Học sinh cần xây dựng phương pháp ôn thi khoa học, phù hợp. Ảnh: Pexels. |
Khi ôn thi, nhiều học sinh có thói quen ôn tập máy móc, thiếu khoa học nên ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả ôn tập, đồng thời gây mất thời gian và ảnh hưởng tinh thần, tâm trạng. Thay vì chỉ học như một cái máy, học sinh nên sử dụng những chiến thuật ôn thi phù hợp, thông minh hơn.
Đừng chỉ đọc nội dung trong sách vở
Khi còn là học sinh, nhà tâm lý học Cynthia Nebel tại Đại học Vanderbilt (Mỹ) học bài bằng cách đọc lại nội dung sách giáo khoa và sổ ghi chép. Sau này, bà mới nhận ra đó là một trong những kỹ năng học tập kém nhất mà nhiều học sinh đang gặp phải.
Trong nghiên cứu năm 2009 được công bố trên ScienceDirect, hai nhà nghiên cứu Aimee Callender và Mark McDaniel tại Đại học Washington (Mỹ) đã cho một nhóm sinh viên đọc 2 lần một văn bản, trong khi nhóm sinh viên khác chỉ được đọc một lần.
Sau khi đọc, hai nhóm sinh viên được cho làm bài kiểm tra. Kết quả cho thấy điểm số hai nhóm đạt được không khác nhau quá nhiều.
Học sinh nên tự đặt câu hỏi và tự trả lời các nội dung ôn tập để nhớ kiến thức lâu hơn. Ảnh: Pexels. |
Đến năm 2010, nhà nghiên cứu Henry Roediger cùng hai cộng sự tại Đại học Washington cũng thực hiện thử nghiệm tương tự. Cụ thể, ông cho một nhóm sinh viên đọc tài liệu, nhóm hai viết câu hỏi về tài liệu và nhóm ba trả lời câu hỏi đó.
Sau đó, cả 3 nhóm làm chung một bài kiểm tra. Kết quả, nhóm sinh viên trả lời câu hỏi về tài liệu đạt kết quả tốt nhất, nhóm sinh viên chỉ đọc tài liệu nhận kết quả kém nhất.
Ông McDaniel, đồng tác giả cuốn sách Make It Stick: The Science of Successful Learning, cho biết thông thường, học sinh đọc tài liệu rất hời hợt. Việc học sinh đọc lại một văn bản cũng giống như đang xem đáp án của đề thi thay vì tự mình giải đề. Do đó, việc chỉ đọc nội dung trong sách vở sẽ không mang lại nhiều hiệu quả.
Sử dụng hình ảnh
Nhà tâm lý học Cynthia Nebel khuyên học sinh nên chú ý đến các sơ đồ, hình ảnh trong tài liệu học tập vì những hình ảnh đó giúp tăng khả năng ghi nhớ nội dung ôn tập. Nếu không có hình ảnh, học sinh nên tự tạo ra chúng.
Ngay cả những hình ảnh ngây ngô cũng có thể giúp ích cho việc học. Nhà tâm lý học Nikol Rummel tại Đại học Ruhr Bochum (Đức) cho biết trong một nghiên cứu năm 2003, bà đã cho vẽ tài liệu về 5 nhà khoa học để sinh viên học. Tài liệu bao gồm bức vẽ của nhân vật và các thông tin liên quan.
Kết quả, sinh viên học tài liệu có hình ảnh làm bài kiểm tra tốt hơn so với những sinh viên chỉ học tài liệu có văn bản.
Tìm ví dụ cụ thể
Theo bà Cynthia Nebel, các khái niệm trừu tượng có thể gây khó hiểu nên việc tìm ví dụ cụ thể có thể giúp học sinh xây dựng hình ảnh về nội dung đó và thấy dễ hiểu hơn.
Chúng ta có thể lấy ví dụ với nội dung "thực phẩm chua có vị như vậy vì chúng chứa axit". Nếu chỉ đọc nội dung như vậy, chúng ta có thể rất khó nhớ và nhanh quên. Nhưng nếu bạn nghĩ về chanh hoặc giấm, bạn sẽ dễ nhớ hơn.
Bà Nebel nêu thêm rằng khi học một nội dung bất kỳ, bạn nên liệt kê ít nhất 2 ví dụ nếu muốn áp dụng thông tin đó vào các tình huống mới. Một nghiên cứu của bà được thực hiện năm 2019 đã chứng minh điều này. Học sinh có thể cải thiện kỹ năng học tập nếu biết cách tìm những ví dụ cụ thể cho nội dung học tập của mình.
Bạn đang cảm thấy mình đã quá tuổi để học?
Được học - câu chuyện về cô gái 17 mới được đến trường lần đầu và đã trở thành tiến sĩ ngành Sử học về sau - hơn cả một câu chuyện truyền cảm hứng về học tập. Đó là hành trình đi tìm bản ngã của Tara Westover, khi cô đánh mất gia đình mình với những lời cáo buộc nghiệt ngã. Đó là sự trưởng thành về nhận thức trước một thế giới rộng lớn hơn gấp nhiều lần những gì cô được nhồi nhét trước kia. Đó là một hành trình giáo dục mà không phải ai cũng sẽ dễ dàng hoàn thành được. Độc giả có thể tìm hiểu thêm về Được học tại đây.