Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ nhân viên ngành y nhận phong bì: 'Xử nghiêm để làm gương'

Nói về clip nữ nhân viên ngành y nhận xấp phong bì, luật sư Hòe cho rằng dù có cấu thành tội hay không, cơ quan chức năng cần phải xử lý, kỷ luật thật nghiêm để làm gương.

Đầu tháng 6, dư luận xôn xao khi trên mạng xuất hiện clip một nhân viên ngành y nhận cả xấp phong bì từ người nhà bệnh nhân.

“Xem clip trên mà tôi thấy buồn. Hành vi của nữ nhân viên trên đã vi phạm đạo đức của một công dân, một công chức, viên chức nói chung và vi phạm nghiêm trọng đạo đức ngành y nói riêng.

Tuy nhiên, để biết hành vi của nữ nhân viên y tế này đã đủ yếu tố cấu thành tội Nhận hối lộ hay chưa thì phải căn cứ theo quy định của pháp luật", luật sư Trương Quốc Hòe (Đoàn luật sư Hà Nội) chia sẻ góc nhìn của mình với Zing.vn.

Theo quy định tại Điều 279 Bộ luật hình sự, tội Nhận hối lộ được quy định như sau: Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị có giá trị từ 2 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Gây hậu quả nghiêm trọng;

b) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm;

c) Đã bị kết án về một trong các tội quy định tại mục A chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, để kết luận một người phạm tội nhận hối lộ phải có các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, người nhận hối lộ phải có chức vụ, quyền hạn và đã sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ.

Thứ hai, người nhận hối lộ và người đưa hối lộ có sự thỏa thuận trước về việc nhận và đưa hối lộ nhằm nhận được một lợi ích nào đó và người có chức vụ, quyền hạn đã đồng ý nhận tiền, tài sản mà không phụ thuộc vào việc trên thực tế đã có việc giao và nhận hay chưa. Trong trường hợp người có chức vụ, quyền hạn chủ động đòi hối lộ thì tội phạm hoàn thành kể từ thời điểm người phạm tội tỏ rõ thái độ của mình và người đưa hối lộ chấp thuận sự đòi hỏi đó.

nhan vien y te nhan phong bi anh 1
Ảnh mang tính chất minh họa.

Thứ ba, tài sản dùng để hối lộ phải có giá trị từ hai triệu đồng trở lên. Nếu giá trị tài sản hối lộ dưới hai triệu đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Luật sư Hòe nhìn nhận, trong trường hợp này, nữ nhân viên y tế trên là người trực tiếp nhận tiền của người nhà bệnh nhân. Tuy nhiên cần phải làm rõ, nhân viên y tế này có phải là người “có chức vụ, quyền hạn” hay không? Có phải là bác sĩ, y tá trong ca mổ hay không?

Ngoài ra, luật cũng quy định đối với tội phạm này thì người nhận hối lộ phải sử dụng chức vụ, quyền hạn của mình để nhận hối lộ thì mới thỏa mãn yếu tố về chủ thể của tội phạm. Làm rõ vấn đề này có vấn đề rất quan trọng trong việc xác định tội phạm.

Theo luật, để cấu thành tội phạm thì giá trị tài sản phải lớn hơn 2 triệu đồng. Nếu dưới 2 triệu đồng thì người nhận hối lộ chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về tham nhũng chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Như vậy, để kết luận hành vi của nhân viên y tế này có cấu thành tội Nhận hối lộ hay không thì trước hết cần làm rõ người này có đáp ứng được yêu cầu về chủ thể hay không? Có thỏa thuận giữa cô này với người nhà bệnh nhân về việc đáp ứng lợi ích nào đó không? Giá trị tài sản cô này nhận là bao nhiêu? Những vấn đề này cần phải điều tra, làm rõ thì mới có thể đưa ra câu trả lời chính xác được.

Theo luật sư, để làm rõ, cơ quan chức năng cần phải điều tra làm rõ xem có hay không việc cả ê kíp trực nhận tiền chứ không riêng nữ nhân viên xuất hiện trong clip? Đó là những ai và làm phải rõ trách nhiệm của những người này, có như thế mới xác định được hành vi của người đưa phong bì, có cấu thành tội Đưa hối lộ hay không.

Tuy nhiên, dù có cấu thành tội hay không, ông Hòe nhấn mạnh rằng cần thiết phải xử lý, kỷ luật nữ nhân viên y tế trong clip thật nghiêm để làm gương.

Ngày 2/6, một tài khoản có tên Hoàng Diệu tung lên mạng xã hội clip có độ dài gần 2 phút. Clip trên được quay tại Bệnh viện K, cơ sở 3, ghi lại cảnh người nhà bệnh nhân đưa cho một nữ cán bộ y tế một xấp phong bì rất dày.

Nữ cán bộ này trao đổi lại chỉ nhận phong bì giúp phẫu thuật viên, phụ mổ, gây mê người nhà phải tự đưa. Cán bộ này còn hướng dẫn người nhà bệnh nhân mang phong bì đưa cho những nhân viên y tế khác.

Chiều ngày 6/6, ông Bùi Diệu - Giám đốc bệnh viện cho hay cơ quan công an đang điều tra làm rõ các nội dung có liên quan đến đoạn clip, chưa có kết quả.

Công an vào cuộc vụ nhân viên y tế nhận phong bì

Trao đổi với phóng viên chiều 6/6, đại diện Bệnh viện K Trung ương (Hà Nội) cho biết không họp theo kế hoạch, do còn nhiều vấn đề chưa được làm rõ.


Vân Thanh ghi

Bạn có thể quan tâm