Nữ sinh vẽ lịch Tết cảnh báo ô nhiễm môi trường, chào năm mới Mậu Tuất
Thứ ba, 13/2/2018 13:12 (GMT+7)
13:12 13/2/2018
Trước thềm Tết Nguyên đán, nữ sinh Hà Nội vẽ lịch về câu chuyện của chú chó nhỏ. Qua đó, em muốn nhắn gửi khát vọng bảo vệ môi trường và Tết đầm ấm, yên vui bên gia đình.
Câu chuyện bắt đầu với màn giới thiệu đơn giản của chú cún tên Mậu về gia đình nhỏ hạnh phúc.
Không khí đón Tết được tái hiện một cách tài tình thông qua hình ảnh cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng.
Tác giả khéo léo lồng ghép việc chuẩn bị đón Tết với ô nhiễm không khí, một vấn đề được quan tâm hiện nay.
Tác giả bộ lịch là hai em Quách Thái Thùy Anh và Vũ Hoàng Linh Chi, học sinh lớp 11 trường Phổ thông Liên cấp Olympia. Trong đó, Thùy Anh vẽ tranh.
Thùy Anh cho biết ý tưởng câu chuyện xuất phát từ không khí đón Tết Mậu Tuất đang ngập tràn trên phố phường cùng tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay.
Với Thùy Anh cũng như các học sinh khác, xuân sẽ đẹp và Tết thêm phần ấm áp nếu mọi người được đón năm mới trong bầu không khí trong lành, không khói bụi.
Nói về quá trình cho ra đời bộ lịch, nữ sinh chia sẻ nhóm em gồm 4 bạn. Nhóm cùng lên ý tưởng rồi phân công em và Linh Chi vẽ lịch.
Em mất khoảng 4 ngày để hoàn thiện bộ tranh và câu chuyện. Sau đó, Linh Chi dành thêm một ngày để lên lịch.
Thay vì đánh dấu những dịp lễ quan trọng, Linh Chi chọn chú thích các ngày trong năm liên quan bảo vệ môi trường như Ngày Quốc tế về Rừng (21/3), Ngày Môi trường Thế giới (5/6).
Bộ lịch của Thùy Anh và Linh Chi gây ấn tượng bởi câu chuyện ấm áp, lồng ghép khéo léo vấn đề ô nhiễm không khí với việc chuẩn bị đón Tết, cùng cách sử dụng màu sắc hợp lý.
Thùy Anh chia sẻ vốn đam mê hội họa, em tự mày mò học cách vẽ, phối màu chứ không theo học lớp dạy vẽ nào. Em cho rằng tự học sẽ kích thích khả năng tìm tòi, nghiên cứu của bản thân.
Nữ sinh cho biết thêm năm 2018, em sẽ học lớp 12 nên dự định dành phần lớn thời gian cho việc học tập, chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học.
Học sinh Hà Nội đã tái hiện không gian xưa với nhiều hoạt động, trang phục truyền thống cùng các món ăn dân dã nhằm bảo tồn, truyền lưu di sản văn hóa do cha ông để lại.