Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nữ PGS trẻ nhất 2012 chia sẻ về đời sinh viên

Gương mặt đẹp, nụ cười tươi, cách nói dí dỏm, thông minh... mới gặp, không ai nghĩ một PGS trẻ tuổi lại làm người ta có nhiều ấn tượng đến thế...

Nữ PGS trẻ nhất 2012 chia sẻ về đời sinh viên

Gương mặt đẹp, nụ cười tươi, cách nói dí dỏm, thông minh... mới gặp, không ai nghĩ một PGS trẻ tuổi lại làm người ta có nhiều ấn tượng đến thế...

Phòng nghiên cứu là nhà

“Khi học xong bên Anh quốc, nhiều bạn bè của tôi ở lại làm việc. Tôi thì muốn quay trở về, bởi được về làm việc tại trường Bách Khoa là giấc mơ của tôi từ nhỏ. Nhà tôi gần trường Bách Khoa, từ nhỏ tôi đã vào đây chơi, trèo cây, nghịch ngợm. Lớn lên, thi đại học tôi chọn trường này... Nơi đây gắn bó với tôi, tôi yêu nơi này”. Cách nói chuyện của PGS 31 tuổi Nguyễn Khánh Diệu Hồng không không đầu, không đuôi, nhưng ý tứ rõ ràng.

Nhớ lại thời gian nộp hồ sơ xét chức danh PGS, cô cho biết đã mất ngủ, thấp thỏm lo âu nhiều ngày liền. Khi biết mình đạt được danh hiệu PGS, cô Hồng vỡ oà niềm vui. Bởi tình yêu, niềm đam mê được ghi nhận, nó sẽ là động lực giúp cô vững tin bước tiếp trên con đường đầy chông gai.

Tham quan tàu chuẩn bị ra khơi tại Viện Nghiên cứu biển Hàn Quốc.

Tuy nhiên, theo PGS Diệu Hồng, thành quả trong nghiên cứu khoa học cần sự nỗ lực cũng như trí tuệ của bản thân. Tuy nhiên, thành công cũng chỉ đạt được khi có sự giúp sức của nhiều người. Không ai có thể một mình làm khoa học.

Giới thiệu quán cà phê nhỏ trong khuôn viên trường ĐH Bách Khoa, cạnh phòng nghiên cứu của mình, cô Hồng tiết lộ nơi đây đôi khi được "trưng dụng" làm nơi “nghiên cứu”. Cô cho biết, nhiều khi căng thẳng, chị và các sinh viên xuống quán cà phê bàn công việc. “Nhưng khi làm việc là hết mình. Có những sinh viên ra trường, thỉnh thoảng quay lại quán cà phê này nói chuyện trên trời dưới bể với cô giáo cho đỡ nhớ 'nhà'”, cô kể.

Làm việc tại Hàn Quốc về xử lý dầu tràn trên biển.

Cô Hồng lưu ý chữ “nhà” ở đây không phải là nhà ở mà là phòng nghiên cứu. Diệu Hồng luôn nói với sinh viên của mình phải coi phòng nghiên cứu như nhà của mình. “Ở nhà sạch sẽ thế nào, đến đây phải thế. Bạn bè như anh em, không được phép có cạnh tranh. Có ý tưởng là cùng nhau chia sẻ, không được giấu”, cô chia sẻ.

Chia sẻ kinh nghiệm bản thân vơi các sinh viên thế hệ sau, PGS Nguyễn Khánh Diệu Hồng (SN 1981) cho rằng, nghiên cứu khoa học không là gì cao siêu. Nó là niềm say mê tìm hiểu những cái mới, lý giải những điều mình chưa biết. Nó giúp bạn rèn được đức kiên trì, nhẫn nại, tính cẩn thận và khả năng sắp xếp công việc, sắp xếp cuộc sống.

Muốn thành công, cần có nhiều yếu tố, nhưng bản thân mình cũng phải dám nghĩ, dám làm. Bởi có những nghiên cứu làm đi làm lại không có kết quả, nếu bỏ cuộc sớm là thất bại.

Lấy mẫu hàu biển trên đá để kiểm tra mức độ ô nhiễm dầu – Viện Nghiên cứu biển Hàn Quốc KORDI 2010.

Từng khóc vì nhớ nhà

Những năm tháng khó khăn nhất của cô là khi du học tại Anh. Hồng nói: “Hồi đó, vất vả lắm, không xinh tươi như này đâu” (cười). Lúc đầu mới sang Anh quốc du học, lần đầu xa quê hương, cuộc sống một mình nơi đất khách khá khó khăn. “Có những đêm nghe tiếng mẹ trong điện thoại mà tôi bật khóc vì nhớ nhà. Thời gian học tại Anh, đôi khi mong muốn của thầy quá cao, mình phải làm ngày làm đêm để đáp ứng kỳ vọng. 11h đêm mới trở về nhà là chuyện thường. Cũng có lần ngủ quên trên xe buýt, đến bến cuối cùng mới tỉnh để mò về nhà, tiếp tục đi làm thêm ca đêm".

Làm việc với các chuyên gia nước ngoài.

Diệu Hồng nhớ có trận ốm không dậy được, gọi điện cho bạn khóc oà. Cô chờ bạn thân sau giờ làm, cách chỗ cô hàng trăm km sang nấu cháo. “Lúc đó tôi mới bò dậy được để ăn. Những lúc như thế, nếu bản thân mình không cố gắng có lẽ không thể vượt qua”. Diệu Hồng cho rằng, khoảng thời gian nghiên cứu sinh tại Anh, cô đã trưởng thành nhiều hơn cả về trình độ lẫn nhận thức.

Diệu Hồng có khuôn mặt nhỏ nhắn, cách nói chuyện thông minh, dí dỏm. Trên miệng cô dường như không bao giờ tắt nụ cười tươi. Cô tâm sự, trải qua quá nhiều khó khăn, nên bây giờ có việc gì trong cuộc sống Hồng đều nghĩ mình sẽ qua được. Những lúc khó khăn, cô thường vẽ tranh, xem phim... để lấy lại thăng bằng trong cuộc sống. “Tôi thích chơi lắm, cuộc sống đâu chỉ có học và làm”.

Mặc dù có những lúc yếu lòng như vậy, nhưng cô Hồng của trường Bách Khoa nổi tiếng nghiêm khắc. Cô PSG trẻ tuổi nói vui rằng, sinh viên của cô Hồng trong trường đều rất “sợ” cô.

Tranh thủ từng phút cho gia đình

Trong câu chuyện về gia đình, không còn nhận ra một PSG Diệu Hồng vừa mới say mê nói về khoa học. Thay vào đó là hình ảnh một người phụ nữ đằm thắm, đảm đang. Mặc dù được gia đình tạo điều kiện, nhưng có thời gian, Hồng dành hết cho cô con gái mười tháng tuổi. “Ngày đi làm, tối về đến nhà là quấn lấy con, tranh thủ từng phút chăm con gái bé bỏng”, người mẹ trẻ chia sẻ.

Cô Hồng cùng sinh viên tại phòng thí nghiệm.

Diệu Hồng cho rằng, mình may mắn khi có gia đình hậu thuẫn đằng sau. Mẹ cô, cũng là một GS hoá học, luôn đứng sau ủng hộ con. Bà chưa bao giờ ép con học hay làm gì, luôn khuyến khích con gái làm điều con thích. Khi lập gia đình, cô lại được chồng, bố mẹ chồng ủng hộ rất nhiều. Vì vậy, dù còn có con cái, gia đình nhưng Diệu Hồng vẫn luôn được tạo điều kiện tốt nhất để nghiên cứu khoa học.

Cô dí dỏm tâm sự: “Tôi thấy sống ở Việt Nam là sướng nhất. Làm gì cũng có gia đình bên cạnh, khó khăn gì là có người giúp mình ngay. Với Hồng, giờ đây được chăm sóc gia đình là niềm hạnh phúc lớn nhất”.

Ngay từ thời cấp 3, cô Diệu Hồng đã theo học chuyên hoá và đạt nhiều giải thưởng cấp thành phố trong các kỳ thi học sinh giỏi. Tốt nghiệp thủ khoa ĐH Bách Khoa Hà Nội, Hồng được nhận học bổng du học Anh quốc. Theo học tại trường ĐH danh tiếng thuộc top 10 thế giới University College London, Nguyễn Khánh Diệu Hồng trở thành tiến sĩ Hoá học ở tuổi 26.

 

Nữ PSG trẻ tuổi là tác giả của nhiều công trình nghiên cứu khoa học có tính thực tiễn cao. Điển hình như công trình nghiên cứu biến dầu ăn phế thải thành nhiên liệu sinh học; Nghiên cứu tổng hợp các chất hoạt động bề mặt để sản xuất chất tẩy rửa thân thiện môi trường dùng trong xử lý vải sợi phục vụ cho công nghiệp dệt may...

Cô cũng gặt hái hàng loạt giải thưởng như Giải thưởng bài báo xuất sắc tại hội nghị khoa học Châu Á về Công nghệ sinh học và Năng lượng tái tạo tại Bangkok, 12/2010. Giải nhất “Sáng tạo trẻ” của thủ đô Hà Nội lần thứ 7 năm 11/2010; Huy Chương vàng Quốc tế WIPO của Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới dành cho tài năng trẻ sáng tạo nhất (Best Young Inventor Award) 2004...

Theo Tiin.vn

Theo Tiin.vn

Bạn có thể quan tâm