Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Ở Australia, nhiều cha mẹ vẫn cho rằng đánh con là điều nên làm

Khảo sát của Đại học Công nghệ Queensland cho thấy cha mẹ Australia từng đánh con ít nhất một lần trong đời, cứ 4 phụ huynh thì một người cho rằng phạt đòn là điều cần thiết.

Cha mẹ Australia từng đánh con ít nhất một lần. Ảnh: Adobestock.

"Con có muốn ăn tát không", đây là điệp khúc phổ biến của nhiều phụ huynh Australia trong cả trăm năm qua. Bằng cách nào đó, các cha mẹ vẫn nghĩ rằng lời đe dọa mang tính bạo lực này sẽ chấn chỉnh được hành vi của con mình.

Công ước Liên Hợp Quốc về Quyền Trẻ em coi việc đánh đập cùng những hình phạt thể chất khác (dù nặng hay nhẹ) đều vi phạm quyền trẻ em. Ở 65 quốc qua trên thế giới, việc đánh trẻ em bị cấm.

Tuy nhiên, tại Australia, việc cha mẹ "sử dụng vũ lực hợp lý" để kỷ luật con trẻ vẫn là hành động hợp pháp. Đặc biệt, trẻ em là nhóm người duy nhất "được phép ăn đánh", theo The Conversation.

cha me danh con anh 1

Trẻ em là nhóm người duy nhất "được phép ăn đánh" ở Australia. Ảnh: Shutterstock.

Hình phạt thể chất là gì

Hình phạt thể chất là việc sử dụng vũ lực để gây đau đớn nhưng không để lại thương tích trên cơ thể. Việc này nhằm kỷ luật một đứa trẻ có hành vi chưa đúng mực.

Một lưu ý là hình phạt thể chất khác với lạm dụng thể chất. Lạm dụng thể chất là việc dùng vũ lực với trẻ nhỏ ở mức độ cực đoan hơn và không nhằm mục đích điều chỉnh hành vi cho trẻ.

Các nhà nghiên cứu nêu rằng những hình phạt như đánh mông, nhéo tai, tát má không thực sự có tác dụng, ngược lại khiến hành vi của trẻ tệ hơn theo thời gian.

Chưa kể, đòn roi ảnh hưởng đến vấn đề tâm lý của trẻ nhỏ rất nhiều, làm các em trở nên hung hăng hơn, khiến mối quan hệ giữa cha mẹ và con cái kém đi và đời sống tinh thần của các em cũng giảm sút.

Trẻ em Australia từng bị đánh ít nhất một lần

Để đánh giá tình trạng phạt đòn trẻ nhỏ ở Australia, bà Divna Haslam, nghiên cứu viên tại Đại học Công nghệ Queensland (Australia), cùng các cộng sự đã khảo sát hơn 8.500 người từ 16 đến 65 tuổi ở nước này.

Nhóm nghiên cứu tin rằng những người làm khảo sát thuộc nhiều độ tuổi nên có thể đại diện cho những trải nghiệm thực tế nhất của người Australia.

Nhìn chung, khoảng 62,5% người Australia trong độ tuổi 16-65 đã trải qua việc bị đánh đập hoặc trừng phạt thể xác khi còn nhỏ. Nghĩa là cứ 10 người thì 6 người từng bị đánh.

Nam giới cũng có nhiều khả năng bị đánh nhiều hơn nữ giới. Ước tính khoảng 66,3% nam giới làm khảo sát từng bị phạt đòn trong khi con số này ở nữ giới là 59,1%.

cha me danh con anh 2

Cha mẹ trẻ ở Australia dần thay đổi quan điểm về cách phạt con. Ảnh: Pexels.

Một điều khá tích cực là nhóm nghiên cứu phát hiện thái độ về việc đánh con đang dần thay đổi. Bà Haslam và các công sự nhận thấy thế hệ cha mẹ mới có xu hướng đánh con ít hơn cha mẹ thế hệ trước. Nhóm người trẻ tuổi (16-24) cũng ít bị đánh hơn so với những người lớn tuổi, khoảng 58,4%.

Dù vậy, nhóm nghiên cứu vẫn cho rằng con số này vẫn ở mức cao không thể chấp nhận được. Nhìn chung, cứ hai phụ huynh ở Australia thì có một người biết họ từng dùng hình phạt thể xác với con, trung bình một tháng một lần. Ngoài ra, cứ 4 người ở nước này thì có một người nghĩ rằng hình phạt thể xác là điều cần thiết để nuôi dạy trẻ em đúng cách.

Cha mẹ trẻ đã thay đổi cách dạy con

Một điểm mới mà nhóm nghiên cứu Đại học Công nghệ Queensland phát hiện ra là cách dạy con của cha mẹ trẻ đã thay đổi theo hướng tích cực hơn.

Cụ thể, trong khảo sát này, 64,2% cha mẹ trên 65 tuổi cho biết họ từng dùng hình phạt thể xác để dạy con. Đối với cha mẹ 25-34 tuổi, tỷ lệ là 32,8%. Trong khi đó, chỉ 14,4% phụ huynh dưới 24 tuổi dùng đòn roi để dạy con.

Sự khác biệt về thế hệ cũng được thể hiện thông qua cách nhìn nhận của cha mẹ về hình phạt thể xác đối với con trẻ.

Theo thống kê, khoảng 37,9% người trên 65 tuổi ở Australia tin rằng đòn roi là điều cần thiết để dạy con, 22,9% người 35-44 tuổi cũng tin như vậy và con số này ở nhóm phụ huynh dưới 24 tuổi chỉ dừng ở mức 14,8%.

Ngoài ra, nghiên cứu nhận thấy những người gặp khó khăn về vấn đề kinh tế, xã hội có xu hướng tin rằng phạt đòn là cần thiết. Suy nghĩ này ở nhóm người gặp bất lợi cao gấp 2-3 lần so với những người không gặp khó khăn về kinh tế.

Đặc biệt, những cha mẹ từng bị phạt đòn lúc nhỏ có nhiều khả năng nghĩ rằng đây là điều cần thiết và sẽ áp dụng phương thức kỷ luật tương tự với con mình. Nhóm nghiên cứu nhấn mạnh rằng kết quả nghiên cứu này đã cho thấy bạo lực được "di truyền" qua nhiều thế hệ.

Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?

Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.

8 dấu hiệu của đứa trẻ hư

Sự nuông chiều từ cha mẹ có thể khiến trẻ phát triển theo chiều hướng xấu. Vì vậy, phụ huynh cần nhận ra dấu hiệu con đang hư dần để điều chỉnh sớm.

Thái An

Bạn có thể quan tâm