Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi niềm giáo viên xã đảo duy nhất ở TP.HCM

Dù còn nhiều vất vả, giáo viên xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), xã đảo duy nhất của TP.HCM, vẫn bám trường, vì mong học sinh có con chữ để thoát nghèo.

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh TP.HCM được nghỉ Tết sớm một tuần so với lịch thông báo của UBND thành phố. Vì vậy, những thầy cô giáo tình nguyện xa nhà lâu ngày chuẩn hành lý về quê đón Tết.

Thầy Lê Văn Thanh, 32 tuổi, giáo viên Vật lý Trường THCS - THPT Thạnh An là một trong 11 giáo viên trẻ tình nguyện ra xã đảo dạy học vào tháng 8/2018.

Năm trước, thầy Thanh đã đón Tết xa nhà, vì điều kiện kinh tế khó khăn, thầy phải ở lại để bớt đi chi phí tàu xe và tranh thủ làm thêm. Thầy Thanh dự tính năm nay cũng không về, nhưng ba bị ung thư, thầy phải cố kiếm tiền để đưa vợ con về quê.

Thầy Thanh kể thầy sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo khó tỉnh Bình Định, nguồn kinh tế cả gia đình trông chờ vào ruộng muối, những năm gần đây làm muối khó khăn, cả năm chỉ được trên dưới 40 triệu đồng. Cả nhà đành phải mỗi người một hướng, tìm kiếm cho mình một công việc khác để mưu sinh. Thầy Thanh lựa chọn tình nguyện ra xã đảo của TP.HCM để dạy học.

"Thu nhập của giáo viên ở đây gần 6 triệu đồng/tháng, không đủ để tôi lo tiền sữa tã cho con. Năm đầu tiên ra xả đảo dạy, tôi phải chạy thêm Grab. Vì không sắp xếp được thời gian và công việc vất vả, tôi chuyển sang dạy thêm trên TP", thầy Thanh cho hay.

Nam giáo viên cho biết mỗi ngày, thầy phải dậy thật sớm, bắt chuyến tàu đầu tiên từ Cần Giờ ra Thạnh An để kịp giờ dạy và đi chuyến cuối cùng trong ngày để trở lại đất liền. Những buổi tối dạy thêm trong trung tâm TP, thầy chạy xe máy gần 40 km, qua một chuyến phà để đến lớp rồi quay về nhà lúc 23h.

Giao vien xa dao anh 1

Giáo viên trường THCS - THPT Thạnh An trao quà cho học sinh dịp Tết. Ảnh: Người Lao Động.

"Nhiều ngày liên tiếp, tôi chỉ ngủ được 2 giờ, rất mệt mỏi nhưng chưa bao giờ nghĩ đến từ bỏ việc dạy ở đây. Những học sinh trên xã đảo này cần kiến thức để có cuộc sống tốt hơn. Dù khó khăn, tôi cũng sẽ cố gắng mang đến cho các em những con chữ để đổi đời", thầy Thanh nói.

Năm nay, tất cả tiền lương và thưởng cuối năm, thầy nhận được 10 triệu đồng. Để đủ tiền tàu xe về quê và mua ít bánh kẹo làm quà, thầy Thanh vay mượn thêm 5 triệu đồng.

Cô Trần Thị Thuyết, 26 tuổi, giáo viên Địa lý dạy ở trường này ba năm. Vừa tốt nghiệp ngành sư phạm của ĐH Huế, cô đã ra xã đảo dạy học. Cô Thuyết cho biết vì công việc bận rộn bởi trường thiếu giáo viên nên hơn một năm cô chưa về thăm nhà ở Quảng Trị. Tết năm nay, cô phải về quê vì nhà còn ba mẹ đã cao tuổi, em trai cô không thể về do dịch Covid-19.

"Đời sống giáo viên ở đây vất vả, năm nay thưởng Tết không nhiều, tôi cố gắng tiết kiệm chi tiêu để đủ tiền tàu xe về quê. Không gửi được nhiều tiền cho ba mẹ để sắm sửa Tết, tôi rất buồn, nhưng được đoàn tụ với gia đình đã là hạnh phúc", cô Thuyết bộc bạch.

Cô Trang Diệp Thúy, 30 tuổi, giáo viên môn Văn của trường tâm sự, vì tính chất công việc, khi cưới xong cô phải ở lại Thạnh An dạy học, còn chồng làm việc tại quê nhà Sóc Trăng, mỗi tuần gặp nhau một lần. Tết là dịp để vợ chồng gặp nhau nhiều hơn, vì mỗi người mỗi nơi và thu nhập không cao nên cô chưa tính đến kế hoạch có con.

Năm nay lương và thưởng được hơn 10 triệu đồng, cô Thúy bàn với chồng mua ít bánh kẹo về làm quà cho gia đình hai bên.

Giao vien xa dao anh 2

Giáo viên tình nguyện ở trong nhà công vụ xuống cấp trầm trọng, dây điện bị rò rỉ, nước ngập sàn mỗi khi trời mưa do đường ống không thể thoát nước. Ảnh: Người Lao Động.

"Tôi buồn và xót xa khi đi làm cả năm vẫn không đủ gửi về cho ba mẹ vài triệu đồng sắm Tết. Nhưng đời sống người dân trên đảo còn nhiều khó khăn, nhiều nhà còn không có Tết, nên tôi phải cố bám trường, mong các em có được con chữ để thoát nghèo", cô Thúy chia sẻ.

Ấm lòng Tết xa quê của giáo viên cắm bản

Tết là dịp mỗi gia đình sum vầy bên nhau. Nhưng ở miền biên viễn hay vùng cao vẫn còn nhiều giáo viên gạt đi những mong ước đời thường để vui xuân cùng học sinh và bà con dân bản.

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/noi-niem-giao-vien-xa-dao-duy-nhat-o-tp-hcm-20210213112549637.htm

Nguyễn Thuận / Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm