Minh Huyền là thủ khoa đầu ra của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2024. Ảnh: NVCC. |
“Khi biết mình là thủ khoa tốt nghiệp, được vinh danh tại tại Văn Miếu, mình đã bật khóc. Với mình, đó là hạnh phúc lớn, mình đã đi hành trình dài để có vinh dự này", Minh Huyền (26 tuổi) chia sẻ với Tri Thức - Znews.
Với điểm học tập đạt loại giỏi (8,17/10), điểm rèn luyện xuất sắc (90/100), Minh Huyền trở thành thủ khoa đầu ra của Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội năm 2024.
Bốn năm đi học, đi làm trước khi thi lại
Tám năm trước, trong kỳ thi đại học, Huyền đăng ký nguyện vọng vào Học viện Ngân hàng (ngành Kế toán) và Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội (ngành Diễn viên).
Nữ sinh nói có đam mê nghệ thuật từ nhỏ, thường tham gia các hoạt động văn nghệ ở trường và muốn trở thành diễn viên. Song thời điểm đó, mẹ cô lo nghề diễn viên bấp bênh, vất vả, nhà lại không có ai theo nghệ thuật, nên Huyền đăng ký thêm ngành Kế toán để mẹ yên tâm.
Kết quả, Huyền đỗ cả hai trường, nhưng tiếc vì Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội trả kết quả muộn, sau khi cô đã xác nhận nhập học vào Học viện Ngân hàng.
“Năm đó, theo quy định, thí sinh không được rút hồ sơ để nộp lại. Mình tiếc lắm, nhưng mẹ động viên nên vẫn theo học Kế toán, dự định sẽ thi lại", Huyền chia sẻ.
Tuy nhiên, không may mắn, năm 2017, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội không tuyển sinh hệ dân sự, nữ sinh đành chờ năm tiếp theo bởi yêu thích màu áo lính.
Hai năm học ngành Kế toán, Huyền kể do học không đúng chuyên ngành mong muốn, cô mất đi động lực, đi học “như một cái máy được lập trình sẵn”.
“Mình luôn luôn có cảm giác nơi ấy không thuộc về mình. Mình học chỉ để đủ điểm qua môn, không muốn tham gia hoạt động gì, kể cả ngoại khóa”, Huyền kể.
Sang năm 2018, Đại học Văn hóa - Nghệ thuật Quân đội tiếp tục không tuyển sinh ngành Diễn viên hệ dân sự, Huyền thất vọng. Lúc này, cô chuyển hướng tìm hiểu Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Nhưng biết gia đình sẽ phản đối nếu nghỉ ngang đại học, Huyền quyết định chưa đăng ký thi lại.
Hết năm 2, cô xin bảo lưu kết quả tại Học viện Ngân hàng, chọn đi làm hai năm để kiếm tiền, tự lo nếu thi lại vào trường khác. Cô nói từng phân vân, đặt ra rất nhiều câu hỏi và gặp nhiều áp lực trước khi đưa ra quyết định này.
“Nếu cứ tiếp tục học Kế toán, mình sẽ không phát triển được bản thân. Mình muốn theo đuổi đam mê. Mình biết gia đình sẽ phản đối. Vì vậy, mình muốn có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả tài chính và tinh thần", Huyền chia sẻ.
Năm 2020, khi đã có sự chuẩn bị kỹ càng, Huyền đăng ký thi và trúng tuyển vào chuyên ngành Diễn viên Cải lương, khoa Kịch hát dân tộc. Đây cũng là “cơ hội cuối" của nữ sinh bởi ngành học này giới hạn độ tuổi với thí sinh (không quá 22 tuổi).
“Lúc này, mình mới chia sẻ với gia đình. Mẹ mình buồn, nhưng thấy mình quyết tâm, mẹ cũng nguôi ngoai dù vẫn lo lắm", Huyền nói.
Huyền có 2 năm đi làm trước khi thi lại vào Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội. Ảnh: NVCC. |
Đam mê, nhiệt huyết đủ lớn để theo nghề
Chia sẻ về lý do chọn chuyên ngành Diễn viên Cải lương, Minh Huyền cho hay từ nhỏ, bà ngoại thường nghe cải lương, cô đã thích từ ngày đó. Lớn lên, nữ sinh tìm hiểu và biết đây là loại hình ca kịch sân khấu truyền thống, cần được bảo tồn nhưng giới trẻ lại ít lựa chọn.
Gia đình Huyền cũng bất ngờ khi cô chọn chuyên ngành này bởi biết rằng cơ hội nghề nghiệp của diễn viên cải lương không nhiều, song Huyền vẫn tin vào quyết định của mình.
“Động lực lớn nhất để mình theo đuổi ngành này là đam mê, yêu thích nghệ thuật truyền thống", Huyền nói.
Nhập học vào trường Sân khấu - Điện ảnh khi đã 22 tuổi, học cùng các em nhỏ tuổi hơn, Huyền nói không mặc cảm tuổi tác, thậm chí coi đây là lợi thế vì đã có kinh nghiệm học tập và quyết tâm hơn.
Năm nhất, nữ sinh được học các kiến thức đại cương về nghệ thuật sân khấu, nghệ thuật âm nhạc cơ bản, kỹ năng giải phóng hình thể, học hát, vũ đạo và kỹ thuật diễn cải lương. Các năm tiếp theo, sinh viên sẽ học nâng cao về kỹ thuật biểu diễn.
Với các môn đại cương, do thường thi vấn đáp, để nhớ kiến thức, Huyền chọn ôn bài vào đêm khuya hoặc sáng sớm, có không gian yên tĩnh để tập trung hoàn toàn vào việc học.
Trong khi đó, với các môn chuyên ngành, nữ sinh nhìn nhận cải lương rất khó vì phải vừa diễn, vừa hát, vừa có vũ đạo, vì vậy, “không gì bằng tập luyện nhiều". Sau giờ lên lớp, Huyền thường cùng các bạn ở lại trường để tập luyện, nhiều hôm tối muộn mới về.
Huyền nói thích nhất môn Kỹ thuật biểu diễn vì đi sâu vào kỹ thuật, tiếng nói, hình thể. Trong khi đó, môn khó nhất là Ca cải lương. Sinh viên sẽ học hát bài lý, vọng cổ, bài oán, bài bắc.
Khó khăn nhất là thời điểm đó, nữ sinh phải học online do dịch Covid-19. Thầy trò phải học qua màn hình khiến việc học thoại, học biểu diễn rất vất vả.
Minh Huyền vào vai Phượng trong vở cải lương kinh điển Lôi Vũ. Ảnh: NVCC. |
Tại buổi báo cáo tốt nghiệp hồi tháng 5, Minh Huyền vào vai Phượng trong vở cải lương kinh điển Lôi Vũ. Nữ sinh cho hay kịch bản sẽ được chọn ngay đầu năm 4, giảng viên sẽ phân vai và các sinh viên bắt đầu tập luyện, cùng thầy cô hoặc các bạn. Giai đoạn cuối, cả lớp sẽ ghép sân khấu, mất 1,5 tháng để nhuần nhuyễn.
Đây cũng là khoảng thời gian Huyền căng thẳng nhất khi liên tục tập luyện tại trường từ sáng đến tối muộn.
Bài biểu diễn tốt nghiệp của nữ sinh đạt 9/10 điểm. Huyền nói hạnh phúc khi nhận được sự cổ vũ của khán giả và sự đánh giá cao của thầy cô. Dù chưa thực sự ưng ý, song nữ sinh đã đẩy được cảm xúc của mình và khán giả lên.
“Hôm đó, mình có mời gia đình tới dự. Lúc kết thúc, mẹ nói bất ngờ khi mình làm được như vậy. Đó là lần đầu mẹ xem mình diễn. Mẹ đã rất xúc động. Mình nghĩ mẹ đã yên tâm về mình", Huyền chia sẻ.
Chia sẻ thêm với những bạn đang có dự định theo đuổi ngành Diễn viên Cải lương, Minh Huyền nhìn nhận ngành học có một số khó khăn nhất định, song quá trình sẽ được hỗ trợ nhiều, ví dụ như giảm 70% học phí; giảng viên tâm huyết, truyền lửa cho sinh viên… Quan trọng nhất, sinh viên phải kiên trì, có đủ đam mê để theo đuổi.
“Ban đầu, lớp mình có 13 sinh viên trúng tuyển, nhưng đến khi tốt nghiệp chỉ còn 5 bạn. Mình nghĩ để theo đuổi ngành này, các bạn phải thực sự kiên trì, đủ quyết tâm và đam mê", Huyền nói.
Những cuốn sách dành cho người đứng trước cánh cửa nghề nghiệp
Mục Giáo dục giới thiệu đến bạn đọc một số cuốn sách về chủ đề nghề nghiệp, hướng nghiệp, dành cho những bạn trẻ đang băn khoăn trước cánh cửa nghề nghiệp hay người trưởng thành quan tâm đến sự biến đổi nghề nghiệp trong xã hội hiện đại.
Chiến đạo giống cuộc đối thoại, gợi mở các câu hỏi của cuộc đời, giúp người trẻ chủ động định hướng nghề nghiệp, kiến tạo tương lai.
Eight - 8 cách làm chủ trí thông minh nhân tạo: “Đa số công việc mà công viên chức đang phụ trách cuối cùng đều sẽ bị thay thế bởi trí thông minh nhân tạo", cuốn sách này sẽ giải đáp câu hỏi đó.