Ngày 20/10, tạp chí PLoS Biology công bố danh sách 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới năm 2021. Việt Nam có tổng cộng 29 học giả có mặt trong danh sách trên. TS Lê Thái Hà, Đại học Fulbright Việt Nam, là nhà khoa học nữ duy nhất được xướng tên. |
TS Lê Thái Hà, 33 tuổi, là Giám đốc Nghiên cứu và Giảng viên cao cấp của trường Quản lý và Chính sách công Fulbright, Đại học Fulbright Việt Nam. Nữ tiến sĩ này xếp hạng 74.063. |
Theo Đại học Fulbright Việt Nam, Lê Thái Hà có bằng cử nhân và tiến sĩ kinh tế tại Đại học Công nghệ Nanyang (NTU), Singapore. Cô hoàn thành chương trình nghiên cứu sinh tiến sĩ trong hai năm. |
Trước khi gia nhập Đại học Fulbright Việt Nam, TS Thái Hà đảm nhiệm vị trí Giảng viên cao cấp tại Đại học RMIT Việt Nam trong 7 năm. Các lĩnh vực nghiên cứu chính của nhà khoa học này là kinh tế năng lượng, kinh tế môi trường và kinh tế ứng dụng. |
TS Hà đã công bố 50 bài báo nghiên cứu trên các tạp chí học thuật quốc tế uy tín trong lĩnh vực kinh tế ứng dụng, kinh tế năng lượng và môi trường. Theo bảng xếp hạng của dự án Nghiên cứu kinh tế RePEC được công bố vào cuối tháng 9/2019, TS Thái Hà đứng thứ tư về công bố khoa học trong nghiên cứu kinh tế ở Việt Nam tính từ trước đến nay và đứng thứ hai tính trong 10 năm trở lại đây. |
Cô nhận được nhiều tài trợ uy tín như Tài trợ Phát triển và Thương mại Thái Bình Dương (PAFTAD) cho Học giả trẻ năm 2013, tài trợ “Public Diplomacy Federal Assistance Awards” của Tổng lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM năm 2018, tài trợ từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (NAFOSTED) cho nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn năm 2019 với tư cách là trưởng nhóm nghiên cứu. |
Nữ nhà khoa học cũng đảm nhiệm vai trò biên tập cho một số tạp chí khoa học quốc tế uy tín, như vị trí Phó tổng biên tập tạp chí Journal of Economic Development, được tài trợ bởi Quỹ Nghiên cứu Quốc gia Hàn Quốc (NRF) và là thành viên hội đồng biên tập của Springer New Monograph Series, New Frontiers in Regional Science: Asian Perspectives (Springer Nature), tạp chí Singapore Economic Review (một trong những tạp chí kinh tế uy tín và lâu đời nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương). |
Trong bài phỏng vấn đăng trên website của Đại học Fulbright Việt Nam, cô tâm niệm việc làm nghiên cứu là cách để thư giãn, giải tỏa những áp lực trong công việc và cuộc sống. Khi chờ hồi âm xuất bản nghiên cứu, gặp chuyện buồn, vui, hay phải “sống chậm” trong những ngày giãn cách xã hội vì đại dịch Covid-19, Thái Hà lại vùi đầu vào nghiên cứu. |
Thông thường, tỷ lệ bài nghiên cứu được chấp thuận bởi các tạp chí khoa học uy tín nằm trong danh mục ISI chỉ trên dưới 10%. Bởi vậy, nữ tiến sĩ định nghĩa công thức thành công trong nghiên cứu khoa học của mình là nhờ sự chăm chỉ và cần mẫn theo đuổi đam mê. |
Bảng xếp hạng 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất thế giới do nhóm Metrics của giáo sư Jeroen Baas, Kevin Boyack và John P.A. Ioannidis thuộc Đại học Stanford (Mỹ), thực hiện. Bảng xếp hạng được đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí trong đó có tổng số trích dẫn nghiên cứu.
Bảng xếp hạng sử dụng cơ sở dữ liệu của Scopus từ năm 1960 đến tháng 8/2021, từ đó, tìm ra 100.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất, dựa trên các chỉ số tổng số lần được trích dẫn, Hirsch h-index; Schreiber hm-index; tổng số trích dẫn các bài báo được đăng độc lập, tác giả chính, nhóm tác giả. Các dữ liệu cho thấy tác động của họ trong suốt sự nghiệp và năm 2020.
5 chuyên gia của Việt Nam lọt top 10.000 nhà khoa học có tầm ảnh hưởng nhất là GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, PGS.TS Lê Hoàng Sơn (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Nguyễn Xuân Hùng (Đại học công nghệ TP.HCM), GS.TS Bùi Tiến Diệu (Đại học Duy Tân) và GS.TS Võ Xuân Vinh (Đại học kinh tế TP.HCM).