Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dịch Covid-19

Omicron xâm nhập, Việt Nam cần sớm cấp phép thuốc Molnupiravir

Theo các chuyên gia, vai trò của điều trị rất quan trọng khi vaccine không thể bảo vệ được tất cả người dân trong bối cảnh có biến chủng mới xâm nhập.

Đến nay, Việt Nam đã xuất hiện 20 ca nhiễm biến thể Omicron. Đây đều là những hành khách nhập cảnh vào Việt Nam và được cách ly ngay sau khi xuống sân bay.

Để tiếp tục triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, không để dịch lây lan ra cộng đồng, Bộ Y tế đã đề nghị các đơn vị có liên quan triển khai ngay mở rộng điều tra dịch tễ, truy vết thần tốc, đảm bảo không để lọt các trường hợp tiếp xúc gần.


Một đợt dịch mới có thể sẽ xảy ra

TS Bùi Lê Minh, trưởng ngành Công nghệ Sinh học, Viện Kỹ thuật Công nghệ cao, Đại học Nguyễn Tất Thành, TP.HCM, cho rằng các trường hợp nhiễm biến thể Omicron được xác định ở Việt Nam không có nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng vì đã cách ly ngay từ thời điểm nhập cảnh. Tuy nhiên, nguy cơ xuất hiện nhiều ca bệnh mang biến thể này trong thời gian tới chắc chắn sẽ xảy ra.

"Chúng ta sẽ không thể kiểm soát thông qua việc sàng lọc trình tự virus từ bệnh phẩm tất cả khách nhập cảnh Việt Nam. Theo tôi, các nỗ lực ngăn chặn sẽ hạn chế được nguy cơ Omicron xâm nhập vào Việt Nam chỉ sau một thời gian nhất định".

Cùng quan điểm, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, việc ngăn chặn tuyệt đối biến chủng mới xâm nhập là không thể.

"Nếu có sự chuẩn bị tốt và tự tin ứng phó đúng cách thì dù đợt dịch mới bùng phát cũng không quá nguy hiểm, thậm chí, thời gian trở về bình thường cũng có thể nhanh hơn. Vấn đề của chúng ta là làm cho sự xâm nhập này chậm hơn. Các địa phương cũng cần xây dựng phương tiện chẩn đoán Omicron để phát hiện sớm biến chủng", ông nói.

cap phep thuoc Molnupiravir anh 1

Nhiều người đổ về phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM) để thưởng thức âm nhạc và chào đón những giây phút đầu tiên của năm mới 2022. Ảnh: Duy Hiệu.

Theo TS Lê Minh, nếu Omicron xâm nhập, hệ thống y tế có thể bị quá tải bởi số ca bệnh cần hỗ trợ y tế tăng nhanh, sẽ gián tiếp dẫn tới tăng tỷ lệ tử vong. Tin tốt là tỷ lệ tiêm chủng của Việt Nam ở mức cao. Đây là hàng rào bảo vệ rất hữu hiệu để giảm nguy cơ lây nhiễm, bệnh nặng và tử vong, không những với biến chủng Delta mà cả Omicron.

"Tuy nhiên, luôn có một nhóm các trường hợp không thể hình thành đáp ứng miễn dịch tốt ngay cả khi tiêm vaccine đầy đủ như có vấn đề suy giảm hệ miễn dịch, những người không thể tiêm chủng do chống chỉ định hay trì hoãn tiêm vaccine. Những người này sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn khi gặp một chủng có tốc độ lây nhiễm cao trong cộng đồng và có thể có diễn biến xấu nhanh khi mắc bệnh", TS Lê Minh nói.

Cũng theo vị chuyên gia này, hiện nay, không có bằng chứng nào cho thấy Omicron có khả năng gây tử vong cao hơn Delta cũng như các biến thể trước đó. Nếu không có Omicron, tình hình dịch ở Việt Nam đã đến giai đoạn ổn định và có phần suy yếu. Theo ông, với nguy cơ xâm nhập của Omicron, một đợt dịch mới rất có thể sẽ lại xảy ra và trọng tâm của công tác phòng dịch cũng nên sẵn sàng cho thay đổi.

Điều trị tốt để giảm ca tử vong

TS Lê Minh cho biết vaccine chỉ đảm bảo giảm nguy cơ lây nhiễm và tử vong cho phần lớn người được tiêm trong cộng đồng nhưng không phải là tất cả. Những người thuộc nhóm nguy cơ bệnh nặng còn lại do không thể tiêm vaccine, không có đáp ứng tốt hoặc tác dụng bảo vệ đã giảm theo thời gian.

"Mặc dù số ca tử vong hàng ngày ở Việt Nam đã thấp hơn rất nhiều giai đoạn đỉnh dịch tháng 8/2021 khi chưa kịp tiêm vaccine, nhưng con số này vẫn có thể thấp hơn nữa nếu quá trình điều trị được tiến hành kịp thời và hiệu quả hơn.

Trong tình huống xấu là Omicron xâm nhập làm số ca bệnh tăng nhanh, tôi cho rằng vai trò của điều trị sẽ còn quan trọng hơn nữa vì những giới hạn mà vaccine không thể che phủ được hết này", TS Minh cho hay.

cap phep thuoc Molnupiravir anh 2

Bệnh nhân Covid-19 được điều trị tại Hà Nội. Ảnh: Việt Linh.

Nên cấp phép thuốc Molnupiravir

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho rằng Bộ Y tế và các địa phương cần chuẩn bị đầy đủ thuốc, đặc biệt là thuốc kháng virus điều trị Covid-19. Thuốc kháng virus Molnupiravir có lợi cho người bệnh nhẹ, đã được châu Âu và Anh cấp phép sử dụng. Tác dụng của thuốc làm giảm mức độ nặng của bệnh, nồng độ virus giảm xuống, vì vậy đồng thời làm giảm lây truyền bệnh.

"Hiện nay, chúng ta đã có cơ sở sản xuất thuốc trong nước sẵn sàng cung ứng. Việc cấp phép thuốc này chỉ là vấn đề thủ tục. Trì hoãn thủ tục cấp phép thuốc sẽ làm gia tăng nguy cơ sử dụng thuốc không có kiểm soát, nạn thuốc lậu, thuốc giả tràn lan", BS Thái nói.

Ủng hộ việc sớm cấp phép thuốc kháng virus Molnupiravir, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho hay tác dụng giảm lây nhiễm, giảm nguy cơ bệnh chuyển nặng của thuốc đã được chứng minh qua các báo cáo quốc tế và thực tiễn tại TP.HCM.

"Vấn đề tác dụng phụ với sức khỏe không đáng lo ngại vì liệu trình uống chỉ 5 ngày chứ không kéo dài như thuốc kháng virus của HIV”, bác sĩ Khanh nói.

Đồng quan điểm, TS Lê Minh cũng cho rằng Việt Nam nên cấp phép sớm cho loại thuốc này. Tuy nhiên, ông cho hay cũng cần để ý đến những quan điểm trái chiều về việc dùng Molnupiravir, đặc biệt là hiệu quả lâm sàng thấp hơn những báo cáo giai đoạn đầu và có nguy cơ gây đột biến hay gây ung thư vẫn còn chưa được đánh giá kỹ lưỡng. Vì vậy, ngoài công dụng của thuốc, các yếu tố này nên được công bố rộng rãi để người bệnh nắm được.

"Việc chỉ tập trung vào mặt tích cực của thuốc mà không nhắc tới các nguy cơ tác dụng phụ có thể góp phần làm các đối tượng xấu thổi phồng tác dụng thuốc và 'làm giá' trên thị trường chợ đen hay dẫn tới tiêu cực trong việc phân phát thuốc cho người bệnh", TS Minh nhấn mạnh.

Theo các chuyên gia, thuốc nào cũng có lợi ích và nguy cơ. Nếu sử dụng đúng liều lượng, đúng thời điểm, chúng sẽ có hiệu quả cao và ngược lại. Người bệnh chỉ dùng thuốc theo đơn kê của bác sĩ. Việc này sẽ tránh được tình trạng lạm dụng thuốc.

F0 nào ở TP.HCM được uống ngay Molnupiravir dù không có triệu chứng?

Tôi 65 tuổi, có bệnh nền cao huyết áp. Nếu mắc Covid-19, tôi có được ưu tiên dùng thuốc Molnupiravir không?

Dịch Covid-19

Phương Anh

Bạn có thể quan tâm