
- Giám đốc điều hành Lead The Change, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ phát triển tư duy, kỹ năng và cố vấn nghề nghiệp cho nhân sự trẻ.
Là người đã đồng hành cùng hơn 130.000 bạn trẻ trong các chương trình phát triển tư duy, kỹ năng và cố vấn nghề nghiệp, trong đó đa số là Gen Z (sinh năm 1997-2012), tôi hiểu rõ khát khao của thế hệ này là được làm công việc phù hợp với giá trị cá nhân, nơi họ có thể là chính mình.
Gen Z linh hoạt, chủ động và không ngại thử nghiệm. Nhưng chính vì có quá nhiều lựa chọn, từ freelance (làm tự do), startup (khởi nghiệp) đến content creator (nhà sáng tạo nội dung), nên thế hệ này cũng dễ rơi vào trạng thái thiếu kiên nhẫn, luôn lo sợ mình đang bỏ lỡ điều gì đó tốt hơn.
Áp lực so sánh trên mạng xã hội càng khiến Gen Z dễ đưa ra quyết định rời đi chỉ vì cảm thấy mình “chưa đủ tốt” hoặc “công việc này không đủ hay”.
Tuy nhiên, sự nghiệp không phải là một cuộc rượt đuổi cơ hội, mà là hành trình xây nền móng vững chắc cho chính mình. Nhà tuyển dụng sẽ không chỉ nhìn vào nơi nhân sự từng làm việc, mà nhìn vào năng lực đã tích lũy được, giá trị nhân sự tạo ra và hành trình phát triển bản thân của họ qua từng trải nghiệm.
Gen Z tìm kiếm điều gì ở công việc?
Trong thời đại mà công việc không chỉ còn là một phương tiện mưu sinh, người trẻ, đặc biệt là Gen Z, ngày càng quan tâm hơn đến việc lựa chọn hành trình nghề nghiệp có ý nghĩa và bền vững.
Theo quan sát của tôi, có 5 yếu tố cốt lõi mà bất kỳ ai cũng đang tìm kiếm trong hành trình nghề nghiệp của mình:
![]() |
Nhảy việc quá sớm có thể khiến ứng viên mất uy tín với nhà tuyển dụng. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Cơ hội phát triển cá nhân: Không ai muốn mãi giậm chân tại chỗ trong một công việc lặp lại và nhàm chán. Thế hệ nhân sự trẻ này mong muốn được học hỏi, trau dồi kỹ năng, mở rộng năng lực chuyên môn, và quan trọng hơn cả, thấy mình trưởng thành hơn sau mỗi năm làm việc.
Ý nghĩa và giá trị công việc: Một công việc thực sự thu hút không chỉ vì mô tả công việc hấp dẫn hay tên công ty danh tiếng, mà ở cảm giác mình đang làm điều có ý nghĩa. Khi biết rằng công việc mình làm, dù là một phần nhỏ, đang góp phần tạo ra điều gì đó tốt đẹp hơn, nhân sự thường có xu hướng làm việc hăng say, có động lực hơn mỗi ngày.
Môi trường và văn hóa làm việc tích cực: Môi trường làm việc và văn hóa công ty cũng đóng vai trò then chốt trong việc giữ chân nhân tài. Không gian làm việc tích cực, nơi các mối quan hệ giữa đồng nghiệp và cấp trên dựa trên sự tôn trọng, tin tưởng và hỗ trợ, chính là nền tảng để mỗi cá nhân cảm thấy an toàn và sẵn sàng cống hiến. Một tập thể có văn hóa nhân văn sẽ giúp người trẻ cảm thấy mình được lắng nghe, được là chính mình, và được trao cơ hội.
Thu nhập và chính sách đãi ngộ hợp lý: Không ai có thể làm tốt công việc của mình nếu cảm thấy mức lương không xứng đáng hoặc phải lo lắng về tài chính hàng ngày. Tuy nhiên, điều người trẻ cần không chỉ là mức lương cao, mà là sự minh bạch, công bằng và có cơ hội tăng trưởng theo hiệu suất thực tế.
Sự ghi nhận và đánh giá đúng mực: Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là sự ghi nhận. Một lời cảm ơn, một sự công nhận kịp thời từ cấp trên, hay cơ hội thăng tiến rõ ràng có thể tạo ra khác biệt rất lớn trong trải nghiệm công việc. Khi người trẻ thấy mình được nhìn nhận và trân trọng, họ sẽ có động lực để tiếp tục phấn đấu và phát triển.
Rủi ro nhảy việc quá sớm
Nhảy việc có thể mang lại cơ hội mới, nhưng rời đi quá nhanh cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Doanh nghiệp luôn đánh giá cao sự kiên trì, khả năng thích nghi, vì vậy một ứng viên có lịch sử làm việc dưới 2 năm mỗi công ty rất dễ bị đặt dấu hỏi về độ tin cậy và cam kết lâu dài, dù ứng viên đó có năng lực tốt đến đâu.
Theo quan sát của tôi, 18-24 tháng là thời gian tối thiểu để một nhân sự tạo ra giá trị và xây dựng nền tảng sự nghiệp. 3-6 tháng đầu là giai đoạn thích nghi, 6-12 tháng tiếp theo giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn, nhưng vẫn cần thời gian hiểu sâu hơn về tổ chức, sản phẩm, chiến lược. Từ mốc 12 tháng trở đi mới là lúc nhân sự có thể bắt đầu chứng minh năng lực, đóng góp rõ rệt và xây dựng uy tín trong tổ chức. Sau 18 tháng, các cơ hội phát triển, thăng tiến hoặc thử thách mới thường mới thực sự mở ra.
Tất nhiên, thời gian này có thể ngắn hơn đối với các lĩnh vực như marketing, sáng tạo hoặc thương mại điện tử. Nhưng những ngành như nhân sự, tài chính hay phát triển sản phẩm lại thường đòi hỏi sự gắn bó lâu hơn.
![]() |
Mạng xã hội tạo áp lực khiến người trẻ dễ nghi ngờ bản thân và quyết định vội vàng. Ảnh minh họa: Phương Lâm. |
Song, nếu việc thay đổi công việc diễn ra liên tục mà chưa kịp tạo ra giá trị cụ thể ở nơi nào, nhân sự không chỉ đánh mất cơ hội phát triển chiều sâu, mà còn khiến nhà tuyển dụng dè dặt khi xét duyệt hồ sơ. Nhảy việc sớm cũng đồng nghĩa với việc người lao động có thể bỏ lỡ thời điểm được đánh giá, cân nhắc tăng lương, hay đảm nhiệm vai trò lớn hơn, những điều chỉ đến với những ai đủ thời gian chứng minh bản thân.
Vậy khi nào là lúc phù hợp để cân nhắc thay đổi công việc? Khi nhân sự không còn học hỏi được gì mới, không thấy lộ trình thăng tiến rõ ràng, văn hóa công ty không còn phù hợp hoặc quyền lợi không tương xứng với đóng góp, đó là lúc nên bắt đầu đánh giá lại. Nhưng nếu lý do chỉ là cảm giác chán nản tạm thời, thiếu kiên nhẫn, hay bị ảnh hưởng từ mạng xã hội và người khác, hãy dừng lại và suy nghĩ kỹ. Mỗi bước đi trong sự nghiệp nên là một bước có chủ đích, không phải phản ứng nhất thời.
Trước khi đưa ra quyết định rời đi, hãy thử trao đổi thẳng thắn với quản lý, tìm cơ hội cải thiện hoặc đánh giá thị trường một cách nghiêm túc. Một sự chuyển dịch đúng thời điểm, đúng lý do sẽ giúp người lao động tiến xa hơn, thay vì chỉ tạo ra một bước ngoặt tạm thời rồi tiếp tục tìm kiếm.
Kỹ năng
Bên cạnh việc lựa chọn thời điểm nhảy việc, người trẻ cũng cần chuẩn bị hành trang kỹ năng phù hợp với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Trong kỷ nguyên mà AI và tự động hóa đang tái định nghĩa lại cách vận hành doanh nghiệp, nhà tuyển dụng không chỉ cần người “biết làm”, mà cần người hiểu cách làm cho công việc hiệu quả hơn.
Ứng viên năm 2025 muốn nổi bật phải chứng minh được 3 điều: khả năng thích ứng nhanh với công nghệ phổ biến; tư duy phản biện và hệ thống; và năng lực quản trị bản thân trong môi trường làm việc nhiều thay đổi, thử thách.
![]() |
Tập trung, tư duy phản biện và tự quản là ba năng lực Gen Z cần rèn luyện. Ảnh minh họa: Artempodrez/Pexels. |
Doanh nghiệp không yêu cầu nhân sự biết lập trình hay dùng những công cụ cao cấp, nhưng chắc chắn kỳ vọng nhân lực biết ứng dụng các công cụ AI và quản lý công việc cơ bản như ChatGPT, Canva, Notion, Google Sheets, hay các nền tảng quản lý dự án như Trello, Asana, ClickUp.
Mục tiêu không phải là “kể tên nhiều công cụ”, mà là: nhân viên có đang dùng các công cụ để tăng tốc độ xử lý công việc, giảm sai sót, và làm chủ thời gian của chính mình không?
Thực tế, nhiều người trẻ hiện nay giỏi dùng công cụ nhưng làm việc kém hiệu quả vì thiếu tập trung, không biết quản lý năng lượng hay sắp xếp ưu tiên. Trước hàng loạt đầu việc, họ quên hỏi: “Việc quan trọng nhất lúc này là gì?”. Trong thời đại dễ xao nhãng, khả năng tập trung và tư duy chậm lại để quyết định đúng chính là lợi thế cạnh tranh mới.
Cùng với đó, tư duy phản biện và giải quyết vấn đề giờ không còn là kỹ năng “cộng thêm”, mà là nền tảng bắt buộc. Người làm tốt không chỉ nhận việc rồi làm theo, mà còn biết đặt câu hỏi, tìm cách làm hiệu quả hơn và đề xuất cải tiến.
Cuối cùng, tư duy hệ thống giúp họ hiểu công việc của mình ảnh hưởng đến toàn bộ tổ chức ra sao, từ đó làm việc có trách nhiệm và chiến lược hơn. Một người có thể không biết mọi thứ, nhưng nếu biết cách học, tối ưu công cụ và chính bản thân, họ sẽ luôn là nhân tố được giữ lại. Trong thị trường cạnh tranh, điều giúp nhân sự được chọn không phải là họ biết gì, mà là họ có đang làm tốt hơn và chủ động hơn mỗi ngày hay không.
Theo cuốn sách 20-30 tuổi càng nhiều cố gắng càng lắm may mắn của Liêu Trí Phong, giai đoạn từ 20 đến 30 tuổi là thời điểm quan trọng để tích lũy kinh nghiệm và phát triển bản thân, tạo nền tảng vững chắc cho tương lai. Tuy nhiên, một số bạn trẻ lựa chọn môi trường làm việc ít cạnh tranh hơn để tìm kiếm sự ổn định, dù điều này có thể hạn chế cơ hội phát triển và cảm giác giá trị trong công việc.