Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nơi phụ nữ lần đầu tiên không cần xin phép chồng đi xem World Cup

Phụ nữ Saudi Arabia từng bị cấm vào các sân vận động và chỉ được phép rời khỏi đất nước khi người giám hộ nam (chồng hoặc cha) chấp thuận.

Saudi Arabia đã tạo ra cơn địa chấn cả trên sân cỏ lẫn khán đài Qatar. Đội tuyển nước này giành chiến thắng lịch sử trước Argentina trong trận ra quân. Cổ động viên của Saudi Arabia đông đảo hơn bất kỳ quốc gia nào tại World Cup 2022.

Chiếc áo màu xanh ngọc lục bảo là hình ảnh phổ biến trên khắp Doha. Fan Saudi Arabia ở mọi nơi, từ vỉa hè, tàu điện ngầm cho tới khán đài sân vận động. Họ đã tạo ra bầu không khí sôi động và gần như áp đảo nhóm cổ động viên của đội đối thủ.

Tại sân vận động Education City, hôm 26/11, cứ 20 cổ động viên vào sân lại có một fan nữ đến từ Saudi Arabia. Số lượng cổ động viên nữ của nước này ngang bằng với số fan nữ ủng hộ đội tuyển Ba Lan. Theo The Guardian, đây là hình ảnh lần đầu tiên xuất hiện.

world cup 2022 anh 1

Một cổ động viên Saudi Arabia xem trận đấu với tuyển Ba Lan tại World Cup 2022.

Cải cách

3 năm trước, như một phần của loạt chính sách cải cách, một sắc lệnh từ Hoàng gia Saudi Arabia tuyên bố rằng phụ nữ sẽ được phép rời khỏi đất nước mà không cần sự đồng ý trước của người giám hộ nam.

Hệ thống giám hộ vẫn tồn tại và áp dụng cho mọi phụ nữ trong suốt cuộc đời, với vai trò giám hộ được chuyển từ người cha sang người chồng. Nhưng sự giám hộ không còn được áp dụng ở nhiều khía cạnh như trước đây.

Điều đó có nghĩa là việc đến nước láng giềng để xem World Cup 2022 giờ đây là hoàn toàn có thể đối với tất cả, bao gồm cả nữ giới.

world cup 2022 anh 2

Phụ nữ Saudi Arabia lần đầu tiên đi xem World Cup mà không cần sự đồng ý của người giám hộ.

Theo The Guardian, việc tiếp cận để hỏi chuyện với các cổ động viên nữ Saudi Arabia trước trận đấu không hề dễ dàng.

Yêu cầu nói chuyện thường bị từ chối một cách lịch sự. Những tấm danh thiếp phóng viên đề nghị cơ hội nói chuyện chỉ về chủ đề bóng đá sau trận đấu đã không được đáp lại.

Aliya là cổ động viên hiếm hoi đồng ý trả lời. Đây là lần đầu tiên cô đến sân vận động xem đội tuyển quốc gia thi đấu. Cô cảm thấy rất hào hứng với không khí của ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. "Tôi mong chờ sự cổ vũ và những người ở đó, toàn bộ trải nghiệm".

Chồng Aliya tiếp lời: "Đây là World Cup thật ý nghĩa với chúng tôi. Trong tương lai, chúng tôi hy vọng sẽ có các đội nữ và một giải đấu dành cho nữ. Chủ tịch mới của liên đoàn ủng hộ mọi thứ và phụ nữ là ưu tiên hàng đầu".

Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Saudi Arabia là Yasser al-Misehal, cựu chủ tịch giải bóng đá nam chuyên nghiệp của đất nước và là thành viên của ủy ban kỷ luật FIFA. Ông al-Misehal có nhiều chủ trương thay đổi bóng đá nữ trong nước.

Hai năm trước, giải ngoại hạng nữ ra đời. Đây là giải đấu cấp quốc gia đầu tiên dành cho các câu lạc bộ nữ. Sau đó, trận đấu quốc tế đầu tiên của đội nữ Saudi Arabia được tổ chức. Các cô gái đã đánh bại đội Seychelles với tỷ số 2-0 trong trận giao hữu ở Mauritius.

Như một giấc mơ

Sự phát triển của bóng đá nữ diễn ra một thập kỷ sau khi các quan chức Saudi Arabia vận động FIFA cấm cầu thủ đội khăn trùm đầu, một biện pháp nhằm ngăn cản phụ nữ nước này chơi bóng.

5 năm trước, nữ giới Saudi Arabia vẫn không được phép vào sân vận động với tư cách khán giả. Lệnh cấm cuối cùng đã được dỡ bỏ ở ba địa điểm vào đầu năm 2018.

Những thay đổi này được thực hiện trong bối cảnh Saudi Arabia muốn khẳng định vai trò trung tâm hơn trong thế giới thể thao và hy vọng giành quyền đăng cai World Cup 2030.

world cup 2022 anh 3

Cầu thủ Saudi Arabia ăn mừng bàn thắng vào lưới đội tuyển Argentina.

Mariam Meshikhes, sống ở phía đông Saudi Arabia, cũng lần đầu tiên được xem trực tiếp một trận đấu của đội tuyển quốc gia. "Đây cũng là kỳ World Cup đầu tiên của tôi. Tất cả đều như mơ. Từ nhỏ, tôi đã theo dõi tất cả các trận đấu và chỉ ước được ở đó. Tôi không thể tin rằng ngày này cuối cùng cũng đến".

Để đến Qatar xem World Cup, Mariam đã để các con ở nhà với chồng. "Chồng con tôi đều ổn. Họ biết tôi đang hạnh phúc", cô nói.

Khi được hỏi về vai trò của các cổ động viên nữ trong một môn thể thao chủ yếu do nam giới thống trị, Mariam trả lời: "Ở đâu cũng cần phụ nữ. Chúng tôi là 50% của Saudi Arabia. Bây giờ thật tuyệt vời khi chúng tôi có thể tham gia cổ vũ cho đất nước của mình tại World Cup".

Một cuộc chiến khác bên lề World Cup

Bên cạnh cuộc cạnh tranh cho danh hiệu vô địch World Cup, một trong những vấn đề gây tranh cãi nhất trong giải đấu ở Qatar là về biểu tượng OneLove nhiều màu.

Lifestyle gửi đến độc giả gợi ý về sách hay, phong cách đọc hiện đại của giới trẻ, đặc biệt là Gen Z. Ngoài ra, những người mê đọc sách cũng có thể khám phá thêm góc nhìn của các gương mặt trẻ nổi bật về lựa chọn đọc sách.

Lê Vy

Ảnh: Reuters

Bạn có thể quan tâm