Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Cát Phương Vũ, khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), cho biết đơn vị này đang chăm sóc cho nữ sinh N.T.M.T., 13 tuổi, ngụ tại Gò Công, Tiền Giang, do ngộ độc thuốc chống trầm cảm.
Theo lời kể của gia đình, trưa 10/6, bé T. bị người nhà mắng, sau đó em đã uống thuốc Amitriptilyn 25 mg (có tác dụng điều trị bệnh trầm cảm) không rõ loại.
Sau hơn 2 giờ, bé bắt đầu than mệt, đau tức ngực rồi ngất. Gia đình tức tốc đưa em cấp cứu tại bệnh viện ở Gò Công, sau đó tiếp tục chuyển tuyến đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang.
Tại đây, các bác sĩ xử trí cấp cứu ban đầu, rửa dạ dày, than hoạt, truyền dịch, sau đó tiếp tục chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Bác sĩ vừa thăm khám sức khỏe, vừa nói chuyện và động viên nữ sinh. Ảnh: BSCC. |
Lúc nhập khoa Cấp cứu, bé T. hôn mê, nồng độ oxy máu (SpO2) còn 87%. Bé được các bác sĩ đặt nội khí quản thở máy, chống phù não, than hoạt, kiềm hóa nước tiểu.
"Chẩn đoán ban đầu cho thấy bé bị ngộ độc thuốc chống trầm cảm 3 vòng. Hiện tại, sinh hiệu bé tạm ổn, thở máy thông số thấp", bác sĩ Vũ thông tin.
Theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, thuốc chống trầm cảm 3 vòng bao gồm Amine thế hệ 1: Amitriptyline (Redomex), Amine thế hệ 2: Notriptyline (Nortrilen), Amine thế hệ 3: Doxepin (Sinequan).
Khi uống thuốc này quá liều, người bệnh có biểu hiện ngộ độc thông qua rối loạn tri giác, lừ đừ, buồn ngủ, ảo giác, hôn mê, co giật, nhịp tim nhanh, rối loạn nhịp thất, khô miệng, đỏ da, co giật, sốt, giãn đồng tử, tụt huyết áp.
Nếu không được cấp cứu kịp thời, nạn nhân có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Chuyên gia tâm lý Nhan Cẩm Nghi, Đơn vị tâm lý, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết các nghiên cứu cho thấy trẻ em từ 6 tuổi đã bắt đầu có ý thức về cái chết và độ tuổi lớn hơn, trẻ có khả năng nghĩ đến việc tự tử.
Với thanh thiếu niên, kỹ năng giải quyết vấn đề và thích ứng còn giới hạn. Vì thế, những tình huống khó khăn nhất định có thể kích hoạt suy nghĩ tiêu cực và bùng nổ về cảm xúc, khiến trẻ tìm cách chấm dứt căng thẳng bằng phương án tự tử.
Phụ huynh lưu ý cần nhiều yếu tố dẫn đến cuộc khủng hoảng ở trẻ, như:
- Rối loạn tâm lý/tâm thần: trầm cảm, nghiện chất...
- Bạo hành thể chất/cảm xúc.
- Lạm dụng tình dục.
- Áp lực liên quan gia đình: gia đình mâu thuẫn, li hôn, sự thiếu giao tiếp giữa ba mẹ và con cái, bị ba mẹ mắng, tiền sử tự tử của gia đình.
- Áp lực liên quan đến nhà trường: bị điểm kém, rớt môn, bị bắt nạt, trêu chọc.
- Áp lực trong việc đáp ứng kỳ vọng của xã hội về vai trò và hành vi chuẩn mực.
- Những mất mát khác.
Lúc này, con trẻ rất cần sự chủ động lắng nghe tâm tư, tình cảm từ phía ba mẹ. Điều này góp phần giúp trẻ cảm thấy suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng.
Với những trẻ gặp rối loạn tâm lý như trầm cảm và tìm đến cái chết, phụ huynh cần đưa con đến các cơ sở trị liệu tâm lý để được hỗ trợ.