Trong không khí vui vẻ, đầy ắp tiếng cười ấy đã ẩn chứa biết bao kỷ niệm đẹp về tình thầy trò; có vui, có buồn và cả những giọt nước mắt...
Người thầy bình dị !
Hơn 15 năm gắn bó với nghề, thầy An đã dạy hàng nghìn học trò môn Thể dục, nhiều người thành đạt trong cuộc sống, nhiều học trò đạt thành tích cao ở các kỳ Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc, cấp tỉnh, huyện… nhưng điều thầy cảm thấy hạnh phúc nhất là hàng năm dịp Tết hay ngày 20/11 thì học trò kéo nhau đến chật kín nhà để chúc mừng, thăm hỏi.
Hàng ngày, thầy An dành thời gian rảnh rỗi chơi đàn Guitar. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại. |
Chúng tôi tìm đến nhà thầy An trong buổi chiều giữa tháng 10. Hôm đó, trời mưa tầm tã, căn nhà của thầy nằm sâu trong con hẻm nhỏ ở thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A.
Thầy An tâm sự: “Đến giờ, tôi cảm thấy viên mãn là hàng năm đều có học trò đã nhớ và tìm đến mình. Không chỉ học trò mà còn có cả vợ, chồng và con của học trò cũng cùng tìm đến. Điều đó đã duy trì hơn chục năm nay!”.
“Ngày mùng 4 Tết năm 2014, có em học trò đã ra trường hơn 5 năm, giờ làm kinh doanh bên ngoài tìm đến và ôm chầm tôi. Lúc đó, tôi đang loay hoay làm đồ ăn, quần xắn lên gần đầu gối. Hai thầy trò không nói nên lời mà thay vào đó là giọt nước mắt trong sự chứng kiến của nhiều học trò khác”, thầy An rơm rớm nước mắt kể.
Theo lời giới thiệu của thầy An, chúng tôi gặp chị Kim Hiền (học trò thầy An), chị đang là nhân viên kế toán cho một doanh nghiệp. Chị Hiền chia sẻ: “Nói đến thầy An thật sự có nhiều cảm xúc và kỷ niệm. Thầy là người đầu tiên định hướng và dẫn dắt niềm đam mê bóng chuyền của tôi. Thầy đã dạy và truyền đạt cho tôi rất nhiều kinh nghiệm, không những về chuyên môn mà còn trong cuộc sống.
Có những lúc tôi nghĩ thầy là người anh trai, người bạn thân thiết bên cạnh luôn lắng nghe, chia sẻ và cho những lời khuyên hữu ích. Từ những buổi tập gian nan, những hình phạt, những trận đấu căng thẳng ở Hội khỏe Phù Đổng cấp huyện và cả những lần họp mặt… Những hình ảnh đó đã in hằn sâu trong ký ức tôi”, chị Kim Hiền tâm sự.
Thầy An cùng học trò đàn hát ngày họp mặt. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại. |
Thầy An kể, trường hợp khác là em Trương Hòa Bình, em ra trường đã hơn chục năm, hiện nay em làm việc cho một tờ báo Trung ương phụ trách khu vực ĐBSCL. Thầy còn nhớ mãi dịp 20/11 năm 2010, khi đó Bình còn là sinh viên, hoàn cảnh nghèo, vừa học đại học vừa phải đi làm thêm để kiếm tiền trang trải việc học, thân hình gầy nhom, đạp xe cọc cạnh từ Cần Thơ đến trường hơn 20 km.
“Hơn 9 giờ sáng, buổi lễ vừa kết thúc, học sinh quay quần bên thầy cô giáo để tặng hoa chúc mừng. Tôi ngồi bên hành lang, từ xa nhìn thấy em lặng lẽ đạp xe vô trường rồi nói nhỏ với tôi: Năm nay em đến thăm thầy nhưng em không có tiền mua hoa tặng thầy. Thầy đừng buồn em! Nói chưa dứt lời, lòng em nghẹn lại.
Lúc đó, tôi cũng chẳng nói nên lời. Tôi ôm em rồi nói: Em nghĩ đến tôi và các thầy cô ở trường mà về đến đây là món quà vô giá rồi!”.
Nói về thầy của mình, anh Hòa Bình, chia sẻ: “Những lúc tôi khó khăn nhất chính là lúc mà thầy luôn bên cạnh động viên, ủng hộ về tinh thần. Điều đáng quý nhất ở thầy là sự gần gũi, hòa đồng và luôn hiểu được tâm tư, tình cảm của học sinh…”.
Thầy An khi trên lớp rất nghiêm khắc với học trò, vì thầy mong muốn giúp các em khỏe mạnh để có tinh thần tốt, đáp ứng cho môn học Thể dục. Nhưng sâu hơn là định hướng, phát hiện năng khiếu của các em để định hướng cho các em phát huy hết khả năng của mình, qua đó, giúp các em đạt những kết quả ngoài mong đợi ở những lần thi đấu…
Thầy kể kỷ niệm vui, vào năm 2010, lúc đó thầy dẫn học trò thi đấu Hội khỏe Phù Đổng cấp tỉnh môn đá cầu. Năm đó, học trò vào đến trận chung kết, sau hiệp đầu thất bại vì học trò của thầy thua đối thủ cả về kỹ thuật lẫn thể lực.
Trong giờ giải lao hết hiệp, thầy điều chỉnh chiến thuật bằng cách động viên tinh thần, phát huy khả năng của mỗi thành viên và chú ý vào nhược điểm của đối thủ… cuối cùng đội của thầy “lội ngược dòng” giành chiến thắng.
Hết lòng vì học trò nghèo
Thầy An tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm chuyên ngành Giáo dục thể chất năm 1998 ở Trường Cao đẳng Cần Thơ, sau đó, xin về dạy ở Trường THCS Tân Hòa (Châu Thành A). Do điều kiện gia đình, hai năm sau thầy chuyển về Trường THCS Long Thạnh (Phụng Hiệp, Hậu Giang) dạy cho đến bây giờ.
Nhớ lại những năm đầu đứng trên bục giảng, thầy An cho biết: Những năm đi dạy là sự trải nghiệm của người thầy giáo trẻ đầy nhiệt huyết, qua đó cảm nhận cuộc sống và nỗi lo toan của những người nghèo lo cho con ăn học.
Dù là giáo viên dạy Thể dục nhưng thầy An luôn có tâm hồn nghệ sĩ. Ảnh: Giáo Dục và Thời Đại. |
Vào những năm 2000, cơ sở vật chất của trường còn khó khăn, mùa lũ thầy và trò xoắn quần dạy và học vì nước ngập. Cũng chính từ thực tế khó khăn khi học sinh vùng sâu phải lội bộ, dầm mưa đi học người lấm lem bùn đất mà thầy thấy thương các em hơn.
“Bản thân tôi từ nghèo khó vươn lên nên khi thấy học trò của mình trong hoàn cảnh đó tôi đồng cảm và quyết tâm làm hết khả năng của mình để giúp các em”, thầy An tâm sự.
Việc vận động giúp đỡ học sinh nghèo thầy An đã làm từ những ngày đầu đi dạy học. Mỗi năm thầy vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm giúp đỡ quần áo, tập sách để giúp trò nghèo yên tâm đến trường.
Suốt 5 năm qua, thầy An còn đứng ra đỡ đầu cho em Cù Văn Tùng, một học sinh gia đình khó khăn, mồ côi cha. Trường hợp được thầy An giúp đỡ cũng có không ít học sinh cá biệt, lúc còn ngồi trên ghế nhà trường được thầy khuyên bảo, sau khi ra đời trải nghiệm cuộc sống rồi quay lại tìm và quý mến thầy.
“Tôi cần học trò sống làm sao có ích cho xã hội, là người tốt, đáp ứng được công việc chuyên môn là đủ rồi…”, thầy An tâm sự.
Nói về đồng nghiệp của mình, cô Trần Thị Hương Thảo - giáo viên Trường THCS Long Thạnh - cho biết: “Thầy An là người hòa đồng, có tinh thần trách nhiệm và luôn hết lòng vì học trò nghèo vùng sâu. Nhiều em học sinh hoàn cảnh khó khăn đã được thầy giúp đỡ nên vượt qua khó khăn, tiếp tục con đường học tập. Vì vậy thầy An luôn được đồng nghiệp, học trò quý mến, nhiều em ra trường đi làm ở xa nhưng năm nào cũng tìm đến thăm thầy !”.
Hiện nay, thầy An còn tổ chức nhóm cựu học sinh gần chục người đam mê đàn Guitar để dạy mỗi tháng một lần. Thông thường tổ chức ở quán cà phê hay tại nhà thầy. “Tôi đam mê Guitar từ nhỏ, cây đàn giúp tôi thêm gia vị của cuộc sống. Tôi sẵn sàng truyền lửa cho những em đam mê…”, thầy An chia sẻ.
Hiện cuộc sống gia đình thầy An còn nhiều vất vả. Hai vợ chồng cùng là giáo viên dạy cấp hai với thu nhập đủ trang trải cuộc sống và lo cho con trai ăn học. Dù cuộc sống vẫn còn nhiều lo toan nhưng thầy An vẫn thường xuyên âm thầm vận động bạn bè trong Hội yêu xe Vespa, các nhà hảo tâm rồi tìm đến nhà của các em học sinh nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để giúp đỡ và động viên học trò vượt cố gắng vượt qua khó khăn để vươn lên học tập tốt và sống có ích cho xã hội...