Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Ổ dịch phức tạp nhất từ trước đến nay ở TP.HCM'

TP.HCM trải qua nhiều đợt bùng phát dịch Covid-19. Tuy nhiên, ổ dịch với hàng chục người tại nhóm tôn giáo ở Gò Vấp được đánh giá là có quy mô lan rộng nhất từ trước đến nay.

o dich nhom ton giao tai quan go vap anh 1

Tối 26/5, bệnh nhân Covid-19 đầu tiên liên quan Hội Thánh Truyền giáo Phục hưng (địa chỉ sinh hoạt tại quận Gò Vấp, TP.HCM) được phát hiện. Từ ca bệnh này, TP.HCM phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng với tốc độ, quy mô và mức độ lan rộng chưa từng thấy.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết số lượng ca mắc tại ổ dịch này trong một ngày sắp bằng tổng số ca nhiễm của ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất trước đây.

Vì sao số ca nhiễm tại TP.HCM tăng nhanh?

- Phát hiện ổ dịch mới trong cộng đồng là điều khiến người dân thành phố lo lắng. Ông có bất ngờ khi biết tin về ổ dịch này?

- Tôi thấy lo lắng nhiều hơn là bất ngờ. Lo lắng vì đây là ổ dịch hoàn toàn mới trong cộng đồng mà chúng ta chưa rõ nguồn lây. Nguyên nhân khiến tôi không bất ngờ là diễn biến dịch Covid-19 tại TP.HCM vốn sẽ như vậy. Nghĩa là thành phố sẽ còn xuất hiện các ổ dịch lẻ tẻ trong cộng đồng cho đến khi có vaccine bao phủ hoặc các ổ dịch xung quanh được kiểm soát.

- Đây có lẽ là ổ dịch lớn phức tạp và lan rộng nhất từ trước đến nay?

- Hiện tại, số lượng ca mắc tại ổ dịch này trong một ngày đã sắp bằng tổng số ca nhiễm của ổ dịch sân bay Tân Sơn Nhất trước đây. Số ca trong đợt bùng phát này sẽ nhiều hơn. Vì vậy, đây có thể là ổ dịch lớn, phức tạp, lan rộng nhất từ trước đến nay ở TP.HCM.

Cũng chưa bao giờ, thành phố ghi nhận cùng lúc nhiều F0, F1, F2 cho đến F3 cư trú tại các quận, huyện như vậy. Theo thống kê của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM, 16 quận, huyện liên quan. Phức tạp hơn, các bệnh nhân này là hội viên sinh hoạt cùng nhóm tôn giáo.

Tính đến sáng 28/5, 44 hội viên và người liên quan trong nhóm này dương tính. Các ca dương tính tiếp tục lây nhiễm cho F1. Vòng lây nhiễm tại ổ dịch này đã đến chu kỳ thứ 2.

o dich nhom ton giao tai quan go vap anh 2

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm người dân trong khu vực quận Gò Vấp. Ảnh: Chí Hùng.

- Những giả thiết mà chúng ta có thể đặt ra cho nguồn lây nhiễm của ổ dịch này?

- Chúng ta chưa có đầy đủ dữ liệu để xác định hay đưa ra giả thiết về nguồn lây của ổ dịch này. Tuy nhiên, giả thiết có thể xảy ra nhất là một trong những hội viên đi hoặc tiếp xúc người từ vùng dịch nhưng không khai báo hoặc có triệu chứng nhưng không đi khám bệnh.

Điều này khiến dịch lây lan âm thầm cho đến khi một bệnh nhân ở Hóc Môn đến khám tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Để có đầy đủ hơn về các giả thiết, chúng ta cần chờ kết quả giải trình tự gene của bệnh nhân.

- Điều gì khiến ổ dịch tại nhóm tôn giáo này phức tạp hơn các đợt bùng phát trước đây ở thành phố?

- Đầu tiên, chúng ta nhớ lại chùm ca bệnh trong nhóm bốc xếp ở sân bay Tân Sơn Nhất. Những người này làm cùng công việc và địa điểm làm việc và khung giờ gặp nhau. Do đó, khi phát hiện được một người dương tính, thành phố đã khoanh vùng ổ dịch tại khu vực sân bay và xét nghiệm toàn bộ nhân viên Tân Sơn Nhất. Kết quả xác định thêm một số nhân viên bốc xếp và người nhà.

Còn với đợt bùng phát này, ổ dịch lại nằm trong nhóm sinh hoạt tôn giáo. Qua các hình ảnh và đặc điểm của nhóm này, có thể, việc ngồi gần nhau, trong không gian kín là điều kiện quá thuận lợi cho SARS-CoV-2 lây nhiễm và phát tán khắp nơi.

o dich nhom ton giao tai quan go vap anh 3

TP.HCM ghi nhận tổng cộng 44 người dương tính với SARS-CoV liên quan chuỗi lây nhiễm của nhóm tôn giáo. Ảnh: Hoàng Giám.

Ngoài ra, những người này có địa chỉ cư trú tại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều người và nhiều ngành nghề khác nhau. Nhóm người trẻ trong số này còn có dịch tễ đi nhiều nơi. Điều này càng khiến virus lan rộng hơn.

Số ca có thể tiếp tục tăng, ai cũng có nguy cơ

- Theo thời gian ca bệnh đầu tiên xuất hiện triệu chứng và ngày cuối cùng tiếp xúc, nhóm người sinh hoạt tôn giáo có thể bị nhiễm virus từ khi nào?

- Trong số các ca dương tính được ghi nhận, 19 trường hợp có triệu chứng. Các bệnh nhân có triệu chứng khởi phát sớm nhất được ghi nhận bắt đầu từ ngày 13/5. Sau đó họ tiếp tục lây cho người khác tiếp xúc.

Như vậy, virus trong chùm ca bệnh này có thể phát tán và lan rộng trong nhóm hội viên trước ngày 16/5. Tuy nhiên, không loại trừ trường hợp những người mắc Covid-19 trước ngày 13/5 nhưng không có triệu chứng bệnh và có thể tự khỏi.

- Theo ông dự đoán, tình hình sắp tới tại thành phố sẽ chuyển biến thế nào?

- Tôi cho rằng với mức độ lây nhiễm này, số ca mắc có thể sẽ còn tăng. Hiện tại, F0 có thể xuất hiện ngoài cộng đồng chưa được phát hiện. Ai cũng có thể trở thành F0. Trong tình hình sắp tới, có thể, chúng ta ghi nhận thêm một số ca dương tính không rõ nguồn lây như vợ chồng thai phụ tại Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Tuy nhiên, chúng ta không nên quá lo lắng. Số ca dương tính tăng nhanh trong nhóm tôn giáo làm cho tình hình dịch thành phố trở nên rất phức tạp, nhưng nó cho thấy lực lượng chống dịch của thành phố đã phản ứng rất quyết liệt.

- Khi cơ quan chức năng tiếp tục có phản ứng quyết liệt, ông đánh giá tình hình căng thẳng này đến bao giờ chấm dứt?

- Tôi cho rằng đợt dịch này sẽ có kéo dài hơn so với những trận bùng phát trước đây. Nếu triển khai đồng bộ các giải pháp, người dân phối hợp tốt với ngành y tế, trong khoảng 2 tuần, chùm ca lây nhiễm có thể được kiểm soát.

Vấn đề khiến chúng ta lo lắng nhất khiến tình hình không đạt được như dự kiến là một số người lọt ra khỏi chuỗi lây nhiễm, tạo thành ổ dịch mới hoặc ca Covid-19 lọt vào bệnh viện. Tôi từng nói nhiều lần, khi Covid-19 bùng phát trong bệnh viện, tình hình sẽ trở nên khó lường và nguy hiểm.

- Liệu có phải dịch Covid-19 đã âm thầm tồn tại trong cộng đồng mà chúng ta không hay biết?

- Trong đợt bùng phát ở nhóm bốc xếp sân bay Tân Sơn nhất, SARS-CoV-2 được ghi nhận là biến chủng A.23.1, được phát hiện lần đầu tiên ở Rwanda, châu Phi.

Trong khi đó, các chuyên gia của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã giải trình tự gene và xác định được 2 biến chủng của Ấn Độ (chùm ca quận 7 - TP Thủ Đức) và biến chủng Anh (chùm ca liên quan bà chủ quán bánh canh).

So sánh 2 biến chủng lưu hành của 2 đợt dịch, rõ ràng, chúng ta khẳng định dịch tồn tại âm thầm trong cộng đồng hoặc TP.HCM chưa giải quyết hết “tàn dư” của ổ dịch trước là chưa đúng.

Để có đầy đủ căn cứ hơn, chúng ta cần Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM công bố kết quả giải trình tự gene để xác định biến chủng nCoV đến từ đâu.

o dich nhom ton giao tai quan go vap anh 4

Khoảng 1.000 người dân khu vực quận Bình Thạnh được lấy mẫu xét nghiệm sau khi quận này có 2 ca dương tính. Ảnh: Hoàng Giám.

- TP.HCM cần làm gì ngay lúc này để ngăn chặn dịch lan rộng?

- Tôi cho rằng dịch ở TP.HCM có thể thêm những ca mới liên quan ổ dịch tại nhóm hoạt động tôn giáo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, không thể dự đoán trước. Do đó, công tác xét nghiệm sàng lọc trong cộng đồng, truy vết và lấy mẫu xét nghiệm người liên quan là điều phải thực hiện ngay.

Theo tôi, biện pháp quan trọng khác hôm qua (27/5), TP.HCM đã thực hiện quyết liệt là giãn cách, phong tỏa hợp lý. Chúng ta chưa áp dụng các chỉ thị về giãn cách của Chính phủ song việc đóng cửa, tạm ngưng hàng loạt hoạt động tập trung đông đúc, khu vực nguy cơ cao cũng là hình thức giãn cách rất tốt.

Bên cạnh đó, về phía cộng đồng, mỗi người dân cần biết tự bảo vệ mình, thực hiện 5K và cảnh giác như người đối diện mình là F0. Các cơ sở y tế cũng đặc biệt cảnh giác. Hầu hết bệnh nhân được phát hiện tại TP.HCM đều đến cơ sở y tế qua xét nghiệm sàng lọc. Do đó, khâu khám sàng lọc, chỉ định người có nguy cơ để lấy mẫu rất quan trọng.

Hiện tại, chúng ta không cần quan tâm đến yếu tố nguy cơ (về vùng dịch, tiếp xúc người nghi ngờ hoặc mắc Covid-19) mà căn cứ vào hành vi nguy cơ, đó là đến khu vực đông người, không đeo khẩu trang đúng, tiếp xúc người có triệu chứng...

Trước đây, chúng ta căn cứ vào yếu tố dịch tễ và có triệu chứng mới làm xét nghiệm Covid-19. Hiện tại, chỉ cần có hành vi nguy cơ và xuất hiện dấu hiệu bất ngờ, người dân cũng cần làm xét nghiệm tầm soát.

TP.HCM phát hiện chùm ca bệnh tại nhóm tôn giáo thế nào?

Sau gần 24 giờ, TP.HCM phát hiện 36 người dương tính với SARS-CoV-2 và truy tìm được ổ dịch mới với mức độ lây nhiễm phức tạp.

Bích Huệ

Bạn có thể quan tâm