Chỉ trong vòng 3 ngày, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (cơ sở Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội - BV Bệnh Nhiệt đới TƯ) ghi nhận hàng chục ca mắc Covid-19, liên quan 15 tỉnh, thành phố.
Đây là bệnh viện lớn thứ 3 tại Việt Nam ghi nhận số ca mắc Covid-19 cao và buộc tạm thời cách ly y tế toàn viện. Zing có cuộc trao đổi với Phó giáo sư, bác sĩ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương (Hà Nội), để tìm hiểu rõ hơn về nguồn lây nhiễm cũng như giải pháp xử lý ổ dịch này.
Ổ dịch có thể đã trải qua 2-3 chu kỳ lây nhiễm
- Trong 3 ngày, chúng ta xác định hàng chục ca nhiễm. Ông nhận định thế nào về tình hình dịch tại Việt Nam?
- Tình hình dịch hiện tại có thể nói là vô cùng phức tạp và rất nhiều nguy cơ. Trước đây, chúng ta thường cảnh báo là cơ sở y tế có nguy cơ bị dịch xâm nhập cao. Còn hiện tại, cả trong bệnh viện và ngoài cộng đồng, những nguy cơ này đều rất lớn và phức tạp hơn nhiều.
Hiện số ca nhiễm liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể tiếp tục tăng do có hàng nghìn người đã đến viện. Trong khi chưa xác định rõ nguồn lây, việc di chuyển bệnh nhân khắp nơi, có những bệnh nhân đã trở về địa phương.
Chỉ trong vài ngày, dịch bệnh lây lan hơn hàng chục tỉnh, thành phố. Trong khi các ổ dịch khác ở Hà Nam, Vĩnh Phúc, Hà Nội … còn đang tích cực kiểm soát, khống chế dịch, việc xuất hiện thêm ổ dịch mới với tốc độ lây lan nhanh khiến tình hình càng trở lên khó khăn, phức tạp hơn.
Xem xét tình hình thực tế, có thể thấy nguồn lây virus SARS-CoV-2 có thể đã xuất hiện hơn một tuần trong bệnh viện và trải qua 2-3 chu kỳ lây nhiễm.
Binh chủng hóa học tiến vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương để khử trùng toàn bệnh viện. Ảnh: Việt Linh. |
- Nhiều người gọi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là ổ dịch song cũng có ý kiến cho rằng không phải. Ông nghĩ sao?
- Một nguồn lây nhiễm có mức độ khá lớn thì có thể gọi là ổ dịch. Điều này áp dụng ở bất cứ địa điểm nào, kể cả có chỉ xuất hiện một ca bệnh thì cũng được gọi là ổ dịch, tất nhiên, vì Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là thành trì của chống dịch đợt này nên nhiều người ngại gọi là “ổ dịch”.
Hiện tại, chúng ta thấy xuất phát từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã có hàng chục ca nhiễm SARS-CoV-2. Trước đó, chúng ta gọi Bệnh viện Bạch Mai là ổ dịch nhưng số ca nhiễm thực tế ở Bạch Mai thời điểm đó ít hơn nhiều so với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương hiện tại.
Hiện tại, cả trong bệnh viện và ngoài cộng đồng, những nguy cơ này đều rất lớn và phức tạp hơn nhiều.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung
- Ngay khi phát hiện những ca đầu tiên, Bộ Y tế và chính quyền TP. Hà Nội đã chỉ đạo phong tỏa Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Ông đánh giá thế nào về hành động này?
- Quyết định phong tỏa, “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đối với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương thời điểm trưa 5/5 là bước đi quyết liệt và hết sức cần thiết, kịp thời.
Chúng ta biết rằng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là đơn vị thành trì chống dịch và có nhiều kinh nghiệm trong điều trị, phòng chống dịch Covid-19 từ đầu mùa dịch đến nay.
Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh và lãnh đạo Bộ Y tế kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương chiều 5/5. Ảnh: Việt Linh. |
Cho dù có không bị phong tỏa sớm thì tôi tin rằng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương với kinh nghiệm, năng lực và trình độ cao vẫn sẽ tự có quyết định đúng đắn kịp thời để kiểm soát tình hình, cụ thể là ngay thời điểm đầu, Giám đốc Bệnh viện đã quyết định phong tỏa các khu vực trong bệnh viện, điều này cho thấy tính chủ động của đơn vị tuyến đầu rất cao.
- Giả thuyết nào được đặt ra để lý giải cho nguồn lây ở ổ dịch này?
- Các giả thuyết về nguyên nhân lây nhiễm ở bệnh viện đã được Bộ Y tế lý giải. Trong đó, khả năng SARS-CoV-2 lây lan từ bệnh nhân đang điều điều trị tại bệnh viện. Bệnh nhân này lây truyền cho nhân viên y tế, sau đó lây lan tiếp cho các bệnh nhân, người nhà khác.
Giả thuyết thứ 2 có thể là virus xâm nhập từ thân nhân, người nhà vào thăm bệnh. Tuy vậy, để xác định được nguồn lây nhiễm từ bệnh viện, chúng ta cần giải trình tự gene virus để xác định chủng, mối liên hệ giữa các ca nhiễm.
Nguyên nhân bùng phát dịch?
- Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là thành trì trong điều trị Covid-19. Sự việc này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến công tác điều trị, tâm lý của bệnh nhân và nhân viên y tế?
- Đến giờ phút này, chúng ta cũng không cần quá lo lắng khi xuất hiện một ổ dịch mới trong cộng đồng vì người dân có kinh nghiệm phòng tránh, bệnh viện có khả năng điều trị tại chỗ. Phương châm của chúng ta là “bốn tại chỗ”, trong đó có tiêu chí điều trị tại chỗ, các bệnh viện tuyến trung ương phân cấp điều trị và hỗ trợ xuống tuyến dưới nếu cần.
Do đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương xuất hiện dịch không ảnh hưởng quá lớn đến người bệnh. Theo chỉ đạo của giám đốc bệnh viện, đơn vị này vẫn thông báo tiếp cận điều trị cho các ca dương tính bình thường.
Việc xuất hiện dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu nói chủ quan thì không đúng. Đặc biệt ca bệnh lần này có biểu hiện rất nhẹ, khó phát hiện trước. Sự việc này là điều không chỉ riêng tôi mà rất nhiều anh chị em đồng nghiệp, cộng đồng không ngờ. Tuy nhiên, những rủi ro bất ngờ trong y tế thì không thể nói trước được.
- Trước đó, Việt Nam từng xảy ra sự việc lây nhiễm SARS-CoV-2 tại Bệnh viện Bạch Mai, các bệnh viện ở Đà Nẵng. Theo ông, sự việc ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, về tính chất của lây nhiễm khác 2 bệnh viện nói trên thế nào?
- Các bệnh viện này cũng có nhiều điểm tương đồng. Tuy nhiên, về mức độ nghiêm trọng, tôi cho rằng Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có độ nghiêm trọng cao hơn do mức độ lây lan của dịch rộng hơn và nhanh nhất từ trước đến nay.
Còn xét về tiên lượng tình trạng bệnh nhân, tôi có niềm tin rất lớn là chúng ta sẽ không có nhiều bệnh nhân nặng, tử vong như đợt dịch tại Đà Nẵng. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương không có quá nhiều người mắc bệnh nền mạn tính. Hy vọng đợt dịch này sẽ không có bệnh nhân nặng như Đà Nẵng.
Bệnh viện C Đà Nẵng là cơ sở y tế đầu tiên bị phong tỏa trong đợt bùng phát dịch cuối tháng 8/2020. Ảnh: Hoàng Giám. |
- Từ ổ dịch ban đầu, đã có sự lây nhiễm cho bác sĩ ở Bệnh viện 105 và dần xuất hiện tại một số cơ sở y tế khác. Ông đánh giá điều này như thế nào?
- Đây là điều mà chúng tôi lo lắng nhất. Trong đại dịch, bệnh viện và nhân viên y tế là thành trí cuối cùng nên cần phải được bảo vệ. Từ sau kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, Bệnh viện Phổi Trung ương lập tức xét nghiệm toàn bộ nhân viên, đóng hết cửa ngõ, kể cả sinh viên, học sinh đến học cũng được tạm ngưng.
Để kiểm soát dịch, chúng tôi cũng ra quy định cấm tuyệt đối thân nhân, người nhà đến thăm bệnh, nuôi bệnh để kiểm soát dịch. Trừ trường hợp bệnh nặng, cần người chăm sóc thì mới cho thân nhân ở lại cùng.
Việc xuất hiện dịch tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có thể do nhiều nguyên nhân. Nếu nói chủ quan thì không đúng. Đặc biệt ca bệnh lần này có biểu hiện rất nhẹ, khó phát hiện trước.
Phó giáo sư Nguyễn Viết Nhung
Tôi cho rằng các bệnh viện hiện tại, nhất là cơ sở y tế ở Hà Nội rất nên rà soát thật chặt chẽ quy định này và xét nghiệm tầm soát Covid-19 cho toàn bộ nhân viên. Tuy nhiên, một điều tôi cho rằng sẽ khó khăn cho các bệnh viện là năng lực xét nghiệm trong điều kiện cần xét nghiệm nhanh, số lượng lớn.
Hiện, các bệnh viện cần đẩy mạnh nâng cao năng lực xét nghiệm. Chúng ta đã ghi nhận thêm nhiều cơ sở y tế liên quan như Bệnh viện Thanh Hóa, Hải Dương và mới đây là Bệnh viện Phổi Lạng Sơn cũng buộc phải phong tỏa do ca mắc Covid-19.
Từ sau Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, chúng ta xác định thêm sự lây nhiễm ở nhiều cơ sở y tế khác, mới đây nhất là Bệnh viện K. Điều này thấy virus có tốc độ lây lan rất nhanh và có sự lây nhiễm chéo giữa các bệnh viện thông qua việc chuyển bệnh nhân từ bệnh viện này sang bệnh viện khác. Điều này hết sức nguy hiểm.
Trong bối cảnh này, chúng ta cần lo lắng dịch có thể xuất hiện các bệnh viện tuyến trung ương tiếp theo như Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt Đức và cả Bệnh viện Phổi Trung ương. Ngay lúc này, các bệnh viện cần tăng cường rà soát, đánh giá nguy cơ xuất hiện dịch.
- Đâu là giải pháp quan trọng nhất để ngăn chặn dịch lan rộng trong thời điểm này?
- Giải pháp quan trọng nhất ở các cơ sở y tế lúc này là giãn cách. Các bệnh viện tạm thời, tôi gọi là tạm thời chứ không gọi phong tỏa, ngừng các hoạt động không cần thiết, nhất là tuyệt đối cấm người nhà vào thăm bệnh. Đây là lỗ hổng rất lớn ở các bệnh viện và có thể ngay tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bởi vì nếu người thân tự ý ra vào, bệnh viện tổ chức sàng lọc bao nhiêu đi chăng nữa thì nguy cơ lọt lưới rất cao.
Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn biện pháp chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Trong tình hình hiện nay, các cơ sở này càng phải thực hiện quyết liệt.
Về giải pháp ngăn chặn dịch, Bộ Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 đã phân cấp trách nhiệm cho từng địa phương. Tại các tỉnh, Ban Chỉ đạo ủy quyền cho chủ tịch UBND tỉnh chịu trách nhiệm giải quyết và xử lý các ổ dịch tại địa phương, các địa phương tiếp tục phân cấp để phong tỏa từng khu vực nhỏ. Trước đây, chúng ta nghe đến dịch Covid-19 thường phong tỏa cả phường, xã thì hiện tại không cần thiết.
Đặc biệt, những ngày vừa qua có đến hàng nghìn người từng đến bệnh viện nên cần phải khai báo đầy đủ. Người dân tuân thủ thông điệp 5K của Bộ Y tế, trong đó nhấn mạnh đến 2K quan trọng nhất là khẩu trang và không tập trung đông người. Điều đó chính là bảo vệ bản thân và gia đình mình.
Ngoài ra, một giải pháp phòng hộ cá nhân khác theo tôi người dân có thể áp dụng để phòng ngừa nguy cơ. Đó là sau khi tiếp xúc người khác, đến buổi họp đông người, bên cạnh 5K, chúng ta có thể súc họng, rửa mũi bằng dung dịch nước muối sinh lý. Đặc biệt, tạm ngừng hoạt động các hoạt động không thiết yếu mà có nguy cơ cao đó là tụ họp đông người, karaoke, bar…
Kể từ ngày 27/4 đến nay, theo báo cáo của Bộ Y tế, Việt Nam ghi nhận 121 bệnh nhân mắc Covid-19 trong nước. Nhiều ổ dịch xuất hiện tại Hà Nam, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng. Nguồn lây chủ yếu từ người kết thúc cách ly tập trung.
Đặc biệt, chúng ta mới phát hiện ổ dịch nghiêm trọng tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Sáng nay, 10 người ở Bệnh viện K cũng có kết quả dương tính.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn, một trường hợp từng điều trị ở Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã lây cho 5 bệnh nhân và 4 người nhà tại Bệnh viện K.
Dịch Covid-19
Phát hiện mới về hậu quả của Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy Covid-19 gây hại cho hệ vi sinh vật đường ruột, có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe khác như đầy hơi và trào ngược axit.
Covid-19 vẫn gây chết người nhưng đã thay đổi về nhân khẩu học
Bang California, Mỹ, đang có sự thay đổi về nhân khẩu học trong số ca tử vong. Theo các chuyên gia, xu hướng này tương tự với toàn nước Mỹ và nhiều nước khác trên thế giới.
Phát hiện virus bí ẩn giống SARS-CoV-2 ở Nga
Với protein gai có thể dễ dàng bám vào tế bào người như nCoV, loại virus này khiến các nhà khoa học lo lắng. Đặc biệt, vaccine và kháng thể Covid-19 không có tác dụng với nó.
Đại dịch mới ở những người khỏi Covid-19
Nghiên cứu mới cho thấy ngay cả người nhiễm nCoV nhẹ cũng có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ cao hơn. Điều này dấy lên mối lo về đại dịch bệnh tim mạch ở những người khỏi Covid-19.
Triệu chứng nhiễm biến chủng BA.5
Về cơ bản, người nhiễm BA.5 sẽ có các triệu chứng như những chủng Covid-19 trước đó. Song, tần suất gặp phải của từng triệu chứng lại khác nhau.