Ngày 20/9, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết đã ghép thận thành công cho bệnh nhi S.A. (8 tuổi), bị suy thận mạn giai đoạn cuối trên nền bệnh Von Willebrand gây rối loạn đông máu, kèm theo suy tim.
Phát hiện mắc suy thận mạn khi mới 4 tuổi
Bé S.A. được phát hiện mắc bệnh suy thận mạn từ khi 4 tuổi, kèm theo bệnh nền giảm tiểu cầu. Suốt 4 năm nay, gia đình kiên trì cùng bé điều trị song song hai bệnh lý và kiểm tra định kỳ tại Bệnh viện Nhi Trung ương.
Tháng 11/2023, tình trạng trẻ trở nặng, gây biến chứng chức năng tim, phổi nên đã được chỉ định điều trị lọc máu thay thế thận tại khoa Thận và Lọc máu. Tuy nhiên, quá trình này diễn ra rất khó khăn do bé A. được phát hiện mắc thêm bệnh lý huyết học Von Willebrand type 2b. Đây là bệnh rối loạn đông cầm máu do thiếu hụt hoặc giảm hoạt tính của yếu tố Von Willebrand trong máu.
Sau khi toàn trạng đã ổn định, trẻ được tiếp tục chăm sóc, theo dõi tại khoa Thận và Lọc máu. Ảnh: BVCC. |
TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bệnh nhi S.A. ngoài mất yếu tố Von Willebrand hoạt tính thì còn giảm tiểu cầu. Trong quá trình lọc máu định kỳ, tiểu cầu của trẻ thường xuyên ở mức thấp và phải truyền tiểu cầu, đồng thời, có những đợt chảy máu kéo dài phải can thiệp để ngăn chặn tình trạng này.
Bên cạnh đó, tình trạng suy tim của trẻ cũng khiến quá trình điều trị bị ảnh hưởng rất lớn. Cô bé phải chạy thận nhân tạo hàng ngày để giảm tình trạng quá tải cho tim, tuy nhiên, mỗi ngày bé chỉ chịu đựng được hơn 1 giờ lọc máu là phải dừng lại. Do đó, việc lọc máu kém hiệu quả.
5 giờ ghép thận căng thẳng
Theo TS.BS Nguyễn Thu Hương, kỹ thuật ghép thận tại Bệnh viện Nhi Trung ương đã trở thành thường quy nhiều năm qua, tuy nhiên đây là một ca bệnh rất phức tạp.
"Chạy thận cho bệnh nhi A. gặp nhiều khó khăn, nếu không ghép thận, trẻ sẽ không thể tiếp tục sống. Thế nhưng, ca ghép tiềm ẩn nhiều rủi ro vì trẻ mắc bệnh lý rối loạn đông máu, giảm tiểu cầu và suy tim kéo dài. Chúng tôi đã hội chẩn với các chuyên khoa nhiều lần, xác định rõ các yếu tố nguy cơ, phương pháp phẫu thuật, gây mê, hồi sức cụ thể và đồng lòng quyết tâm ghép thận cứu sống trẻ", TS Hương chia sẻ.
TS.BS Nguyễn Thị Mai Hương, Trưởng khoa Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Nhi Trung ương, trực tiếp theo dõi sát sao các yếu tố về huyết học của bệnh nhi trong quá trình điều trị. Ảnh: BVCC. |
Dưới sự chủ trì của TS.BS Cao Việt Tùng, Phó giám đốc bệnh viện, ngày 27/8, rất nhiều chuyên khoa như Ngoại Tiết niệu, Tim mạch, Thận và Lọc máu, Gây mê hồi sức, Hồi sức ngoại, Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền, Chẩn đoán hình ảnh, Ngân hàng máu, Sinh hóa, Huyết học đã cùng tham gia phối hợp thực hiện ca ghép thận cho bé A.
Sau 5 giờ phẫu thuật, nước tiểu xuất hiện sau khi nối niệu quản, bệnh nhi được kiểm soát tình trạng chảy máu. Ca ghép thận đầy căng thẳng đã diễn ra thành công.
Sau ghép, bệnh nhi được chuyển về khoa Điều trị tích cực Ngoại khoa để theo dõi và chăm sóc hồi sức. Trẻ được hỗ trợ các chức năng sống thường quy, kiểm soát và phòng chống nhiễm khuẩn, đảm bảo dinh dưỡng, huyết áp tốt, tưới máu thận tối ưu, bù lại thể tích tuần hoàn, cân bằng nước và điện giải, duy trì các thuốc chống thải ghép.
Hiện tại, sau 14 ngày ghép thận, trẻ đã hoàn toàn ổn định, tỉnh táo, ăn uống bình thường và được ra viện ngày 11/9.
Từ năm 2004 đến nay, Bệnh viện Nhi Trung ương đã ghép thận thành công cho gần 70 bệnh nhi, mở ra cánh cửa sự sống cho nhiều trẻ suy thận mạn giai đoạn cuối. Đặc biệt, việc theo dõi, điều trị sau ghép thận cũng được bệnh viện chú trọng thực hiện để kéo dài tuổi thọ của thận ghép, giúp người bệnh có chất lượng cuộc sống tốt hơn.
'Vệ sĩ' vô hình của con người
Nếu có hệ miễn dịch ổn định, cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều kháng thể chống lại các bệnh truyền nhiễm do vi khuẩn, virus gây nên. Bạn sẽ khỏe mạnh mà không cần tới thuốc men.
Cuốn sách "Siêu tổ chức con người" của tác giả Rodney Dietert đem tới cho bạn đọc những kiến thức hữu ích để bảo vệ hàng rào đề kháng tự nhiên của cơ thể và xây dựng lối sống lành mạnh.