Quan niệm phụ nữ phải chu toàn chuyện chăn gối để "giữ lấy chồng" và việc đổ lỗi hoàn toàn cho họ khi đời sống tình dục không suôn sẻ là chưa công bằng, các chuyên gia nhận định.
Vào một chiều cuối tuần, lớp học Men & Sex (Đàn ông & Tình dục) của chuyên gia tâm lý Phan Thị Huyền Trân vẫn rất đông đúc.
Ngồi kín căn phòng chừng 70 mét vuông trong một khách sạn 4 sao tại Hà Nội, các học viên cặm cụi ghi chép. Hơn 20 phụ nữ, tuổi từ 24 đến 45, đã bắt đầu ngày học từ 9h sáng. Sau ca lý thuyết, các học viên sẽ có thêm một ca thực hành tới 9h tối, với thảm yoga và đạo cụ. Vì tính riêng tư, Zing.vn không được phép tiếp cận những buổi thực hành của khoá học.
Bà Trân (thường được gọi là Dr. Pepper) cho biết các khóa học diễn ra ở TP.HCM thường xuyên hơn Hà Nội. Ở lớp, các học viên được truyền đạt những kinh nghiệm về tâm lý đàn ông. Các kỹ năng "tạo bất ngờ cho chồng" cũng được chia sẻ.
Theo thông tin quảng bá khoá học, tất cả kinh nghiệm này nhằm mục đích giúp phụ nữ Việt "hiểu đúng về tình dục, không còn tồn tại suy nghĩ học về để giữ chồng", "chuyện đó là bổn phận của phụ nữ" hay "tình dục là chuyện quá ghê gớm với cô gái đàng hoàng như tôi".
Lớp học của bà Trân khóa nào cũng thu hút 20-30 học viên. Học phí cho mỗi khóa, kéo dài trong 6 ngày, là 20 triệu đồng. Có những học viên như chị Huỳnh Tú Uyên (36 tuổi, ở TP.HCM) từng gửi 5 nhân viên của công ty mình đi học lớp này.
Đây là một trong những khóa học về giới tính chỉ mới manh nha hình thành ở Việt Nam vài năm trở lại đây. Theo các chuyên gia, trong bối cảnh còn quá thiếu chương trình phổ biến kiến thức tình dục cơ bản, sự ra đời của các khóa học như trên cho thấy đã bắt đầu có những thay đổi tích cực đối với vấn đề luôn được coi là "khó nói" này.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội (ISDS) - nhận định với Zing.vn: "Những lớp học như thế này dần dần phá vỡ lớp băng còn đang tồn tại trong xã hội Việt Nam về vấn đề tình dục. Nó có thể thay đổi cách nhìn nhận của xã hội rằng hoàn toàn có thể đi học về tình dục, và kiến thức về tình dục không phải đến tuổi là tự nhiên xuất hiện".
Tuy nhiên, các chuyên gia về nữ quyền nhận định: Thay vì chỉ chú trọng vào "bổn phận" của người phụ nữ trong vấn đề tình dục, cần coi đây là trách nhiệm được san sẻ đồng đều từ hai phía.
Hầu hết học viên lớp học trên đều thuộc thế hệ 8X - thế hệ rất ít khi được cha mẹ, trường lớp hay thậm chí Internet trang bị kiến thức về tình dục.
Năm 2005, thời điểm các học viên nói trên bước vào lứa tuổi kết hôn, Durex công bố kết quả khảo sát về tình dục trên 41 quốc gia. Theo đó, người Việt được học giáo dục giới tính muộn nhất thế giới (năm 16 tuổi) và có "lần đầu" ở tuổi 19,6, chỉ sớm hơn người Ấn Độ.
Ở Việt Nam, tiến sĩ Khuất Thu Hồng cho rằng giáo dục giới tính, chưa nói đến tư vấn tâm lý về tình dục, nhiều năm trời vẫn chưa có tiến triển là do tâm lý còn thiếu cởi mở của xã hội.
Bà nhận định: "Người Việt rất thích nhưng cũng rất sợ tình dục. Các bậc cha mẹ, thầy cô, khi ngồi với nhau cũng nói nhiều chuyện liên quan đến tình dục. Thế nhưng, khi nói với con cái, với học trò, với lớp trẻ, họ lại rất cao đạo".
Vào năm 2009, Việt Nam gây bất ngờ khi dẫn đầu thế giới về số lượt tìm kiếm từ khoá "sex" trên Google. Theo số liệu của Google Trends năm 2018, Việt Nam vẫn nằm ở top 6. Trong bối cảnh đó, việc xuất hiện những lớp học giáo dục giới tính cho người trưởng thành đang mang đến cái nhìn thoáng hơn về tình dục tại Việt Nam.
Chị Amy - một học viên 39 tuổi tại TP.HCM - chia sẻ: "Bản thân mình có hiểu rõ hơn thì mình sẽ mạnh dạn nói chuyện với con về vấn đề tình dục".
Chị cho biết có một con gái đang tuổi dậy thì và sẽ trao đổi thẳng thắn với cô bé về vấn đề này, thậm chí mua sách cho con chứ không nói giảm nói tránh.
Thái độ của chồng và bạn trai một vài học viên tương đối cởi mở, dù có phần e dè.
Chị Huỳnh Tú Uyên cho hay chị được chồng ủng hộ tham gia khóa học. Mặc dù ban đầu tỏ ra nghi ngại và phản đối, gần đây anh thường xuyên chở chị đi học. Chị Dung - học viên 32 tuổi tại Hà Nội - cũng chia sẻ rằng các vấn đề hôn nhân của chị đã giải quyết được "tới 80%".
Khi Zing.vn liên hệ với chồng của các học viên này, các anh đều từ chối bình luận.
Một số nam giới khác, tuổi từ 24 đến 45 được Zing.vn phỏng vấn, cho hay sẽ ủng hộ vợ hoặc bạn gái đi học. Tuy nhiên, điều này có thực sự tốt cho hôn nhân hay không lại là chuyện phải bàn.
"Tình dục gọi là chất lượng, hạnh phúc thì nên đến từ cả hai phía chứ không thể nào chỉ mình cô ấy thay đổi được", anh Vũ Huy Phương, đã có vợ và hai con ở Hà Nội, nói.
Dược sĩ 37 tuổi này cũng chia sẻ anh sẽ cảm thấy "sốc" nếu một ngày vợ mình đột ngột "lột xác" trên giường.
Hoàng Nghĩa Hoàng (24 tuổi, hoạt động trong ngành điện ảnh) cho biết anh cảm thấy hợp lý hơn nếu có một lớp học mà nữ dạy cho nam, và ngược lại.
Theo anh Hoàng Long - một chủ dự án bất động sản tại Hà Nội, hôn nhân thiếu sự trao đổi giữa hai bên sẽ rất dễ dẫn đến đổ vỡ. Nếu nam giới cũng nhàm chán trên giường và không làm mới tình cảm vợ chồng, người phụ nữ hiện đại cũng sẵn sàng ngoại tình. Tuy nhiên, anh cho rằng đàn ông - những "ông chủ của gia đình" - thường có nguy cơ ngoại tình cao hơn.
Nhìn từ công cụ Google Trends, tính từ 2004 tới nay, cụm từ "sexless marriage" (hôn nhân không tình dục) được tìm kiếm nhiều hơn 5 lần cụm từ "loveless marriage" (hôn nhân không tình yêu). Việt Nam nằm trong top 30 nước tìm kiếm cụm từ "sexless marriage" nhiều nhất.
Thế nhưng, dù nói trách nhiệm trong đời sống tình dục và hôn nhân cần được san sẻ, ở Việt Nam mới chỉ có những lớp học dạy "chuyện chăn gối" cho phụ nữ, chứ chưa hề có lớp học tương tự cho đàn ông hay lý tưởng hơn, là lớp học cho các cặp đôi.
Khi được hỏi lí do tham dự các khoá học của bà Trân, chị Dung, một doanh nhân 32 tuổi tại Hà Nội, cho biết: “Các anh không muốn ngoại tình, nhưng người phụ nữ quá nhàm chán thì buộc họ sẽ phải đi tìm những cái mới”. Chị Dung còn tham gia tất cả khoá còn lại như "Gái hư", "Nghệ thuật quyến rũ", "Phụ nữ thông minh".
Còn chị Amy (học viên 39 tuổi tại Sài Gòn) cảm thấy tiếc nuối vì không được biết đến lớp học trước khi hôn nhân của chị đổ vỡ.
Theo tiến sĩ Khuất Thu Hồng, việc đặt trách nhiệm hoàn toàn lên vai phụ nữ khi đời sống tình dục không suôn sẻ là chưa công bằng. Quan niệm phụ nữ phải "giữ lấy chồng" vốn đã khắc sâu vào văn hoá người Việt và vẫn còn phổ biến trong xã hội, là biểu hiện của bất bình đẳng giới.
Bà Hồng phân tích: "Người phụ nữ Việt Nam được đánh giá bằng những phẩm chất như dịu dàng, chịu đựng, hy sinh, nhường nhịn. Tất cả phẩm chất đó để làm gì? Để làm sao cho phụ nữ có một tấm chồng. Phụ nữ mà không có chồng thì dù thành đạt đến mấy vẫn không được đánh giá cao, vẫn bị coi là người thất bại. Cho nên dù người chồng của mình có là người không đứng đắn, không chung thuỷ, hay lừa dối, người phụ nữ cũng cố chấp nhận, cố mà 'giữ' lấy".
Phổ biến hơn nữa là quan niệm đàn ông có nhu cầu sinh lý mạnh hơn phụ nữ và "rất khó kiềm chế ham muốn tình dục của mình", nếu không được vợ đáp ứng đầy đủ, sẽ "ảnh hưởng đến sức khoẻ".
"Ở Việt Nam, rất lạ là người ta hay đổ lỗi cho phụ nữ nếu người chồng lừa dối, cho rằng vì phụ nữ không có kỹ năng giường chiếu nên đàn ông mới phải ngoại tình. Nhưng thực ra đa phần những phụ nữ có kỹ năng tình dục lại không được hoan nghênh. Người phụ nữ tỏ ra có kinh nghiệm thì sẽ không phải là người phụ nữ còn trong trắng, đức hạnh, và đấy lại là điều mà người đàn ông Việt Nam sợ nhất", bà Hồng kết luận.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù bị đổ lỗi trăm đường, sẽ ngày càng có nhiều phụ nữ hiện đại không chấp nhận mô hình "gái ngoan" rụt rè, thụ động. Họ sẽ chủ động và tự dẫn dắt chính cuộc đời mình mà không phải lệ thuộc vào ai khác.
Điều đó có thể diễn ra ở tương lai. Còn trong hiện tại, ngoài những học viên như chị Dung, chị Uyên, nhiều người khác vẫn phải đi học với tâm lý "giấu giếm" mà mục đích cuối cùng vẫn là đảm bảo hạnh phúc của chồng để giữ mái ấm gia đình.
Ngay cả một học viên có tư tưởng cởi mở như chị Huỳnh Tú Uyên - bà chủ một công ty hơn 100 nhân viên ở TP.HCM - cũng đúc kết rằng phụ nữ chịu phần nhiều trách nhiệm trong cuộc sống hôn nhân.
Chị chia sẻ: "Ông bà ta có nói 'Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm'. Trách nhiệm trong hôn nhân là do cả hai nhưng nếu 'tổ ấm' thành 'tổ lạnh' thì người phụ nữ cũng có lỗi nhiều lắm".