Ở nhiều điểm trường vùng cao trên khắp cả nước, các em nhỏ vẫn đến trường học con chữ với cái bụng đói, bữa ăn nhiều lúc chỉ có một ít mèn mén trộn với chút mỳ tôm được san sẻ từ suất ăn của thầy giáo.
Ngài Trò là điểm trường xa nhất, khó khăn nhất tại xã Mậu Duệ, huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang. Vì là điểm trường lẻ nên học sinh Ngài Trò không được hưởng chế độ ăn trưa của Nhà nước. Hành trang đến trường của các em bé lớp 1, lớp 2 không phải cặp sách, bút, vở, mà là nước, rau và mèn mén để góp lại đưa thầy nấu bữa trưa chung cho cả lớp.
Khi đoàn quay chương trình “Cặp lá yêu thương - Em vui đến trường” cùng đại diện Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng VPBank đứng chờ tại con dốc gần trường, bé nào cũng mang theo một túi thức ăn hay bình nước, giữ như bảo bối. Thầy giáo bám bản Lê Đình Thi kể lại: “Có bé đi đường trơn bị trượt ngã, đến trường quần áo mặt mũi đều lấm lem bùn đất nhưng túi nylon đựng mèn mén nắm chặt trong tay vẫn sạch sẽ. Như thế mới thấy các con bảo vệ đồ ăn của mình như thế nào”.
Không có bếp, thầy Thi gom một đám củi ngay dưới mái hiên để tránh mưa, đun một nồi canh to với các loại rau học sinh mang đến. Đến giờ cơm, thầy thả thêm mì gói vào canh rồi mang cả nồi và một cái chậu đựng mèn mén ra cho các em ăn.
Không bát, không đũa, bầy trẻ nhỏ túm tụm ngồi xúm quanh nồi canh, cứ thế lấy thìa xúc thẳng từ nồi và chậu, khi thì thìa mỳ cuộn rau, lúc lại mèn mén, bỏ vào miệng ăn ngấu nghiến. Nhìn cảnh những đứa trẻ ăn ngon lành một món ăn đơn sơ, ai cũng cay khóe mắt.
Trong một chuyến đi khác đến điểm trường tiểu học Bắc Lý 2, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An, đoàn ghi hình lại tiếp tục nhận về “cơn bão” cảm xúc trước những gì tận mắt chứng kiến.
Vốn không phải một điểm trường nội trú, nhưng lâu nay vì thương các em học sinh dân tộc Khơ Mú phải đi học xa nhà đến 19-20 km, các thầy ở Bắc Lý 2 vẫn cố gắng dựng một khu nhà tạm để các em ở lại. Khu “ký túc xá” được tạo nên đơn sơ từ tre nứa và gỗ ghép, bên trong là dãy giường tầng cũ nát, hoen gỉ, nhiều chỗ phải vá víu bằng những thanh tre.
Trên những chiếc giường ấy là hơn 80 học sinh, em thì mở sách vở làm bài tập, một số trẻ khác chơi đùa, trò chuyện. Dường như mọi sinh hoạt buổi tối của các em đều ở trên những chiếc giường tầng.
Đêm xuống, trời đổ mưa mang theo cái lạnh buốt giá của vùng núi cao và nước dột tí tách trong căn nhà lụp xụp. Bọn trẻ không thể ngủ yên. Chúng co ro vì rét, thiếu chăn màn. Đứa lớn nhường đứa nhỏ mảnh chăn đã rách rồi lại nằm sát vào nhau để tìm thêm hơi ấm. Giấc ngủ cứ thảng thốt, chập chờn.
4h30 sáng, các em bé Bắc Lý đã thức giấc. Không có bố mẹ ở bên, những đứa trẻ người Khơ Mú phải tự chăm sóc lẫn nhau. Chị lớn buộc tóc, chải đầu cho các em nhỏ, một số bé theo thầy vội vàng nổi lửa thổi cơm chung. Trời vẫn tối đen như mực, sương vẫn lạnh buốt chưa tan nhưng căn bếp nhỏ lụp xụp cách đó không xa đã kịp đỏ lửa với một nồi cơm to đang sôi sùng sục, xung quanh là mấy cái bóng bé xíu tay thìa, tay bát chờ ăn bữa sáng. Hình ảnh những đứa trẻ hạnh phúc cười vui bên nồi cơm trắng với canh rau lõng bõng khiến bất cứ ai cũng thấy nhói trong tim.
“Sau gần một năm, càng đi nhiều, càng chứng kiến khó khăn đến đau lòng của các điểm trường, chúng tôi càng thấy nể phục nỗ lực của thầy trò vùng cao, đặc biệt là những người thầy giáo, cô giáo. Họ sẵn sàng rời bỏ sự tiện nghi của cuộc sống, tạm xa gia đình êm ấm, thậm chí cả những đứa con của mình để ngày đêm chăm lo cho bầy trẻ thơ trên điểm trường nghèo”, đại diện chương trình “Cặp lá yêu thương - Em vui đến trường” cho biết.
Tháng 12/2022, cả đoàn lên đường đến điểm trường Xà Phìn - điểm trường khó khăn nhất của xã Pa Vệ Sử, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Trong ngôi trường lụp xụp chỉ còn lại bộ khung mục nát, nền nhà ngổn ngang gạch đá và biển tên đã vỡ nát từ lâu, là một em bé La Hủ mệt mỏi đang vắt người gục trên bàn. Thầy giáo Vàng Văn San tưởng con bị ốm nhưng sau khi hỏi mới biết đã mấy ngày nay con chưa được ăn gì. Thầy tất tả đi nấu mỳ cho con ăn.
Thầy San cho biết ở Xà Phìn, những đứa trẻ La Hủ bị bỏ đói như “cơm bữa”, bởi bố mẹ chúng đi “ngủ nương” tìm thảo quả, tam thất… cả chục ngày trời không về. Lũ trẻ đến lớp, hết giờ học lại quẩn quanh điểm trường chơi đùa, chờ đến chiều để thầy cho ăn mỳ tôm.
Thương những đứa trẻ nghèo bị bỏ đói ngày này qua ngày khác, thầy Vàng Văn San vẫn bám trụ điểm trường dù niên kỳ cắm bản đã hết. “Ở lại vì sợ các con đói, các con thất học. Sang năm lớp học còn đông nữa khi các con mầm non đến tuổi tiểu học. Chỉ mong có lớp học kiên cố để bọn trẻ bớt khổ”, thầy San kìm nén những giọt nước mắt trực muốn trào ra.
Không ít lần, chương trình phải dừng quay hình để các thầy cô giáo được khóc. Từ những giáo viên trẻ nhiệt huyết đến người thầy tuổi trung niên đã nếm trải mọi sự đời, khi nhắc đến hoàn cảnh của các em, họ đều không thể ngăn nước mắt rơi. Vì thương những cô bé, cậu bé học trò nghèo nhỏ xíu, đáng yêu luôn háo hức đến trường, nên dù phải sống trong những căn nhà tình trường sắp sập, phải đeo đèn pin hàng đêm để soạn giáo án, phải vượt sông lội suối nửa ngày trời để đi dạy hay thức đêm nâng giấc cho các con, các thầy cô đều sẵn lòng.
San sẻ và yêu thương là cách các thầy cô sưởi ấm, mang đến niềm lạc quan cho những đứa trẻ. Bởi họ luôn tin rằng, nỗ lực ấy sẽ không thể theo gió mà đi. Nó sẽ ở lại, nảy mầm trên chính sự khắc nghiệt của mảnh đất nơi tận cùng Tổ quốc.
Thứ tình yêu và nỗ lực vô bờ ấy của các thầy cô đã gieo cho cả đoàn quay chương trình niềm tin vào những việc mình làm, rằng những phóng sự, thước phim của VTV “Cặp lá yêu thương - Em vui đến trường” sẽ mang đến những đổi thay ý nghĩa.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo năm 2020, Việt Nam có hơn 29.000 trường học cho bậc mầm non và tiểu học với tổng số phòng học là 428.832. Trong đó, còn 86.336 phòng học bán kiên cố và đặc biệt là 6.726 phòng học tạm.
Riêng vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, dù đã có nhiều nỗ lực trong phát triển giáo dục nhưng vẫn là “vùng trũng” và là “lõi nghèo” của cả nước. Nhiều cơ sở giáo dục tại đây phải đối mặt với các khó khăn, thách thức như thiếu phòng học, phòng học đã xuống cấp và quá tải; thiếu thư viện, nhà vệ sinh, công trình nước sạch.
Lúc này, sự chung tay của các tổ chức, doanh nghiệp và cả xã hội là điều cần thiết để tăng cường nguồn lực cho phát triển giáo dục, đồng hành với Chính phủ “xóa đói, giảm nghèo” trong giáo dục. Và đó cũng là lý do ngân hàng VPBank đồng hành triển khai chuỗi phóng sự “Cặp lá yêu thương - Em vui đến trường”.
Trong mỗi chuyến đi, từ nguồn lực tài chính hơn 6 tỷ đồng của ngân hàng VPBank, chương trình đều cố gắng hỗ trợ các điểm trường tháo gỡ khó khăn như xây bếp ấm yêu thương, cải tạo lớp học, tài trợ thực phẩm hay sang sửa nhà lưu trú để đội ngũ giáo viên yên tâm công tác. Ngoài ra, chương trình cũng nỗ lực lan tỏa những hình ảnh của điểm trường để kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng.
Đơn cử ở điểm trường Ngài Trò, từ lần lên sóng truyền hình vào tháng 10/2022, câu chuyện về những em bé Ngài Trò đã thu hút sự quan tâm rất lớn của cộng đồng. Hơn 2 tỷ đồng đã được các mạnh thường quân từ khắp nơi gửi đến cho các em bé Ngài Trò và 6 điểm trường lẻ.
Quay trở lại thăm các con vào dịp Tết Quý Mão, ê-kíp chương trình được chào đón bởi nụ cười tươi rói của thầy Thi: “Ngài Trò đã thực sự sang trang”. Sân trường 4 tháng trước còn là nền đất, lầy lội và bụi bặm, nay đã đổ nền bằng phẳng, mở ra một sân chơi rộng rãi, thoáng mát, sạch sẽ, kế bên là một ngôi trường trong diện mạo mới khang trang.
Đặc biệt hơn cả là “Bếp ấm tuổi thơ” do VPBank hỗ trợ 200 triệu đồng để xây dựng. Đây là nhà ăn rộng rãi với đầy đủ dụng cụ nấu nướng, bàn ghế ngồi ăn, nơi đem đến cho các em học sinh ở đây những bữa ăn đa dạng, đầy đặn, đủ dưỡng chất. “Bữa trưa không bát đũa với mỳ tôm trộn mèn mén trước đây chỉ còn trong ký ức, giấc mơ của những em học sinh và của chính tôi đã thành hiện thực rồi”, thầy Thi nghẹn ngào nói.
Thêm một sự khích lệ cho đội ngũ thực hiện đến từ góc nhìn của lãnh đạo địa phương. Ông Hoàng Anh Tuấn - Phó chủ tịch Thường trực UBND huyện Yên Minh - khẳng định sự dấn thân vì cộng đồng của các tổ chức và doanh nghiệp như VPBank không chỉ mang đến thay đổi về cơ sở vật chất, mà còn là mồi lửa thắp lên những thông điệp và hành động tích cực trong cộng đồng.
“Những hành động này được người dân đồng tình ủng hộ bằng việc đưa con em đến trường, góp ngày công xây dựng, cùng vào bếp nấu ăn, hiến đất mở rộng trường lớp. Sự tương hỗ, đồng lòng này sẽ góp phần kiến tạo nên những môi trường giáo dục lành mạnh”,ông Tuấn nhận định.
Ngài Trò, Bắc Lý, Xà Phìn hay 30 điểm trường mà “Cặp lá yêu thương - Em vui đến trường” đã đi qua mới chỉ là một chấm nhỏ trong hàng nghìn điểm trường khó khăn khắp mọi miền Tổ quốc. Còn rất nhiều nơi cần đến cũng như nhiều việc cần làm.
“Phương châm của chúng tôi là nói thật ít, làm thật nhiều”, bà Phạm Thị Nhung - Phó tổng giám đốc, Giám đốc Trung tâm quản lý đối tác Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng - khẳng định. Theo bà Nhung, trong 3 năm qua, VPBank đã liên tục đồng hành cùng Chính phủ, các địa phương và đài truyền hình hỗ trợ những hoàn cảnh khó khăn. Đơn cử, đơn vị này đã tặng sổ tiết kiệm cho trẻ em mồ côi vì Covid-19, khám chữa bệnh cho người nghèo, đóng góp cho các công tác y tế, giáo dục, cộng đồng trên khắp cả nước với tổng số tiền hơn 1.200 tỷ đồng.
“Ngoài kia nếu còn những chiếc lá chưa lành, những mái trường nhiều khó khăn thì sẽ luôn có đơn vị như chúng tôi sẵn sàng đồng hành. Đó chính là sự thịnh vượng về tình yêu thương và sẻ chia mà chúng tôi theo đuổi và lan tỏa”, bà Nhung nhấn mạnh.