Không thuê bảo mẫu như khi sinh con đầu lòng cách đây 7 năm, Xiong Xiong (39 tuổi, tiếp viên hàng không của Singapore Airlines) quyết định "nuông chiều bản thân" trong lần sinh thứ 2 bằng cách tìm đến trung tâm ở cữ Singjoy.
Gần 1 tháng sau sinh, Xiong sống trong căn hộ thoáng mát có 2 phòng ngủ, kèm theo đồ ăn được nấu sẵn ở tầng dưới để bảo mẫu tập trung chăm sóc cô và em bé. Chồng và đứa con lớn cũng ở lại với Xiong, nhưng cô không cần tiếp đón gia đình từ Trung Quốc đến thăm nên có thể giảm căng thẳng.
"Ở đây, họ làm mọi thứ nên chúng tôi không cần nghĩ đến điều gì khác", Xiong bày tỏ với Bloomberg.
Chuyên gia tư vấn về sữa mẹ, bảo mẫu và đầu bếp túc trực ngày đêm chỉ là một số dịch vụ xa xỉ được cung cấp bởi các nơi nghỉ dưỡng cao cấp như Singjoy, tọa lạc tại Shangri-La gần "thánh địa mua sắm" Orchard và vườn bách thảo.
Các cơ sở chăm sóc như thế này thường được gọi là trung tâm ở cữ hay khách sạn hậu sản - nơi kết hợp giữa kỹ thuật châu Á giúp các bà mẹ hồi phục sau sinh và tiện nghi cao cấp như massage, trị liệu âm nhạc...
Nhân viên chăm sóc trẻ sơ sinh tại trung tâm ở cữ My Queen, Singapore. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg. |
Dịch vụ cho giới siêu giàu
Ở cữ hay "trong tháng" là một tập tục lâu đời của Trung Quốc và cũng phổ biến ở hầu hết châu Á. Cụ thể, người mẹ phải áp dụng các quy tắc kiêng cữ cẩn thận trong 30 ngày sau sinh để hồi phục thể lực.
Từ một hình thức chăm sóc sức khỏe tại nhà tồn tại hàng thế kỷ, các cơ sở chuyên dụng bắt đầu hình thành và phát triển ở đảo Đài Loan, Hàn Quốc vào những năm 1990. Giờ đây, dịch vụ ở cữ đã chứng kiến sự phát triển bùng nổ ở Singapore - nơi giới siêu giàu Trung Quốc đổ xô đến.
Joey Zhang (người sáng lập trung tâm ở cữ Singjoy, Singapore) biết nhiều khách hàng của mình rất giàu có với nhà riêng sang trọng hơn những căn hộ 5 sao Shangri-La. Nhưng trong những tuần ngay sau khi sinh con, các bậc cha mẹ mong muốn nhiều hơn là môi trường xung quanh quen thuộc.
Đó là lý do khiến họ chấp nhận bỏ ra chi phí mỗi tháng cho giai đoạn hậu sản xa hoa lên tới 168.800 SGD (124.000 USD) - nhiều hơn thu nhập mà một hộ gia đình trung bình ở Singapore kiếm được trong một năm. Trong khi đó, việc thuê bảo mẫu nước ngoài chỉ tiêu tồn của gia đình khoảng 4.500 SGD (hơn 3.305 USD) hàng tháng.
Căn phòng ở một trung tâm ở cữ. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg. |
Dẫu vậy, những người sử dụng dịch vụ ở cữ sang trọng vẫn cảm thấy đáng tiền. Chẳng hạn, Xiong Xiong đã chi hơn 23.800 SGD (hơn 17.480 USD) cho 28 ngày ở cữ tại Singjoy.
"Tôi không còn trẻ nữa và cần thêm thời gian để hồi phục. Tôi muốn có một bảo mẫu giỏi, dày dạn kinh nghiệm để giúp chăm sóc đứa trẻ. Số tiền bỏ ra thực sự xứng đáng", Xiong Xiong chia sẻ.
Như vậy, những trung tâm ở cữ có thể cung cấp "nơi trú ẩn" yên tĩnh với sự hỗ trợ chuyên nghiệp, giúp các mẹ sau sinh tránh xa ngôi nhà chật chội hoặc những người thân gây áp lực bằng kỳ vọng và lời khuyên, theo Qi Zhai-McCartney, nhà trị liệu tâm lý và cố vấn tại Alliance Counseling (Singapore).
Tuy nhiên, cô nói thêm rằng các dịch vụ ở cữ không mang lại những cải thiện đáng kể về mặt thống kê đối với tình trạng trầm cảm sau sinh - kết luận này được rút ra từ một phần nghiên cứu gần đây tại Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh).
Trong khi đó, Mythili Pandi, bác sĩ gia đình và chuyên gia về nuôi con bằng sữa mẹ, cũng băn khoăn về mức độ cần thiết của dịch vụ ở cữ sau sinh. "Mọi người cảm thấy cần nó vì họ mong đợi một mức độ chăm sóc nhất định đạt tiêu chuẩn khách sạn. Nhưng nó có cần thiết không? Liệu đây có thực sự là một kỳ nghỉ? Tôi không nghĩ vậy", bác sĩ bày tỏ.
Mở rộng quy mô
Bất chấp những băn khoăn xoay quanh dịch vụ ở cữ hạng sang, nhu cầu của các bà mẹ tại Singapore vẫn tăng cao đã trở thành bước đệm để nhà cung cấp dịch vụ mở rộng quy mô.
Ít nhất 10 trung tâm ở cữ đã có mặt tại Singapore kể từ khi trung tâm đầu tiên ra mắt vào năm 2020. Ở quy mô toàn cầu, dịch vụ chăm sóc sau sinh trở thành ngành kinh doanh "hái ra tiền": một số nhà cung cấp được định giá nửa tỷ USD, với thị trường dự kiến tăng gần gấp ba lên 18,8 tỷ USD vào năm 2029.
Sự ra đời của các trung tâm cũng khác xa với thực tế mà nhiều bà mẹ mới sinh con trên thế giới phải đối mặt - ngay cả những cơ sở đắt tiền nhất có xu hướng cho sản phụ về nhà sau khi nhu cầu y tế khẩn cấp đã được đáp ứng.
Các khách sạn hậu sản tích hợp đa dạng dịch vụ cho mẹ và bé. Ảnh: Ore Huiying/Bloomberg. |
My Queen, một trung tâm ở Oasia Resort Sentosa, hiện có 5-6 em bé mỗi tháng. Con số này đã tăng lên so với tình trạng chỉ có 1 em bé khi mở cửa vào năm 2022. Qua đây, người sáng lập trung tâm là Mei Ling Teo dự đoán nhu cầu về các trung tâm chăm sóc sau sinh sẽ ngày càng "nở rộ" ở "đảo quốc sư tử".
Tương tự, Singjoy của Joey Zhang - nơi có sức chứa khoảng 15 bà mẹ mỗi tháng - đang thương thảo với một khách sạn 5 sao khác để mở rộng dịch vụ.
Tiềm năng của dịch vụ chăm sau hậu sinh sản cũng thúc đẩy PrimeCare International, nhà điều hành các cơ sở chăm sóc mẹ và bé sang trọng ở Hong Kong cũng như Trung Quốc đại lục, mở trung tâm liên doanh nước ngoài đầu tiên tại Singapore.
Bữa ăn của một phụ nữ mới sinh. Ảnh: Business Insider. |
Trung tâm có tên là Bella Villa, tọa lạc tại Capella - một khu nghỉ dưỡng 5 sao trên đảo Sentosa ngoài khơi bờ biển phía Nam của đảo quốc. Dịch vụ ở cữ có mức phí mỗi tháng dao động 68.800-168.800 SGD (khoảng 50.500-124.000 USD).
Kể từ khi ra mắt tại Singapore vào tháng 10/2023, trung tâm đã tiếp nhận khoảng 25 khách hàng, theo người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Danny Xiang.
Ngoài dịch vụ chăm sóc 1-1, 24/24 và các bữa ăn được tuyển chọn, nơi đây còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ bà mẹ lấy lại vóc dáng sau sinh, bao gồm se khít âm đạo. Nhân viên cũng được yêu cầu học các kỹ năng như yoga, nghệ thuật để phục vụ sở thích của khách hàng.
"Chúng tôi phục vụ khách hàng như bà hoàng", Xiang bày tỏ.
Trong hơn 200 năm qua, mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, thị trường chứng khoán vẫn là nơi tốt nhất để các nhà đầu tư dài hạn xây dựng sự sung túc. Nhưng để thành công trong mảng này, cần hiểu rõ các quy luật của thị trường, hiểu các mùa hoạt động của nó. Câu hỏi lớn nhất về tài chính trong tâm trí tất cả chúng ta ngày nay là gì? Theo kinh nghiệm của tác giả Anthony Robbins trong cuốn Đầu tư thông minh, chúng ta đều đang tìm kiếm câu trả lời cho cùng một vấn đề: “Tôi nên đặt tiền của mình vào đâu?”.