía doanh nghiệp. Mức lương vượt mặt bằng chung chắc chắn là một yếu tố bị xem xét”, Andy Challenger, Phó chủ tịch cấp cao tại Challenger, Gray & Christmas, cho biết.
Chấp nhận mức lương thấp hơn
Jacob Timm, kỹ sư phần mềm ở Minnesota, từng tin rằng lúc nào cũng có lời mời tốt hơn đang chờ mình. Trong năm 2021 và 2022, anh thường xuyên nhận được tin nhắn từ các nhà tuyển dụng trên LinkedIn. Trong vòng 6 tháng, anh được thăng chức nội bộ rồi lại được công ty khác mời gọi, giúp thu nhập tăng 70%.
Giờ đây, các nhà tuyển dụng chỉ liên hệ với anh mỗi tháng một lần. Dù chưa có ý định chuyển đổi công việc, anh thường xuyên theo dõi các vị trí đăng tuyển để so sánh mức lương. Kết quả cho thấy thu nhập của anh đang nằm ở mức cao, nhất là với công việc hoàn toàn từ xa như hiện tại.
![]() |
Nhiều người lao động phải chấp nhận mức lương thấp hơn khi chuyển đổi công việc. Ảnh minh hoạ: Kindel Media/Pexels. |
“Nếu bị sa thải, tôi nghĩ khó tìm được công việc có mức lương như hiện nay. Có lẽ tôi sẽ phải tìm việc lâu và cân nhắc một mức thu nhập thấp hơn nếu thất nghiệp hơn 6 tháng”, Timm (30 tuổi) chia sẻ.
Sau khi quan sát thị trường lao động thay đổi, anh và vợ quyết định tăng quỹ dự phòng từ 3-6 tháng sinh hoạt phí lên mức 9 tháng.
Một số người từng được tăng lương mạnh cho biết tin tưởng vào khả năng duy trì thu nhập nếu chuyển đổi việc. Họ không lo bị thay thế vì hiểu rằng chi phí tuyển dụng và đào tạo người mới sẽ gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, ngày càng nhiều người chấp nhận chuyển việc và giảm lương. Theo khảo sát quý mới nhất của ZipRecruiter, chỉ 60% nhân sự nhảy việc gần đây được tăng lương, giảm so với mức 73% của quý trước đó.
Page Sheldon, kế toán ở Colorado, từng đổi việc 2 lần trong một năm và tăng lương tổng cộng 47%. “Hiện nay, tôi chắc chắn không thể làm lại điều đó”, anh nói.
Mức độ lo lắng hiện tại còn phụ thuộc vào việc người lao động nhìn nhận thế nào về mức lương mình nhận được. Một số cho biết sớm nhận ra mức lương cao chỉ là kết quả của làn sóng tuyển dụng bất thường và chi tiêu thận trọng từ đầu.
Song, nhiều người lại tin rằng mức thu nhập của mình sẽ tiếp tục tăng. Tuy nhiên, “chiếc tên lửa” lương bổng ấy có khả năng sớm quay đầu trở lại mặt đất.
Ưu tiên nhân viên tài năng hay thâm niên?
Có bao nhiêu người trong số nhân viên của bạn mà nếu tuyển dụng lại bạn sẽ chọn họ? Bao nhiêu trong số họ chỉ dừng ở mức tầm trung và bao nhiêu người bạn chỉ đang chịu đựng? Đó cũng là câu hỏi khiến hai tác giả Andreas Krebs và Paul Williams phải băn khoăn trong cuốn Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại.