Khánh Ly tự học tiếng Trung để giành học bổng. |
Từ khi học cấp 2, Khánh Ly đã yêu thích đặc biệt với các bộ phim Hoa ngữ. Nhờ vậy, cô biết nhiều hơn về đất nước tỷ dân, mong ước một ngày được đặt chân tới thăm.
Bắt đầu từ số 0
Năm 2016, Khánh Ly thi đỗ lớp chuyên Văn trường THPT chuyên Hạ Long. Suốt 3 năm học, Khánh Ly ấp ủ thi đại học, ngành truyền thông, nhưng vào học kỳ 1 năm lớp 12, trong một lần tìm được cuốn sổ nhật ký cũ, Khánh Ly nhớ lại mong ước năm xưa.
"Tim em đập rất nhanh, nhận ra mình vẫn rất yêu nơi ấy. Em nói với bố mẹ muốn đi du học Trung Quốc", Khánh Ly nói.
Thời điểm quyết tâm đi du học, Khánh Ly chỉ còn 2 tháng để thi chứng chỉ HSK và hoàn thiện hồ sơ. Do thời gian quá gấp rút, cô không nhận được sự ủng hộ của gia đình.
Bố mẹ còn sợ rằng việc du học không thuận lợi, lỡ dở con đường đại học tại Việt Nam. Khánh Ly vẫn quyết tâm vừa ôn thi đại học, vừa luyện thi HSK.
"Em không còn lựa chọn nào khác. Em cần làm tốt cả hai để bố mẹ yên tâm về lựa chọn này", Khánh Ly nhớ lại.
Khánh Ly nhận được giấy báo nhập học của Đại học Trường An. |
Khánh Ly tìm hiểu đăng ký học tại trung tâm dạy tiếng Trung nhưng không trung tâm hay giáo viên nào nhận, bởi đào tạo học sinh chưa từng học tiếng Trung bài bản có thể đỗ được HSK 4 chỉ trong thời gian ngắn là việc không dễ.
Khánh Ly mua sách tự học ở nhà. Nhờ từ nhỏ xem phim và nghe nhiều nhạc tiếng Trung, cô gái sinh năm 2001 làm quen rất nhanh với ngôn ngữ mới.
Một tháng để học cơ bản từ chữ cái, một tháng để ôn đề thi HSK, Khánh Ly làm điều mà ít ai làm được. Cô thi đỗ HSK 4 với số điểm 265/300 trong sự ngỡ ngàng của gia đình, bạn bè, thầy cô.
Đạt đủ yêu cầu cần có, Khánh Ly nhanh chóng chuẩn bị hồ sơ du học. Vì không có kinh nghiệm, nữ sinh nhờ tới sự trợ giúp của một trung tâm ngoại ngữ để đăng ký ngành truyền thông của một trường đại học bất kỳ tại Trung Quốc.
Sau thời gian chờ đợi, Khánh Ly nhận được giấy báo nhập học của Đại học Trường An (Thiểm Tây) kèm theo học bổng toàn phần của Chính phủ Trung Quốc. Giấy trắng, mộc đỏ, cô gái quê Quảng Ninh sang Trung Quốc du học với niềm hạnh phúc khôn xiết.
Vượt qua 'cú lừa' tự viết nên trang mới
Những tưởng mọi thứ sẽ đến tốt đẹp sau mọi nỗ lực với cô gái 18 tuổi. "Ngày nhập học, như sét đánh ngang tai, trường thông báo không có tên em trong danh sách trúng tuyển. Sốc hơn nữa là ngành truyền thông đã bị huỷ vì quá ít thí sinh đăng ký", Khánh Ly kể.
Gọi điện về Việt Nam trong sự hoảng loạn, nữ sinh nhận được câu trả lời "đứng hình" từ trung tâm nơi làm hồ sơ du học. Sau nhiều lần vòng vo né tránh, cơ sở này thú nhận đã tự ý đăng ký ngành học khác cho Khánh Ly. Trung tâm giấu vì sợ Khánh Ly không ký tiếp hợp đồng nếu ngành yêu thích đã dừng tuyển sinh.
"Một thân một mình nơi xứ người, em chỉ biết khóc. Bố mẹ khuyên về Việt Nam học nhưng đã đi được đến đó, em không muốn về tay không", Khánh Ly nói.
Nữ sinh đặt mục tiêu tốt nghiệp loại giỏi. |
Khánh Ly gọi điện yêu cầu trung tâm sắp xếp cho học lớp Hán ngữ nâng cao thay vì học đại học một ngành xa lạ. Cô chấp nhận mất một năm học tiếng và năm sau sẽ tự thi vào trường đại học mong muốn, không tiếp tục phụ thuộc vào trung tâm.
"Em muốn tự quyết định cuộc đời mình, em tự nhủ không để ai lựa chọn thay mình nữa", Khánh Ly nói. Từ đây, cuộc đời Khánh Ly bước sang một trang mới.
Kết thúc một năm học Hán ngữ nâng cao, Khánh Ly nộp hồ sơ vào 2 trường đại học ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Trường tại Bắc Kinh, Khánh Ly đăng ký ngành truyền thông theo nguyện vọng bản thân. Tại Thượng Hải, Khánh Ly đăng ký ngành kinh tế theo lời tư vấn của cô giáo.
Sau thời gian đắn đo, Khánh Ly chọn Thượng Hải là nơi gắn bó với mình trong 4 năm đại học.
"Vốn là người năng động, em luôn nghĩ mình hợp với ngành truyền thông nhưng Thượng Hải cũng là vùng đất tiềm năng để phát huy nhiều khả năng của mình. Sự phồn hoa của Thượng Hải cho em nhiều động lực hơn để phấn đấu", nữ sinh tiết lộ lý do chọn học Kinh tế tại Đại học Điện lực Thượng Hải.
Quyết định mạo hiểm đã mở ra cho Khánh Ly cuộc sống mơ ước. Được học, được làm việc, được sống đúng đam mê, giờ đây cô gái 23 tuổi đang tận hưởng giai đoạn đẹp nhất của thanh xuân.
Trong 4 năm đại học, nữ sinh Việt làm thêm nhiều công việc để có thu nhập trang trải cuộc sống tại thành phố xa xỉ. Bên cạnh việc học, Khánh Ly sắp xếp thời gian làm phiên dịch viên cho các cán bộ Việt Nam sang làm việc tại Thượng Hải. Quá trình đó giúp cô học hỏi được nhiều điều và trưởng thành hơn.
Chỉ còn 3 tháng nữa, Khánh Ly sẽ hoàn thành việc học tại Đại học Điện lực Thượng Hải. Với mức GPA 3.4/4.0, Khánh Ly quyết tâm tốt nghiệp loại giỏi. Cô cũng tiết lộ việc đang ôn luyện để sớm chinh phục chứng chỉ HSK 9.
Sau khi nhận bằng đại học, Khánh Ly dự định về Việt Nam học tiếp lên thạc sĩ. Cô gái sinh năm 2001 ước mơ mở trung tâm tiếng Trung chất lượng, uy tín để chắp cánh ước mơ cho các bạn trẻ có cùng đam mê.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.