Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi lo khi Trung Quốc bị soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới

Các nhà kinh tế lo ngại tình trạng dân số suy giảm tại Trung Quốc có thể để lại những hệ lụy nghiêm trọng đối với nước này và cả các quốc gia khác trên thế giới.

Dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau 6 thập kỷ vào năm 2022. Ảnh: Reuters.

Bất chấp việc Trung Quốc thay đổi chính sách một con và đưa ra nhiều ưu đãi khuyến khích các gia đình sinh thêm con trong thời gian gần đây, dân số nước này đang giảm dần.

Bước ngoặt quan trọng đó khiến Ấn Độ hôm 19/4 chính thức soán ngôi Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Sự thay đổi đặt Trung Quốc vào con đường già hóa và bị thu hẹp dân số giống nhiều nước láng giềng ở châu Á, nhưng nó sẽ có những tác động to lớn không chỉ đối với nền kinh tế khu vực mà còn cả với thế giới nói chung, New York Times nhận định.

Đây là lý do các nhà kinh tế và nhiều người khác tỏ ra lo lắng trước diễn biến này.

Ảnh hưởng đến nền kinh tế toàn cầu

Trong nhiều năm, dân số khổng lồ trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đã là nguồn “năng lượng cho động cơ” kinh tế toàn cầu, cung cấp cho các nhà máy lao động rẻ để sản xuất hàng hóa xuất khẩu khắp thế giới.

Về lâu dài, tình trạng thiếu công nhân nhà máy ở Trung Quốc - do lực lượng lao động có trình độ học vấn cao và dân số trẻ ngày càng giảm - có thể làm tăng chi phí cho người tiêu dùng bên ngoài Trung Quốc. Điều này có khả năng làm trầm trọng thêm lạm phát ở các quốc gia phụ thuộc nhiều vào hàng Trung Quốc nhập khẩu.

quoc gia dong dan nhat anh 1

Một nhà máy ở Quảng Châu. Ảnh: New York Times.

Đối mặt với chi phí lao động ngày càng tăng ở Trung Quốc, nhiều công ty đã bắt đầu chuyển hoạt động sản xuất sang các quốc gia có nguồn lao động giá rẻ hơn, như Mexico.

Dân số giảm cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng Trung Quốc giảm chi tiêu, đe dọa các thương hiệu toàn cầu phụ thuộc vào việc bán sản phẩm sang Trung Quốc, từ điện thoại thông minh Apple đến giày thể thao Nike.

Tin xấu cho thị trường nhà ở

Trong ngắn hạn, tỷ lệ sinh giảm mạnh đặt ra mối đe dọa lớn đối với lĩnh vực bất động sản của Trung Quốc - lĩnh vực chiếm khoảng 1/4 sản lượng kinh tế của đất nước.

Gia tăng dân số là động lực chính của nhu cầu nhà ở, vì quyền sở hữu nhà là tài sản quan trọng nhất đối với nhiều người Trung Quốc. Trong thời kỳ phong tỏa do đại dịch Covid-19 lan rộng, làm giảm chi tiêu của người tiêu dùng và tăng trưởng xuất khẩu, nền kinh tế Trung Quốc thậm chí còn phụ thuộc nhiều hơn vào lĩnh vực nhà ở.

Chính phủ gần đây đã can thiệp để giúp đỡ các nhà phát triển bất động sản đang gặp khó khăn, nhằm nỗ lực ngăn chặn hệ lụy từ cuộc khủng hoảng nhà ở.

quoc gia dong dan nhat anh 2

Một dự án phát triển nhà ở tại Thượng Hải. Ảnh: New York Times.

Không đủ khả năng hỗ trợ dân số già

Lực lượng lao động ngày càng thu hẹp của Trung Quốc có thể không đủ khả năng hỗ trợ dân số ngày một già đi của nước này. Về lâu dài, với ít người trong độ tuổi lao động hơn, chính phủ Trung Quốc có thể gặp khó khăn trong việc duy trì, hỗ trợ một lượng dân số khổng lồ đang già đi và sống lâu hơn.

Một báo cáo năm 2019 của Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc dự đoán quỹ hưu trí chính của nước này sẽ cạn tiền vào năm 2035 - một phần do lực lượng lao động bị thu hẹp.

Các nhà kinh tế đã so sánh cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc với cuộc khủng hoảng cản trở sự bùng nổ kinh tế của Nhật Bản trong những năm 1990.

Nhưng Trung Quốc không có đủ nguồn lực như Nhật Bản để cung cấp mạng lưới an sinh cho dân số già của mình. Các hộ gia đình tại Trung Quốc sống với thu nhập trung bình thấp hơn nhiều so với ở Mỹ và các nơi khác. Nhiều cư dân lớn tuổi nước này dựa vào khoản lương hưu nhà nước như một nguồn thu nhập chính khi nghỉ hưu.

Trung Quốc cũng là một trong số quốc gia có độ tuổi nghỉ hưu thấp nhất thế giới, với hầu hết người lao động nghỉ hưu ở tuổi 60. Tình hình này đã gây áp lực không chỉ đối với các quỹ hưu trí nhà nước mà còn đối với hệ thống bệnh viện.

quoc gia dong dan nhat anh 3

Người cao tuổi tập thể dục tại một công viên ở Bắc Kinh. Ảnh: New York Times.

Cuộc khủng hoảng hình thành trong nhiều thập kỷ

Trung Quốc đưa ra chính sách một con vào cuối những năm 1970 vì cho rằng cần phải giữ cho tốc độ tăng dân số tránh đạt đến mức không bền vững.

Chính phủ đã áp dụng các quy định nghiêm ngặt đối với hầu hết cặp vợ chồng có nhiều hơn một con. Nhiều gia đình ưu ái con trai hơn con gái, thường phá thai hoặc bỏ rơi con gái khi mới sinh, dẫn đến tình trạng dư thừa đàn ông độc thân trong dân số Trung Quốc.

Vào năm 2013, Trung Quốc tuyên bố nới lỏng các giới hạn quy mô gia đình. Những nỗ lực của chính phủ nhằm mở ra thời kỳ bùng nổ trẻ sơ sinh học - bao gồm cung cấp tiền mặt, nới lỏng chính sách một con, hay cho phép sinh 3 - dường như chưa thể thuyết phục người dân.

Chẳng hạn, phụ nữ Trung Quốc có học thức ngày càng trì hoãn việc kết hôn và chọn không sinh con, do chi phí nhà ở cùng giáo dục quá cao.

Bắc Kinh cũng không muốn nới lỏng quy định nhập cư để tăng dân số. Trong quá khứ, nước này cấp tương đối ít thẻ xanh để bổ sung lực lượng lao động đang bị thu hẹp.

Để giải quyết tình trạng thiếu lao động, Trung Quốc đã thuê sản xuất gia công tay nghề thấp từ các quốc gia khác ở châu Á và tăng cường tự động hóa cho các nhà máy của mình, hy vọng sẽ dựa nhiều hơn vào lĩnh vực công nghệ cùng trí tuệ nhân tạo để tăng trưởng trong tương lai.

Lý do nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng nhanh hơn dự báo

Nền kinh tế Trung Quốc phục hồi nhanh hơn dự kiến trong quý đầu tiên của năm nhờ dỡ bỏ các hạn chế Covid-19 và chi tiêu của người tiêu dùng tăng mạnh.

Trung Quốc bị soán ngôi quốc gia đông dân nhất thế giới

Dữ liệu của Liên Hợp Quốc công bố hôm 19/4 cho thấy Ấn Độ đã vượt Trung Quốc trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới.

Minh An

Bạn có thể quan tâm