Bà cũng là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam vinh dự nhận Huy chương Pushkin vào tháng 11/2017 vừa qua.
Ký ức như một phép lạ
Lần đầu gặp, không ai nghĩ PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đã ở cái tuổi bát tuần. Bà vẫn nhanh nhẹn, hoạt bát, lướt Facebook nhoay nhoáy hàng ngày, “nấu cháo” điện thoại với mấy bà bạn đến cả tiếng đồng hồ.
Bà bảo trong nhóm bạn 14-15 người đi Nga năm 1954 ấy, giờ chỉ còn lại 6-7 người nên hay điện thoại, buôn chuyện với nhau. Không những thế, bà còn là chỗ dựa tinh thần và vật chất cho chính chồng bà.
Giờ, điều ông lo lắng nhất có lẽ là bà bị ốm, không ai đi chợ, nấu cơm cho ông. Gặp bà vào một chiều mùa đông mưa rét, căn nhà ấm cúng của bà từ mọi ngóc ngách đều mang đậm dấu ấn của nước Nga xa xôi.
PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh. Ảnh: Tiền Phong. |
Ở cái tuổi của bà, ký ức như một phép lạ, níu kéo mọi mối quan hệ, xóa nhòa mọi khoảng cách không gian và thời gian. Bà nhớ tuổi thơ gian khó, chăm lo cho đám em nhỏ để ba mẹ đi hoạt động cách mạng xa nhà. Bà nhớ năm 1953, khi tròn 15 tuổi, ròng rã nhiều tháng, vượt quãng đường từ Quảng Ngãi ra đến Hà Nội, rồi tiếp tục đi bộ lên chiến khu Việt Bắc, rồi đến Khu học xá Nam Ninh.
Một thời gian ngắn sau đó, năm 1954, lần đầu tiên bà đặt chân đến nước Nga cùng 99 lưu học sinh Việt Nam khác. Ðây cũng chính là 100 học sinh đầu tiên của Việt Nam được gửi sang Liên Xô học tiếng Nga.
Gần 2 năm sau đó, 80 người trở về nước và công tác trong lĩnh vực phiên dịch. 20 người còn lại, trong đó có bà tiếp tục học tập tại ÐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va mang tên Lê-nin nay là ÐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va, với mục tiêu trở thành những nhà nghiên cứu và giảng dạy tiếng Nga.
Với việc góp công củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đã vinh dự nhận Huy chương Pushkin vào tháng 11/2017 vừa qua.
Bà vẫn nhớ vào năm 1957, lần đầu tiên bà gặp Bác Hồ khi Bác sang Liên Xô dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng 10. “Bố tôi - tướng Nguyễn Chánh, lẽ ra cũng đi cùng Bác dịp đó. Nhưng ông mất trước thời gian đi. Lần đầu được gặp Bác, tôi ấn tượng vô cùng. Bác giản dị, dễ gần lắm”, PGS Nguyễn Tuyết Minh nhớ lại.
Năm 1961, hoàn thành chương trình cử nhân Ngữ văn, PGS Nguyễn Tuyết Minh trở về Việt Nam, nhận công tác tại Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nga, ÐH Ngoại ngữ Hà Nội.
Bà bắt đầu những tháng ngày lên lớp giảng dạy và nghiên cứu về ngôn ngữ Nga - thứ “bùa mê” ám ảnh và gây nghiện suốt quãng đời làm việc của bà sau này. Bà đến với nước Nga, tiếp nhận văn hóa Nga và ngôn ngữ Nga như một định mệnh.
Ðược đào tạo bài bản tại Nga, một thời gian công tác, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh được bổ nhiệm giữ chức Phó chủ nhiệm Khoa tiếng Nga - cái nôi đào tạo nhiều thế hệ các nhà ngôn ngữ học uy tín của quốc gia. Bà đã đảm nhiệm vị trí đó suốt 15 năm liền.
Năm 1970, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ chuyên ngành Ngôn ngữ và văn học Nga, tại ÐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va. Năm 1984, PGS. TSKH Nguyễn Tuyết Minh được phong chức danh phó giáo sư tại Việt Nam. Và 30 năm sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ, năm 2000, khi bước sang tuổi 62, bà bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học cũng tại ngôi trường mà bà đã trải qua những năm tháng học tập bậc ÐH và tiến sĩ.
Ðến thời điểm đó, PGS Nguyễn Tuyết Minh là nữ tiến sĩ khoa học Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ khoa học tại Ban đối chiếu của ÐH Sư phạm Quốc gia Mát-xcơ-va.
Cuốn từ điển Việt - Nga 80.000 từ
Cho đến giờ, PGS Nguyễn Tuyết Minh vẫn tự hào gia đình mình có ba thế hệ học tiếng Nga: Bản thân bà, con gái và cháu ngoại. Theo bà, nước Nga có một nền văn học, nghệ thuật và ngôn ngữ phát triển mạnh mẽ. Học tập tại Nga không chỉ học ở trên giảng đường mà thông qua nhiều hoạt động đa dạng để tiếp nhận văn hóa và ngôn ngữ một cách tự nhiên.
Trong sâu thẳm trái tim mình, bà vẫn nhớ ơn những người thầy giáo, cô giáo đã giúp đỡ mình và những lưu học sinh Việt Nam sang học tập tại Liên Xô trước đây. Chính vì vậy, không chỉ tham gia giảng dạy tiếng Nga, viết SGK, dịch sách mà công trình đáng nhớ nhất của PGS Nguyễn Tuyết Minh đó là cuốn từ điển Việt - Nga.
“Tôi mất 26 năm để hoàn thành cuốn từ điển này. Trong đó, 16 năm sinh sống ở Nga (1986-2002) và 10 năm ở Việt Nam” - PGS Nguyễn Tuyết Minh cho biết.
Ý tưởng soạn cuốn từ điển này đã thôi thúc bà có một quyết định táo bạo và bất ngờ đó là bán nhà để sang Nga làm việc vào năm 1986. Chính vì vậy, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh trân trọng sản phẩm hợp tác giữa 2 viện Hàn lâm Khoa học của Việt Nam và Nga này, bởi nhóm tác giả đã ghi dấu mốc quan trọng trong lịch sử từ điển song ngữ Việt Nam.
Ðó là lần đầu tiên cuốn từ điển sử dụng phương pháp đối chiếu, so sánh và tìm những điểm tương ứng giữa cả 2 ngôn ngữ, chứ không sử dụng phương pháp triết tự phổ biến trước đây. Phương pháp đối chiếu, so sánh ngôn ngữ khi làm từ điển song ngữ đến nay vẫn còn nguyên giá trị.
Với việc góp công củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh đã vinh dự nhận Huy chương Pushkin vào tháng 11/2017 vừa qua. Bà là nhà khoa học đầu tiên của Việt Nam nhận được vinh dự này.
Chia sẻ về những kết quả có được hôm nay, PGS.TSKH Nguyễn Tuyết Minh bảo bí quyết thành công nằm trong những câu ngạn ngữ Nga: “Đi sẽ ắt phải đến. Làm sẽ được. Tìm sẽ tìm thấy”.
Quay trở lại quê hương thứ hai của mình, PGS Nguyễn Tuyết Minh không quên đến mộ thắp hương cho thầy và dành một chút thời gian để hàn huyên với cô giáo cũ. Với bà, nước Nga vẫn giữ nguyên hình ảnh như thuở thiếu thời, lần đầu bà đặt chân đến đất nước xa xôi này.