Sức khỏe
Nụ cười hồn nhiên của những em bé nhiễm căn bệnh thế kỷ
- Thứ ba, 1/12/2015 11:26 (GMT+7)
- 11:26 1/12/2015
Những em bé này phần lớn bị cha mẹ ruột bỏ rơi từ lọt lòng vì biết con nhiễm HIV. Nhưng các em vẫn còn may mắn có được mái nhà và thuốc men kiểm soát bệnh hơn nhiều số phận khác.
|
Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động số II thuộc xã Yên Bài, huyện Ba Vì (Hà Nội) là căn nhà chung của 82 trẻ nhiễm H. Vào một sáng cuối tuần, các cán bộ tại trung tâm đang thực hiện buổi tập huấn cho các bé ở độ tuổi 10-12 với chủ đề Tiết kiệm là gì? Cũng như bao đứa trẻ khác, các bé chăm chú nghe giảng và hăng hái tham gia đóng góp ý kiến, làm bài tập được giao. |
|
Cùng lúc, các em ở lứa tuổi khác phụ mẹ nuôi chuẩn bị bữa trưa. Vì là sáng ngày nghỉ, các mẹ nuôi nấu những món đặc biệt như bún chả, bún thịt khiến đám trẻ rất thích thú. Nơi đây có 8 ngôi nhà, trong đó có 4 nhà chính - Dế mèn, Bồ Câu, Sóc nhí, Ban mai - là nơi sinh hoạt của các em từ 2-18 tuổi. Mỗi nhà có một mẹ nuôi, ba cán bộ và trên dưới 20 đứa trẻ ở nhiều độ tuổi khác nhau.
|
|
Công việc trong nhà được các mẹ và cán bộ chia cụ thể cho từng em theo khả năng và lứa tuổi. Bên cạnh việc chăm sóc, chỉ bảo các em, các anh lớn tham gia vào việc trồng rau, nhổ cỏ, nấu cơm, rửa bát, giặt quần áo.
|
|
Những cậu nhóc 4-6 tuổi được tổ chức đá bóng vào dịp sáng cuối tuần. Kém may mắn hơn các bạn đồng trang lứa khi bị bỏ rơi từ thuở lọt lòng lại mang trong mình căn bệnh tới nay vẫn chưa có thuốc chữa song các bé vẫn hồn nhiên, vô tư đúng tuổi. Chia sẻ về những đứa con kém may mắn, một mẹ nuôi của trung tâm cho biết, các bé nhỏ chưa hiểu rõ về bệnh tình nên đôi khi, chúng tủi thân vì mồ côi, còn một số anh lớn đến tuổi đi học, cảm nhận được sự xa lánh, kỳ thị của những người xung quanh thì dần có mặc cảm.
|
|
Dù đi học cùng trường với các bạn song các trẻ cấp 1, 2 tại trung tâm phải học lớp riêng. Chỉ có cấp 3 được hòa nhập hoàn toàn với cộng đồng. So với các bạn cùng tuổi, những cậu bé 8-12 tuổi ở đây thường nhỏ, gầy hơn dù được các mẹ nuôi và cán bộ rất quan tâm.
|
|
Sau giờ vui chơi ngoài trời, các bé trở về nhà và làm công việc được giao. Những đứa trẻ ở đây, tuy còn nhỏ tuổi nhưng rất tự giác, biết nghe lời. Không chỉ tự làm vệ sinh cá nhân, ăn uống, cô, cậu bé từ 4,5 tuổi trở lên cũng tự tháo, gấp quần áo và sắp xếp tủ đồ gọn gàng.
|
|
Cậu bé thích thú khoe chiếc áo mang tên cầu thủ thần tượng. Mỗi ngày, các bé tại trung tâm được các bác sĩ, y tá phát thuốc uống theo giờ vào 6h và 18h15. Sức khỏe phần lớn đều ổn định, ít ốm. Những trường hợp sức đề kháng yếu sẽ được quan tâm, chú ý.
|
|
Xong việc gấp quần áo, các bé được chơi tự do trong lúc chờ tới giờ cơm trưa. Đây là phòng ngủ với giường tầng, tủ quần áo và kệ sách. Mỗi giường có 2 tầng, mỗi tầng có hai bé ngủ chung. Tủ quần áo được ghi tên từng người và các bé tự giác chăm lo cho góc cá nhân. |
|
Giá sách của các anh lớn được sắp xếp khá gọn gàng. Dù đi học trường cấp 3 cách nhà hơn 20 km song anh cả trong nhà Dế mèn lựa chọn đi về bằng xe buýt thay vì ở thuê gần trường như các bạn khác. Cậu bé 17 tuổi khoe chiếc đàn ghi-ta, món quà đặc biệt của một người cô dành tặng. Dù không được học bài bản, phải tự mày mò từng nốt nhạc, chàng trai trẻ đã gắn bó và sẻ chia với người bạn tinh thần này những vui buồn trong nhiều năm qua.
|
|
Tại trung tâm, ngôi nhà dành cho các bé từ một ngày tới hai năm tuổi được xây dựng riêng. Nơi đây có 9 mẹ nuôi chăm sóc 9 cháu. Cũng như anh chị lớn, các bé được uống thuốc theo giờ. Các mẹ nuôi chia sẻ, vì còn nhỏ, những đứa trẻ ở đây thường quấy khóc và hay ốm vặt nhưng đều do các bệnh thông thường, không phải ảnh hưởng từ H. |
|
Dù công việc nuôi dưỡng trẻ nhiễm H tại trung tâm rất vất vả, đồng lương lại eo hẹp song vì tình thương, các mẹ vẫn ôm ấp, chăm lo và nuôi dưỡng chúng như con đẻ. Một người chia sẻ: "Ban đầu, khi biết tôi tới làm tại đây, gia đình, bạn bè đều ngăn cản. Họ bảo, đâu thiếu chỗ để xin việc mà phải vào nơi cửa tử đó. Tuy nhiên, tôi đã tìm hiểu và nắm rõ được về căn bệnh này, đồng thời, thấy những đứa trẻ này quá tội nên vẫn thuyết phục người thân và gắn bó với mái nhà này nhiều năm, chưa từng có ý định rời xa".
|
|
Cùng tâm trạng với đồng nghiệp, một mẹ nuôi khác cho biết, cả chị và ông xã đều làm việc tại đây. Nhà cách trung tâm 20 km nên anh chị phải gửi con cho ông bà. Một tuần có 2 ngày nghỉ, cả hai sẽ thay nhau về thăm gia đình. Còn lại, họ ở trung tâm 24/24 để hoàn thành công việc. |
|
Tới giờ cơm trưa, tổ ấm nhỏ của những đứa trẻ kém may mắn rộn ràng tiếng cười. Các chị lớn thay nhau phụ mẹ nuôi xúc bún, cơm cho em.
|
|
Một số cho em đi ngủ, số khác lau quét nhà, còn lại dọn rửa bát đũa. Trung tâm Chữa bệnh Giáo dục Lao động số II có cơ sở vật chất khang trang. Khuôn viên luôn sạch sẽ khi những đứa trẻ thay phiên nhau quét dọn, chăm lo mỗi ngày. 40 người lớn bao gồm các cán bộ, mẹ nuôi, đội ngũ y bác sĩ vẫn ngày ngày mang tình thương sưởi ấm cho tâm hồn bé nhỏ. Điều những mảnh đời kém may mắn nơi đây thiếu là cái nhìn bao dung và sự hiểu biết đúng, đủ về bệnh tình của cộng đồng, phụ huynh và học sinh nơi chúng học tập.
|
|
Cùng lúc, căn nhà của các bé trai vào giờ cơm trưa cũng nhộn nhịp không kém. Món bún chả lạ miệng do chính các bé và mẹ nuôi làm hiện rất "đắt hàng". Hai cậu bé nhỏ tuổi nhất nhà - 3 tuổi - cũng được mẹ cắt nhỏ bún, thịt vào bát và tự ngồi xúc ăn.
|
|
Mẹ nuôi của nhà Dế Mèn tâm sự, chị đã gắn bó với Trung tâm nhiều năm nay, từ những ngày chỉ có 5, 7 cháu, tới nay, con số đã tăng gấp 10, 11 lần. Trước đây, chị làm công việc nhà bếp, sau đó, trở thành mẹ nuôi và chăm lo cho những đứa trẻ này 24/24h.
|
|
Sau những phút giây e dè và ngại ngùng, các bé cũng dần cởi mở. Cuối buổi trò chuyện, một cậu bé nhiễm H chia sẻ: "Con mong có một ngày, chúng con có thuốc chữa khỏi bệnh hoàn toàn, để có thể học chung lớp với các bạn mà không bị phụ huynh phản đối. Con và các em không còn phải chịu ánh mắt kỳ thị và những lời nói gây tổn thương của mọi người". |
trẻ em
nhiễm HIV
trung tâm