Với mong muốn có thêm thu nhập cho bản thân, nhiều sinh viên đã tận dụng những ngày nghỉ Tết cuối cùng, tranh thủ kiếm tiền. Một trong số đó là Đinh Thị Phương (sinh năm 1994, quê ở Hải Phòng) - hiện là sinh viên đại học Giáo dục tại Hà Nội.
Mặc dù sinh ra trong một gia đình có điều kiện kinh tế ở mức ổn song Phương vẫn chăm chỉ đi làm thêm. Phương cho biết, cô luôn muốn sống tự lập, hạn chế phụ thuộc quá nhiều vào cha mẹ.
Để trang trải cuộc sống cũng như bớt phụ thuộc vào gia đình, không ít sinh viên hiện nay tìm việc làm thêm trong những lúc rảnh rỗi. (Ảnh minh họa). |
Biết đến nghề rửa bát thuê từ một người bạn cùng phòng, Phương dần dần làm quen và thường xuyên nhận việc vào những lúc rảnh rỗi. Đến nay, cô gái quê Hải Phòng đã làm được hơn một năm tại các nhà hàng quanh Hà Nội.
Phương chia sẻ, do tính chất làm bán thời gian nên cô khá chủ động. Khi có nhiều tiệc tùng, bát đĩa, người quản lý gọi, cô sẽ nhanh chóng đến điểm hẹn và bắt tay vào việc. Trung bình mỗi tuần Phương nhận làm 3-5 buổi. Tuy nhiên vào dịp cuối năm hay những ngày sau Tết, cô kiếm được nhiều tiền hơn do các cơ quan, đoàn thể tổ chức gặp gỡ, liên hoan.
"Công việc này khá dễ dàng, lao động tay chân nhưng không quá vất vả. Khó khăn của việc rửa bát phần lớn vào những ngày đầu, thường xuyên bị đau lưng và mỏi tay do số lượng bát, đĩa quá nhiều. Đặc biệt, khi trời giá rét, phải đeo găng và dùng nước nóng cũng rất dễ khiến tay bị khô rát, nứt nẻ" - Phương nói.
Ngoài ra, nữ sinh ĐH Giáo dục cho hay, một trong những điểm trở ngại của nghề này là không ổn định. Thực tế, không phải lúc nào cũng có nhiều việc để làm. Vì vậy, dù có không ít bạn bè cùng đăng ký làm nhưng đến nay, chỉ còn Phương và một bạn gái nữa có thể bám trụ với nghề rửa bát thuê.
Thông thường, Phương nhận việc theo ca, chủ yếu vào cuối tuần hoặc các buổi chiều được nghỉ học. Mỗi buổi làm của cô bắt đầu từ 8 giờ và được trả 130.000 đồng/lần.
Giống như các công việc khác, vào những ngày cuối năm, 9X nhận được thù lao cao hơn, khoảng 180.000 đồng. "Dịp Tết năm nay, thời tiết khá thuận lợi nên mình không cảm thấy quá mệt mỏi. Thu nhập cũng cao hơn bình thường nên mình luôn cố gắng chăm chỉ kiếm thêm".
Ngoài rửa bát, Phương chia sẻ, cô từng có thời gian thử làm phục vụ bàn, bưng bê đồ ăn, bán hàng thuê… Song do thời gian cố định, không mấy linh động mà lương lại ít hay quá xa chỗ ở nên cô đành phải xin nghỉ.
“Có lần, mình nhận làm gia công, may vá gấu bông và dây buộc tóc. Mỗi ngày làm 8 tiếng, được trả 50.000 đồng/buổi. Tuy nhiên sau một tháng làm việc, họ không trả lương nên mình bỏ. Một lần khác, mình bị lừa, suýt nữa bước chân vào nghề bán hàng đa cấp" - cô gái sinh năm 1994 kể lại.
Bởi vậy, dù rửa bát thuê là công việc lặp đi lặp lại, đôi lúc rất nhàm chán nhưng do đem đến nguồn thu nhập khá ổn cùng sự tin tưởng từ người quản lý nên Phương vẫn quyết tâm gắn bó lâu dài. Thậm chí, "lâu lâu mà không đi rửa bát mình cũng thấy nhớ" - cô sinh viên hóm hỉnh chia sẻ.
Nhờ sự chăm chỉ, không ngại khó nhận nhiều việc, vì thế nên số tiền Phương kiếm được vào dịp Tết này khá nhiều so với mức thu nhập của một sinh viên. 9X cho biết, cô đã có thể tự mua thêm một số vật dụng cần thiết phục vụ cuộc sống hàng ngày.
Không chỉ đem lại một số tiền khá ổn, với Phương, nghề rửa bát thuê còn giúp cô có thêm kinh nghiệm sống và học hỏi được nhiều điều từ những người xung quanh.