Huang Yiyang (18 tuổi, ở Trung Quốc) bắt đầu ngày mới bằng việc mở chiếc laptop cá nhân. Hai tuần qua, không có tiếng chuông vào giờ học, cũng không có hành lang nhộn nhịp hay nhà ăn chật kín sinh viên.
Thay vì phải di chuyển đến trường ở Thượng Hải, Huang ngồi trước máy tính từ 8h đến 17h. “Đồng phục” lúc này của cô là những bộ đồ mặc ở nhà, học bài qua các lớp livestream.
Huang gần như không rời khỏi nhà, không gặp bạn bè khoảng 1 tháng qua. Cũng như nhiều học sinh, sinh viên khác trên toàn thế giới, Huang học từ xa trong thời gian tạm nghỉ vì dịch Covid-19.
Học sinh không đến lớp, giáo viên Zhang Weibao quay video bài giảng tại một trường trung học ở Urumqi, Tân Cương, Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
"Thèm được gặp bạn bè"
Tất cả lớp học online đều giống nhau, chỉ cần một chiếc máy tính xách tay được kết nối Internet và một chút tập trung. Đối với Huang, học ở nhà có nghĩa là ngồi hàng giờ trước máy tính, ít giao tiếp xã hội. Không có cuộc thảo luận nhóm nào, Huang cũng khó khăn khi nghe giảng vì đường truyền Internet không đều.
Dù vậy, Huang biết rằng toàn bộ giáo viên và sinh viên đều đang rất nỗ lực duy trì trong tình hình dịch Covid-19 ngày càng phức tạp.
Ngay cả khi giờ học kết thúc, nhiệm vụ của Huang vẫn chưa hết. Nữ sinh thường thức đến 22h để hoàn thành bài tập về nhà và nộp online. Thời điểm này, Huang thừa nhận không gặp mặt được thấy cô, bạn bè nhưng cô cảm thấy gần gũi với họ hơn.
Huang chia sẻ họ thường trò chuyện qua Wechat và động viên nhau, khoảng cách trước đây cũng rút ngắn đi nhiều. Và, trên hết, họ khao khát được gặp lại nhau, quay trở lại trường học.
Theo Tân Hoa Xã, toàn bộ trường học tại Trung Quốc đều được yêu cầu tổ chức các lớp trực tuyến. Quốc gia này cũng cung cấp những bài giảng trên truyền hình nhằm giúp học sinh, sinh viên cả nước thuận tiện trong việc tiếp cận kiến thức.
Ở Hong Kong (Trung Quốc), khi trường học đóng cửa, nhiều giáo viên tìm kiếm những giải pháp mới trong thời gian nghỉ học. Tại trường Montessori, các học sinh họp mặt nhau qua Google Hangouts và chia sẻ thay cho các cuộc gặp gỡ thông thường. Nhà trường nhanh chóng nhận ra rằng việc tiếp xúc và giao tiếp rất quan trọng với trẻ.
Chính vì thế, ngôi trường này khuyến khích giáo viên và học sinh tự quay video chia sẻ vấn đề trong học tập của mình để những thành viên còn lại có thêm thông tin. Kết quả, rất nhiều video thú vị ra đời như cách giải quyết bài toán khó của một sinh viên, giải bài toán địa chất của giáo viên quay tại bãi biển.
Một giáo viên giảng bài bằng điện thoại thông minh trong lớp học trực tuyến tại trường trung học ở Donghai, Giang Tô, Trung Quốc. Ảnh: CNN. |
Phụ huynh Italy tìm cách cân bằng khi con nghỉ học
Trong khi học sinh tại Hong Kong và Trung Quốc đại lục triển khai học online từ lâu, phương pháp học từ xa mới được áp dụng tại Italy. Tại Milan, hai con gái của Gini Dupasquier học qua các bài giảng PowerPoint trực tuyến. Đồng thời, họ cũng làm việc nhóm với các bạn cùng lớp qua Google Hangout và trao đổi tích cực với giáo viên.
“Về mặt tâm lý, các con tôi thấy ổn” - phụ huynh Dupasquier nói - “Các con tôi khá thích thú với phương pháp này. Đến hiện tại, tôi không thấy vấn đề gì với nó”.
Dù vậy, vấn đề của bà mẹ này là cân bằng cuộc sống khi các con ở nhà. “Tôi phải điều chỉnh thời gian làm việc của mình. Thay đổi này ban đầu có một chút khó khăn”.
Một phụ huynh và con tại Nam Xương, Giang Tây, Trung Quốc cùng học online. Ảnh: CNN. |
Cơ hội cho giáo viên và trường học
Theo CNN, đây không phải lần đầu ngành giáo dục thử nghiệm phương pháp học từ xa. Ở các quốc gia có mùa đông khắc nghiệt, có nhiều trường phải tạm hoãn vì “những ngày tuyết rơi”. Năm ngoái, Hong Kong (Trung Quốc) cũng hủy các lớp học vì cuộc biểu tình.
Hay như trẻ em tại những vùng sâu, xa của Australia, từ lâu, đã học online qua các chương trình học tập trên radio. Và ở Trung Quốc, trí tuệ nhân tạo được biết đến như cách hiệu quả nhằm đảm bảo chất lượng giáo dục ở vùng nông thông.
Theo GS Chris Dede, Đại học Harvard, Mỹ, sự kết hợp giữa giáo dục trực tuyến và trực tiếp sẽ mang lại hiệu quả tốt hơn là chỉ áp dụng một trong hai cách trên. Nhưng điều cốt yếu trong thời điểm hiện nay và cho cả ngành giáo dục không phải phương tiện mà là chất lượng, phương pháp giảng dạy.
Ông cũng nhấn mạnh “điều tồi tệ nhất ở trẻ là bị cô lập, ở nhà, không có sự hỗ trợ về mặt cảm xúc từ bạn bè, người thân hay không được trao đổi với giáo viên để cởi bỏ những vướng mắc trong quá trình học”.
Đại diện đến từ Đại học Harvard cũng chỉ ra nhiều nghiên cứu cho thấy những tác động tâm lý tiêu cực đối với sinh viên, học sinh bị cách ly với bạn bè sau khi mắc bệnh hiểm nghèo.
Ông Dede cho rằng hiện tại, cách học từ xa là cơ hội để các nhà giáo dục thử nghiệm những phương pháp giảng dạy mới. Sau đó, họ đưa những sáng tạo này đến với lớp học trực tiếp.
“Chúng ta có phương tiện truyền thông đại chúng, Internet, điện thoại thông minh. Vì vậy, mức độ cô lập và mức độ mất đi cơ hội học hỏi sẽ lớn hơn nhiều nếu điều này xảy ra ở hai thập kỷ trước”, ông Dede nhấn mạnh.