Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nước tiểu sẫm màu do nguyên nhân gì?

Nước tiểu bình thường có thể trong, không màu hoặc có màu vàng nhạt đến màu hổ phách đậm. Vậy bổng dưng thấy nước tiểu có màu nâu đậm hay sẫm màu là do nguyên nhân gì?

Nước tiểu là chất thải của hệ tiết niệu, thận là nơi sản xuất trực tiếp dựa trên chất lỏng cơ thể cùng với các chất thừa do bạn uống và tiêu thụ thức ăn. Nước tiểu sau đó sẽ chuyển xuống lưu trữ tại bàng quang trong một khoảng thời gian trước khi thải ra ngoài khi đi tiểu.

Màu sắc nước tiểu chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố, chủ yếu là thành phần trong đó bắt nguồn từ các loại thực phẩm, nước uống mà cơ thể tiêu thụ. Nếu nước tiểu thay đổi trong thời gian ngắn rồi trở lại bình thường, đây không phải là vấn đề nghiêm trọng cần lo lắng.

Tuy nhiên, khi nước tiểu sậm màu kéo dài thì có thể do các nguyên nhân sau:

Do thực phẩm hoặc thức uống

Màu sắc nước tiểu được quyết định chủ yếu bởi thành phần chất và nồng độ trong đó. Đây là sản phẩm thải lọc từ thực phẩm và nước uống mà cơ thể nạp vào. Một số chất trong thực phẩm nhất định khiến nước tiểu có màu nâu sậm hoặc như màu trà như củ dền, quả mâm xôi, cây đại hoàng…

Thuốc điều trị chứa các nhóm chất nhất định cũng sẽ gây biến đổi màu sắc nước tiểu. Một số hóa chất trong các loại thuốc có thể góp phần làm cho nước tiểu sẫm màu bao gồm iốt, thuốc chống sốt rét, phenol, methocarbamol, một số vitamin bổ sung…

Do cơ thể thiếu nước

Đây là nguyên nhân thường gặp nhất khiến nước tiểu sậm màu, lượng nước ít hòa tan với nồng độ các chất thải như cũ hoặc nhiều hơn khiến màu sắc đậm hơn.

Có thể bạn đang không uống đủ lượng nước hàng ngày 1,5-2 l hoặc gặp các vấn đề sức khỏe gây thiếu nước, mất nước, nhất là khi sốt, khi làm việc ở trời nắng không cung cấp đủ nước… Khi đó, cơ thể sẽ xuất hiện triệu chứng khác như khát nước, táo bón, khó nuốt thức ăn khô, yếu, chóng mặt, khô miệng và môi, cơ thể mệt mỏi…

Mọi người cần lưu ý tình trạng mất nước này không chỉ gây nước tiểu sậm màu mà còn nguy hiểm cho sức khỏe khi xuất hiện dấu hiệu huyết áp hạ thấp, da giảm tính đàn hồi, mất hoặc giảm nhận thức, cảm giác rất khát, mạch yếu, mắt trũng sâu…

nuoc tieu sam mau anh 1

Cơ thể thiếu nước là nguyên nhân thường gặp nhất khiến nước tiểu sậm màu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu do vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo hoặc cơ quan tiết niệu khác gây bệnh. Phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nam giới do cấu tạo hệ tiết niệu ngắn, nhất là nhiễm trùng bàng quang và viêm bàng quang niệu đạo… khiến nước tiểu của người bệnh có màu sậm hơn.

Bên cạnh đó là những dấu hiệu nhận biết như đau thắt lưng, đau bụng, cảm giác căng tức bụng; thường xuyên đi tiểu, tiểu rắt, són tiểu, tiểu rỉ ít; cảm giác đau, buốt khi đi tiểu; sốt nhẹ, nếu viêm thận hoặc viêm bể thận có thể sốt cao.

Thiếu máu

Thiếu máu tán huyết do sự phân hủy của các tế bào hồng cầu có thể khiến nước tiểu đổi thành màu đỏ hoặc màu tối với các dấu vết của máu trong các mẫu nước tiểu.

Các bệnh lý về gan

Nước tiểu sẫm màu và da hoặc mắt có màu vàng là dấu hiệu của các bệnh gan như viêm gan virus, viêm gan do rượu, xơ gan.

Sỏi mật, sỏi bàng quang

Nước tiểu sậm màu thường do hình thành cholesterol trong túi mật, kèm theo triệu chứng đau bụng, sốt, ngứa da và vàng da. Bên cạnh làm nước tiểu tối màu, tắc ống mật còn gây ra các vấn đề về tiêu hóa. Sỏi bàng quang cũng có thể gây tổn thương bàng quang hoặc thậm chí dẫn đến tắc nghẽn đường tiết niệu.

Viêm tụy cấp

Viêm tụy cấp cũng có thể gây đau và sưng ở phía trên bên trái của bụng, buồn nôn, ợ hơi và nước tiểu sẫm màu.

Alcapton niệu

Bệnh di truyền hiếm gặp do sự tích tụ acid homogentisic khiến cơ thể không thể chuyển đổi tyrosine (là một amino acid) thành dẫn chất, gây ra chứng alcapton niệu làm nước tiểu sẫm màu.

Bệnh Porphyria

Bệnh Porphyria là rối loạn liên quan đến bệnh máu di truyền hiếm gặp, dẫn đến khiếm khuyết trong tổng hợp hemoglobin gây tình trạng nước tiểu sẫm màu.

Tuy vậy, để xác định rõ nguyên nhân nước tiểu sẫm màu cần làm các xét nghiệm. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để kiểm tra khi nước tiểu có những dấu hiệu bất thường, từ đó các bác sẽ sẽ có hướng điều trị phù hợp.

Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn

Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.

Bác sĩ ngạc nhiên bế em bé chào đời trong bọc điều

Em bé chào đời khỏe mạnh với cân nặng 2,2 kg. Các bác sĩ đã tiến hành rạch túi nước ối đưa bé ra ngoài.

https://suckhoedoisong.vn/nuoc-tieu-sam-mau-do-nguyen-nhan-gi-169240918222213129.htm

ThS.BS Nguyễn Văn Mạnh / Sức khỏe và Đời sống

Bạn có thể quan tâm