Hàng trăm trường học tại Hàn Quốc bị ảnh hưởng bởi nạn deepfake khiêu dâm. Ảnh: BBC. |
"Khi nghe tin về tội phạm deepfake trên mạng xã hội, em đã nghĩ rằng chuyện đó chỉ xảy ra ở một số trường. Nhưng càng ngày càng nhiều trường báo cáo vụ việc, cuối cùng, trường em cũng được thêm vào danh sách các trường bị ảnh hưởng. Em rất sốc và tức giận, em đã xóa hết tất cả ảnh trên Instagram và phải liên tục kiểm tra xem mình có bị hack không".
Đây là chia sẻ của Song Na-yeon, một học sinh lớp 9 tại một trường THCS ở tỉnh Gyeonggi. Từ tuần trước, nữ sinh đã cùng bạn bè thảo luận về việc tội phạm deepfake bành trướng trên các nền tảng mạng xã hội. Nỗi sợ deepfake cũng phá hỏng kỳ nghỉ của em.
Na-yeon không phải học sinh duy nhất trải qua nỗi sợ deepfake. Khi nghe tin trường của mình có tên trong danh sách ảnh hưởng, nhiều học sinh mất ngủ, phải vội xóa ảnh trên mạng xã hội và đổi tên tài khoản để kẻ xấu không tìm ra.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục Hàn Quốc, tính đến ngày 6/9, cảnh sát nước này nhận được 434 báo cáo về tội phạm deepfake khiêu dâm xảy ra tại các trường tiểu học, THCS và THPT.
Không riêng học sinh, giáo viên cũng rất sốc khi biết chuyện này.
Giáo viên Lee Hak-su, cố vấn cho một câu lạc bộ cộng đồng ở trường học, đã tổ chức một hoạt động trải nghiệm, cho phép học sinh THCS chia sẻ cảm xúc và suy nghĩ về tội phạm deepfake.
"Thay vì để mọi chuyện trôi qua, tôi nghĩ chúng ta nên coi đó là dịp quan trọng để dạy trẻ", giáo viên Lee nói với Hankyoreh.
Tại hoạt động này, các thành viên trong câu lạc bộ được giáo viên Lee khuyến khích viết ra những điều các em muốn thấy từ chính phủ. Sau đó, những suy nghĩ của các em sẽ được tổng hợp lại thành một bài viết để công khai tại trường, từ canteen cho đến phòng học.
“Mạng xã hội được cho là nơi vui vẻ dành cho mọi người, nhưng nó đã trở thành hang ổ của bọn tội phạm. Điều đó khiến tất cả chúng ta đều bị cướp mất sự bình yên trong cuộc sống hàng ngày. Thật đau lòng khi nghĩ rằng ngay cả một trong những người có vẻ bình thường xung quanh chúng ta cũng đang xem hình ảnh, video deepfake của bạn bè và chế giễu họ”, các học sinh viết.
Nhiều nữ sinh cũng bày tỏ sự thất vọng về việc bảo mật hình ảnh, thông tin cá nhân trên mạng xã hội. Các em thấy rằng việc xóa ảnh hay khóa trang cá nhân sẽ rất khó để giải quyết nạn deepfake. Một khi không tìm ra giải pháp triệt để, các nữ sinh sẽ không thể yên tâm.
"Chúng em nghĩ rằng điều quan trọng là phải thay đổi mọi người thông qua giáo dục pháp lý và đạo đức, đồng thời mạnh tay truy tố những kẻ phạm tội và buộc chúng phải chịu trách nhiệm", các học sinh đề xuất.
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc những cuốn sách nuôi dạy trẻ trong thời đại 4.0.
Cuốn sách Nuôi con 4.0 - Làm thế nào để trẻ không bị nghiện thiết bị công nghệ? của TS Shimi Kang (nhà khoa học, tâm lý học, chuyên gia giáo dục, tác giả của nhiều tựa sách bán chạy) được đánh giá là hữu ích cho các phụ huynh có con em nghiện sử dụng thiết bị điện tử.
TS Shimi Kang đưa ra hàng loạt dẫn chứng và phân tích khoa học về cách thức tác động của thiết bị công nghệ đến bộ não đang trong giai đoạn phát triển của trẻ. Sau đó, bà chỉ ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe, hành vi và tính cách của trẻ.