Bị can Nguyễn Thị Hòa và Nguyễn Đăng Thuyết. |
Theo kết luận điều tra, ông Nguyễn Đăng Thuyết thành lập Công ty TNHH Thành An Hà Nội, Công ty TNHH thiết bị y tế Danh, Công ty TNHH thiết bị y tế Tràng Thi và trực tiếp điều hành, chỉ đạo kế toán lập hai hệ thống sổ kế toán tài chính để theo dõi số liệu thực tế và số liệu đã ghi tăng chi phí đầu vào để kê khai, báo cáo thuế.
Mục đích của việc này nhằm che giấu lợi nhuận, giảm tiền thuế phải nộp để hưởng lợi bất chính. Từ năm 2017 - 2022, ông Thuyết chỉ đạo kế toán mua hóa đơn khống của 110 công ty/hộ kinh doanh cá thể.
Cụ thể, vợ chồng ông Thuyết chỉ đạo các bị can khác, trong đó có bà Nguyễn Thị Hòa (giám sát kế toán 3 công ty Thành An, Danh, Tràng Thi) lập, sử dụng 2 hệ thống sổ kế toán trên phần mềm FAST để hạch toán, kê khai, báo cáo thuế và theo dõi kết quả hoạt động kinh doanh của 3 công ty.
Hệ thống sổ kế toán nội bộ ghi nhận toàn bộ số liệu thực thu, thực chi, kết quả kinh doanh thực tế, số liệu chi không có chứng từ hợp pháp. Trong khi đó, hệ thống sổ kế toán tài chính thuế khai man số liệu để lập báo cáo tài chính, báo cáo thuế.
Để kiểm soát dòng tiền thu/chi, ông Thuyết yêu cầu đại diện các công ty ủy quyền cho mình được ký chủ tài khoản trên các chứng từ ngân hàng của 3 công ty. Sau đó ông Thuyết giao cho vợ là bà Nguyễn Nhật Linh ký chủ tài khoản.
Bị can Nguyễn Thị Hòa có nhiệm vụ lập kế hoạch dự tính số tiền thuế phải nộp trong năm để báo cáo ông Thuyết duyệt; quản lý chữ ký số (Token) để làm báo cáo thuế và xuất hóa đơn điện tử. Theo chỉ đạo của ông Thuyết, bà Hòa duy trì việc mua hóa đơn khống của các công ty/hộ kinh doanh cá thể.
Cơ quan điều tra xác định, từ năm 2017 - 2022, bà Hòa giúp ông Thuyết mua 19.167 hóa đơn khống (mặt hàng là danh mục vật tư y tế) của 110 công ty/hộ kinh doanh, với tổng giá trị tiền hàng trước thuế là hơn 3.689 tỷ đồng, thuế VAT là hơn 75 tỷ đồng; tổng số tiền hàng sau thuế là hơn 3.765 tỷ đồng, tổng chi phí mua hóa đơn là hơn 257 tỷ đồng.
Bà Hòa cùng người khác hạch toán 19.167 hóa đơn khống vào phần mềm kế toán thuế nhằm tăng chi phí, giảm thuế phải nộp. Phần chi phí mua hóa đơn khống, các phần thực thu, thực chi khác được theo dõi trên sổ kế toán nội bộ.
Hành vi sử dụng hóa đơn khống để kê khai, khấu trừ thuế GTGT gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 62,3 tỷ đồng tiền thuế GTGT. Hành vi sử dụng hóa đơn khống để hạch toán kế toán khi làm báo cáo tài chính, hạch toán chi phí xác định số thuế phải nộp gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 680 tỷ đồng tiền thuế thu nhập doanh nghiệp. Tổng cộng Nhà nước thiệt hại ngân sách hơn 743 tỷ đồng tiền thuế.
Trong vụ án này, với vai trò là giám sát kế toán 3 công ty, bà Nguyễn Thị Hòa đã lập hai hệ thống sổ sách tài chính theo chỉ đạo của ông Nguyễn Đăng Thuyết nhằm bỏ ngoài sổ kế toán tài sản, nguồn vốn, kinh phí của 3 công ty, che giấu lợi nhuận thực tế, giảm thuế phải nộp cho Nhà nước.
Bà Hòa trực tiếp liên hệ với các công ty/hộ kinh doanh để mua hóa đơn khống, hạch toán lập báo cáo tài chính, kê khai quyết toán thuế sai lệch với kết quả sản xuất kinh doanh thực tế của 3 công ty, đã hưởng lợi bất chính 15 tỷ đồng.
Theo cơ quan điều tra, hiện bị can Nguyễn Thị Hòa đang bỏ trốn, chưa ghi được lời khai. Nhưng căn cứ kết quả điều tra thu thập được, lời khai của các bị can và các cá nhân liên quan, có đủ cơ sở xác định bà Hòa giúp sức cho ông Thuyết trong việc khai man số liệu kế toán nhằm giảm số thuế phải nộp cho Nhà nước và hưởng lợi cá nhân.
Hành vi của bị can Hòa liên đới gây thiệt hại tài sản nhà nước hơn 743 tỷ đồng tiền thuế. Do bà Hòa bỏ trốn nhằm trốn tránh trách nhiệm cá nhân và cản trở hoạt động điều tra, nên cơ quan điều tra đề nghị xử lý nghiêm bị can.
Tháng 8/2024, 3 Công ty Thành An, Danh, Tràng Thi đề nghị cơ quan điều tra xem xét cho dùng hơn 61 tỷ đồng và hơn 207 nghìn USD trong 3 tài khoản để khắc phục hậu quả vụ án cho các nhân sự của 3 công ty này.
Cơ quan điều tra đánh giá, các bị can đã tích cực hợp tác điều tra, thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, đã khắc phục hậu quả vụ án nên đề nghị xem xét khi lượng hình.
Sách về Pháp luật
Cuốn sách "Công tác thi hành án hình sự thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã" giới thiệu phạm vi nghiên cứu về 3 vấn đề: Thi hành án treo, thi hành hình phạt cải tạo không giam giữ và áp dụng biện pháp tái hòa nhập cộng đồng tại địa phương. Cuốn sách đánh giá toàn diện cơ sở pháp lý về thi hành án hình sự, trọng tâm là về hình phạt và trách nhiệm của UBND cấp xã.