Quỳnh Anh từng tham gia đội tuyển học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn và đoạt giải nhì trong năm lớp 12. Ảnh: NVCC. |
Đúng 8h ngày 17/7, Phạm Quỳnh Anh, học sinh trường THPT Mỹ Tho (huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định) hồi hộp lên trang web của Sở GD&ĐT tỉnh để tra cứu điểm thi tốt nghiệp THPT 2024.
Khi vừa bấm nút “Tra cứu”, điểm 10 môn Ngữ văn ngay lập tức đập vào mắt nữ sinh. Em ngỡ ngàng, bất ngờ vì chưa bao giờ nghĩ rằng bản thân có thể đạt điểm tuyệt đối ở bài thi này. Trước đó, nữ sinh chỉ đặt mục tiêu đạt trên 9 điểm Văn.
Ngoài điểm 10 môn Ngữ văn, Quỳnh Anh cũng đạt điểm khá cao ở các môn khác, cụ thể là Toán (7,8), Lịch sử (8,5), Địa lý (9,25), Giáo dục công dân (9), Tiếng Anh (8,4). Biết điểm, nữ sinh ngay lập tức khoe với bố và ông bà. Cả gia đình em đều vui và bất ngờ khi đón nhận thành tích của con gái, cháu gái.
“Cô giáo chủ nhiệm, cũng là giáo viên dạy môn Văn, đã gọi ngay cho em sau khi biết tin. Cô mừng rỡ chúc mừng em, nói rằng đây chính là thành quả mà cô trò đã nỗ lực trong suốt thời gian qua”, Quỳnh Anh nói với Tri Thức - Znews.
Viết gần 12 mặt giấy cho bài thi Văn
Chia sẻ về bài làm môn Ngữ văn thi tốt nghiệp THPT 2024, Quỳnh Anh cho biết em rất thích đề thi này, vừa đọc đề đã có cảm hứng làm bài nên viết thăng hoa hơn. Kết quả, em viết được gần 12 mặt giấy trong 2 giờ làm bài.
Nữ sinh đánh giá đề thi hay, chắc chắn. Phần nghị luận văn học rơi vào Đất nước - tác phẩm được nhiều học sinh “ôn tủ”, nhưng đề khá dài và đòi hỏi thí sinh phải có khả năng phân chia thời gian hợp lý mới có thể làm tốt, đạt điểm cao.
Với phần nghị luận xã hội, Quỳnh Anh rất thích đề thi khi đề yêu cầu học sinh nói về “tôn trọng cá tính”. Nữ sinh chia bài làm thành 2 luận điểm lớn, mỗi luận điểm chia thành các luận cứ nhỏ hơn để suy xét trên nhiều bình diện.
Điểm thi các môn trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024 của Quỳnh Anh. |
Về phần dẫn chứng, thay vì lấy dẫn chứng về một cá nhân riêng, nữ sinh đề cập đến thị trấn BUBU - mảnh đất của tự do, khoan dung và bình đẳng, nơi tôn vinh sự đa dạng và tự do thể hiện dưới mọi hình thức.
Với khẩu hiệu "Be Unique. Be U" (dịch: Là độc nhất. Là chính mình), thị trấn BUBU khuyến khích giới trẻ phát triển tâm trí khỏe mạnh, theo đuổi lối sống tích cực và yêu bản thân.
“Em đưa thị trấn BUBU vào phần dẫn chứng cho phần nghị luận xã hội để làm nổi bật sự tôn trọng cá tính của từng cá nhân. Sự tôn trọng này không chỉ làm giàu về mặt kinh tế mà còn mang lại tình yêu thương cho các cá nhân và cộng đồng”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Về phần nghị luận văn học - phần chiếm nhiều điểm nhất trong đề thi môn Văn, Quỳnh Anh dành nhiều thời gian hơn để viết. Em chia phần phân tích thành 2 phần, phần một gồm 9 câu đầu, nói về đất nước, đất nước có từ bao giờ và phần 2 gồm 9 câu sau, nói về đất nước ở khía cạnh, bình diện không gian địa lý. Cũng giống như nghị luận xã hội, nữ sinh chia 2 luận điểm thành nhiều luận cứ nhỏ hơn để phân tích sâu hơn.
Đề thi nghị luận văn học nói về chủ đề đất nước - chủ đề quen thuộc, thường xuất hiện trong kỳ thi nhiều năm gần đây nên Quỳnh Anh sử dụng cách riêng để khiến bài viết trở nên nổi bật hơn.
Bên cạnh việc viết mở bài, thân bài bằng chất văn của riêng mình, nữ sinh quyết định mở rộng ngay khi vừa đi vào phần thân bài để thể hiện sự sáng tạo. Ngoài ra, ở phần liên hệ, em đề cập đến những tác phẩm văn học khác cùng viết về chủ đề quê hương đất nước để làm nổi bật màu sắc riêng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm.
Ngủ sớm, dậy sớm ôn thi
Quỳnh Anh là học sinh tại một trường THPT công lập ở tỉnh Nam Định, không học chuyên, cũng không học thêm môn Ngữ văn. Nhưng từ năm lớp 6, nữ sinh đã tham gia đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của trường và tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi.
Khi lên THPT, Quỳnh Anh có 2 lần thi học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn vào năm lớp 11, 12 và đều đoạt giải. Lớp 11, nữ sinh đoạt giải ba toàn tỉnh và lớp 12 đoạt giải nhì.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, Quỳnh Anh cho biết em không học thêm môn Văn, nhưng em dành rất nhiều thời gian ôn tập trên lớp, tự học ở nhà và đọc thêm sách, tài liệu tham khảo.
Thông thường, sau khi tan học ở trường, từ 19h-21h30, Quỳnh Anh dành thời gian để ôn tập, luyện đề nghị luận xã hội rồi sau đó ngủ sớm. Buổi sáng, từ khoảng 4h, nữ sinh dậy để ôn tập phần nghị luận văn học và luyện viết các câu danh ngôn để sử dụng cho các bài thi.
Không chỉ học giỏi, Quỳnh Anh còn là Phó bí thư Đoàn trường, tham gia hoạt động văn nghệ và làm MC cho các sự kiện của trường. Ảnh: NVCC. |
Nói về lý do ngủ sớm, dậy sớm để ôn thi, Quỳnh Anh cho biết em đi học ở trường cả ngày rất mệt, nếu cứ cố thức đêm để ôn bài, em sẽ mất năng lượng nên không thể ôn tập hiệu quả. Do đó, nữ sinh chọn cách đi ngủ sớm để đầu óc, cơ thể được nghỉ ngơi rồi sau đó dậy sớm học bài. Hơn nữa, buổi sáng yên tĩnh cũng giúp nữ sinh tập trung ôn bài hiệu quả hơn.
“Đối với nhiều bạn, Ngữ văn là môn học thuộc nhưng với em, đây là môn đòi hỏi cảm xúc, cảm hứng và rất nhiều đam mê. Ngoài kiến thức trong sách vở, người học còn phải tạo ra chất văn cho riêng mình nên thường em sẽ học lúc tâm trạng thoải mái và cơ thể đã được nghỉ ngơi để có cảm hứng học tập”, Quỳnh Anh thông tin.
Là học sinh giỏi tỉnh môn Ngữ văn, đối với Quỳnh Anh đây vừa là lợi thế, vừa là bất lợi. Em có lợi thế trong việc ôn thi môn Văn nhưng lại gặp khá nhiều bất lợi khi ôn tập các môn khác.
Do kỳ thi học sinh giỏi tỉnh của lớp 12 diễn ra vào tháng 3, Quỳnh Anh và các bạn trong đội tuyển phải tập trung ôn thi từ tháng 10/2023 nên gần như em không thể dành nhiều thời gian cho việc ôn tập môn Toán, Tiếng Anh và các môn tổ hợp. Khi lên lớp, nữ sinh thường tranh thủ thời gian để làm bài tập, ôn bài và luyện đề.
Sau khi kết thúc kỳ thi học sinh giỏi, Quỳnh Anh mới có thêm thời gian để ôn tập các môn. Với kết quả thi các môn đều trên 8, riêng môn Toán thấp hơn một chút, chủ nhân điểm 10 môn Ngữ văn cảm thấy khá hài lòng với kết quả đạt được.
Trước khi biết điểm thi tốt nghiệp THPT, Quỳnh Anh đã trúng tuyển sớm ngành Tiếng Anh thương mại của Đại học Ngoại thương theo phương thức xét học bạ dành cho thí sinh đoạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia hoặc cấp tỉnh. Ngoài ra, em đăng ký thêm ngành Quan hệ công chúng của Đại học Kinh tế Quốc dân.
Hiện, Quỳnh Anh đã “chốt” chọn ngành Tiếng Anh thương mại của Đại học Ngoại thương. Nữ sinh chọn ngành này vì em thích tiếng Anh, đồng thời nhận thấy tiếng Anh là ngôn ngữ rất quan trọng trong thời đại hội nhập.
Hơn nữa, ngành Tiếng Anh thương mại không chỉ dạy về ngôn ngữ, văn hóa mà còn giúp sinh viên tìm hiểu sâu về kinh tế. Nữ sinh nói đây chính là điểm cộng vì ngành học có thể giúp em mở rộng cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.
“Hiện tại em chưa xác định kế hoạch dài hạn cho bản thân, nhưng trước mắt em đặt mục tiêu vượt qua kỳ thi tiếng Anh đầu vào của Đại học Ngoại thương, đồng thời học IELTS để phục vụ cho việc học đại học trong thời gian tời”, chủ nhân điểm 10 môn Văn chia sẻ.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.