Sau tình trạng “nghẽn mạch” trên diện rộng gây bức xúc cho gần 1 triệu thí sinh thì nay sau nửa thời gian xét tuyển đợt 1, có vẻ việc xét tuyển đang rơi vào trạng thái “khủng hoảng thông tin”.
Việc này gây khó khăn không chỉ cho thí sinh điểm cao (vì các thí sinh xấp xỉ điểm ngưỡng có lẽ đã chấp nhận nhường xét tuyển đợt 1 cho thí sinh điểm cao), mà còn cho các trường, nhất là các trường dùng nhiều tổ hợp môn để xét tuyển vào một ngành.
Điều nghịch lý là các thí sinh điểm cao muốn trúng tuyển vào trường tốp trên, ngành hấp dẫn; trường thì cũng muốn xét tuyển được thí sinh giỏi, nhưng hai điều “muốn” này chưa tiến gần được nhau.
Các hướng dẫn rối rắm, mù mờ và đôi khi mâu thuẫn làm cho thí sinh (nhất là thí sinh điểm cao) rất muốn biết mình có thể trúng tuyển (đậu) hay rớt, nhưng các trường lại “không được phép để thí sinh hiểu nhầm điểm trúng tuyển tạm thời, gây hoang mang cho các em, mà đó chỉ là danh sách thí sinh đăng ký xét tuyển đến thời điểm công bố so với chỉ tiêu xét tuyển để thí sinh tham khảo”.
Đại diện ĐH Bách Khoa (ĐHQG TP HCM) tư vấn cho học sinh trong ngày hội tư vấn xét tuyển ĐH, CĐ 2015. Ảnh: Tuổi Trẻ. |
Điều nguy hiểm cho chính các thí sinh “nộp vào, rút ra” hiện nay là việc rút hồ sơ của thí sinh phải đi kèm (ngay lập tức) việc trả dữ liệu của thí sinh về kho dữ liệu chung của Cục Khảo thí để thí sinh có thể tham gia xét tuyển ở ngành mới, trường mới. Đã xuất hiện những trường hợp thí sinh tuy đã rút hồ sơ ở trường này nhưng chưa thể xuất hiện trong danh sách đăng ký xét tuyển ở trường khác.
Vấn đề hiện nay nằm ở chỗ Bộ GD&ĐT mà cụ thể là Cục Khảo thí đã can thiệp quá sâu vào thẩm quyền tự chủ tuyển sinh của các trường thông qua các quy định cứng nhắc về xét tuyển, thông tin và dữ liệu tuyển sinh không lưu chuyển thông suốt trực tiếp giữa nhà trường và thí sinh.
Những tưởng đã kết thúc được kỳ thi ba chung, nhưng với quy định hiện nay, kỳ thi này dường như đã trở thành bốn chung: chung đợt thi, chung đề thi, dùng chung kết quả để xét tuyển và nay là phải dùng chung phần mềm xét tuyển.
Trên thực tế, quy định cho phép thí sinh rút phiếu đăng ký xét tuyển từ trường này để nộp qua trường khác đã được thực hiện từ năm trước, nhưng ở năm trước không ảnh hưởng đến việc giải quyết yêu cầu đổi nguyện vọng hoặc rút hồ sơ đăng ký xét tuyển của thí sinh.
Như vậy ách tắc nằm ở chỗ trường ĐH, CĐ và thí sinh không thể giao tiếp thông suốt với nhau nên mọi việc sẽ bị chậm đi. Nay với quy định các trường THPT và Sở GD&ĐT chen vào quy trình xét tuyển thì e rằng việc xét tuyển sẽ càng thêm chậm chạp chứ không “thông suốt”, trong khi các trường ĐH, CĐ và hàng trăm ngàn thí sinh đang nhấp nhỏm vì thời gian xét tuyển đợt 1 không còn nhiều.
Giải pháp đơn giản và khả thi nhất hiện nay là dữ liệu và thông tin kết quả thi của thí sinh cần được cung cấp đầy đủ cho các trường ĐH, CĐ chứ không cung cấp nhỏ giọt từng thí sinh một.
Và việc xét tuyển giao toàn quyền chủ động cho các trường ĐH, CĐ trên cơ sở quy chế tuyển sinh, không cần phải cầm tay chỉ bảo một việc mà các trường ĐH, CĐ đã tự thực hiện suốt từ bao nhiêu năm qua. Nút thắt đang nằm ở chính Cục Khảo thí.