Tuần trước, Lee Jae-myung, ứng cử viên tổng thống thuộc Đảng Dân chủ, gây tranh cãi khi đề xuất đưa chứng rụng tóc vào danh mục được bảo hiểm y tế công chi trả.
Điều đặc biệt là ông Lee nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình từ nhiều cử tri trẻ dù chứng rụng tóc được biết đến là phổ biến hơn ở người cao tuổi. Thực ra, ý kiến này được đội ngũ của ông Lee đề xuất dựa trên lời cầu khẩn của một người ủng hộ ông ở độ tuổi 30.
Dù tính khả thi của đề xuất này vẫn chưa rõ ràng, nhiều ý kiến cho rằng nó đã chỉ ra được một trong những mối quan tâm của nhiều người trẻ ở Hàn Quốc, theo Korea Herald.
Quan tâm đến mái tóc
Thông thường, một thanh niên Hàn Quốc đang ở độ tuổi trẻ trung ít có lý do để lo lắng về việc bị hói đầu. Theo một nghiên cứu của giáo sư Stefanie Heilmann-Heimbach thuộc Đại học Bonn, tình trạng hói đầu ở nam giới gốc Âu thường bắt đầu ở độ tuổi 30, với khả năng lên tới 80% bị ảnh hưởng ở một mức độ nào đó.
Tình trạng rụng tóc ở nam giới châu Á thường xảy ra muộn hơn một thập kỷ, ảnh hưởng đến 50-60% nam giới.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đang điều trị chứng rụng tóc, trong đó đáng chú ý là sự gia tăng ở các nhóm trẻ tuổi. Vào năm 2020, có 233.194 người đã điều trị rụng tóc tại các bệnh viện, phụ nữ chiếm 43%, theo Dịch vụ Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc.
Nhóm điều trị nhiều nhất là những người trong độ tuổi 30 với 22,2%. Tỷ lệ đặc biệt cao ở nam giới độ tuổi 30, với 25,5% đang điều trị. Ngay cả những người độ tuổi 20 cũng đang cho thấy tỷ lệ điều trị rụng tóc tương đương nhóm 40 tuổi, với con số lần lượt là 22,2% và 22,3%.
Ngày càng nhiều người trẻ Hàn Quốc tìm đến các biện pháp hỗ trợ điều trị, chăm sóc tóc vì sợ hói đầu. Ảnh: iStock. |
Cho Nam-jun, bác sĩ da liễu tại Bệnh viện NHIS Ilsan, cho biết khả năng xuất hiện tình trạng rụng tóc tăng đột biến ở nam giới trẻ tuổi là không có.
"Không phải xuất hiện tình trạng rụng tóc tăng đột biến mà là có nhiều khả năng nhiều người trẻ tuổi tìm đến các sự trợ giúp về mặt y tế vì họ ngày càng quan tâm đến ngoại hình hơn", bác sĩ nói.
Những người trong ngành suy đoán rằng tình trạng rụng tóc thực tế có thể lớn hơn con số chính thức được công bố. Hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng chỉ thống kê các vấn đề về rụng tóc liên quan đến bệnh tật. Bên cạnh đó, nhiều thanh niên thường tự chọn các biện pháp điều trị tại nhà.
Một người phụ nữ họ Park bắt đầu sử dụng các loại dầu gội đầu được quảng cáo là có chức năng chống rụng tóc khi cô có con đầu lòng ở độ tuổi ngoài 30.
“Tôi rất hoang mang khi bắt đầu rụng nhiều tóc ngay sau khi sinh con. Vì vậy, tôi nghĩ mình nên chăm sóc tóc thật tốt khi vẫn còn trẻ”, Park, hiện 40 tuổi, nói.
Vẫn chưa rõ chính xác hiệu quả của các loại dầu gội được cho là chống rụng tóc như thế nào, nhưng đây vẫn là phương án được nhiều người lựa chọn.
Ngày 12/1, TS Trillion, công ty chuyên về các sản phẩm ngăn rụng tóc, đã ghi nhận giá cổ phiếu tăng từ 791 won lên 1.025 won (0,66 USD - 0,86 USD). Cổ phiếu của công ty này thậm chí dao động quanh mức 1.300 won kể từ 13/1.
Sau tuyên bố của ông Lee Jae-myung, cổ phiếu của một số công ty sản xuất sản phẩm điều trị rụng tóc cũng tăng vọt.
Khi rụng tóc ở giới trẻ ngày càng trở thành một vấn đề phổ biến, ngay cả những người nổi tiếng trẻ tuổi cũng không ngại công khai khi mắc phải. Gần đây, Go Eun-ah, nữ diễn viên 33 tuổi, tiết lộ trên kênh YouTube rằng đã đi cấy tóc, giống như họa sĩ truyện tranh Kian84 (37 tuổi).
Vào năm 2016, Peniel (sinh năm 1993), thành viên nhóm nhạc BtoB cũng thu hút sự chú ý khi tiết lộ mình bị rụng tóc một phần do căng thẳng.
Sợ xấu hổ, bị trêu chọc
Trong khi nhiều người nổi tiếng công khai nói về mái tóc của mình, nhiều người bình thường cho biết đã bị chế giễu thậm chí gặp bất lợi vì vấn đề này.
Một người đàn ông 30 tuổi họ Kim cho hay bị rụng tóc từ khi còn học cấp 2. Anh đã chi khoảng 20 triệu won (16.700 USD) để chạy chữa nhưng cuối cùng đành từ bỏ vì gánh nặng tài chính.
"Ngay cả khi đi tìm việc, tôi đã nghĩ: 'Mình không được nhận vì bị hói sao?'", anh kể.
Ca sĩ Peniel có khoảng thời gian bị rụng tóc do căng thẳng. Ảnh: Hello Counselor. |
Hạ nghị sĩ Kim Won-i của Đảng Dân chủ Hàn Quốc, thành viên ủy ban sức khỏe và phúc lợi của quốc hội, cho rằng rụng tóc là một loại “bệnh xã hội”.
“Dù nó không đi kèm nỗi đau thể xác, sự căng thẳng và xa lánh nó đem lại có thể ảnh hưởng đến các mối quan hệ xã hội của một người. Điều này còn có thể gây tốn kém khi đi tìm việc hoặc hẹn hò".
Ngoài ra, nhiều người Hàn Quốc cho rằng tình trạng hói đầu có thể khiến một người bị đuổi việc.
Vào năm 2018, Ủy ban Nhân quyền Quốc gia kêu gọi không gây bất lợi cho những người hói đầu đang nộp đơn tìm việc làm. Động thái này xuất hiện sau khi một người đàn ông tuyên bố đã bị công ty sa thải vì bị hói và từ chối đội tóc giả.
Trách nhiệm của chính phủ?
Theo Park Joo-min thuộc Đảng Dân chủ Hàn Quốc, việc bổ sung chứng rụng tóc vào phạm vi chi trả của bảo hiểm y tế quốc gia là điều đáng được xem xét. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ có bao nhiêu người sẽ được điều trị khi điều này trở thành hiện thực.
Theo một nghiên cứu trên Tạp chí Da liễu Anh, tỷ lệ mắc chứng rụng tóc nội tiết tố androgen (chứng hói đầu ở nam giới) trong nam giới Hàn Quốc ở mọi lứa tuổi là 14,1%, tương đương khoảng 3,5 triệu người.
Các sản phẩm chăm sóc, ngăn ngừa rụng tóc được bán phổ biến tại Hàn Quốc. Ảnh: Yonhap. |
Chưa nói đến khả năng gánh vác chi phí này của chính phủ Hàn Quốc, vẫn còn một câu hỏi đặt ra là liệu việc sử dụng các nguồn lực nhà nước cho những vấn đề về tóc có đúng hay không bởi đây vốn không phải là tình trạng bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Bảo hiểm Y tế Quốc gia Hàn Quốc hiện không chi trả cho các thủ tục y tế không cần thiết, ví dụ như phẫu thuật chỉnh sửa mắt hay tạo hình thẩm mỹ.
Lee Sang-yi, giáo sư tại Đại học Quốc gia Jeju, chuyên gia về y tế dự phòng, coi lời cam kết của ông Lee là người theo chủ nghĩa dân túy và cho biết có nhiều bệnh nghiêm trọng khác nên được bảo hiểm y tế công chi trả.
"Nếu việc điều trị rụng tóc được bảo hiểm chi trả, nhiều bệnh khác liên quan đến lý do thẩm mỹ cũng sẽ được xem xét", giáo sư Lee viết trên Facebook, gọi ông Lee Jae-myung là “vô trách nhiệm”.