Hàng nghìn bát phở được bán ra mỗi ngày tại một quán phở tồn tại hơn 40 năm ở đất Hà thành với giá 60.000 đồng. Món ăn lâu đời đến nay vẫn thu hút đông đảo các thực khách.
Phở là một trong những món ăn sáng không thể thiếu của người Hà Nội với hàng trăm quán phở ở mọi ngõ ngách, con hẻm khắp thành phố. Tuy nhiên, để tạo được ấn tượng sâu đậm trong mỗi thực khách, khiến ai ăn rồi vẫn nhớ mãi không thôi, mỗi hội hè, tụ tập lại thèm chút hương vị phảng phất của miếng thăn bò với nước dùng trong lạt mà vẫn trọn vị, không phải quán nào cũng làm được.
Phở Thìn (13 Lò Đúc) là một trong những quán phở như thế với hơn 40 năm tồn tại giữa mảnh đất Hà thành.
Phóng viên Zing.vn có mặt từ 5h sáng, quán phở Thìn (13 Lò Đúc, Hà Nội) đã nhộn nhịp khách ra vào để thưởng thức bữa sáng.
Những thành phần không thể thiếu trong một bát phở là thịt bò, bánh phở, nước dùng kèm hành lá, tương ớt.
Một tô phở có giá 60.000 đồng, thêm trứng chần là 10.000 đồng.
"Tôi cũng chẳng đếm được một ngày bán ra được bao nhiêu bát, khách cứ ra vào liên tục thôi", chủ quán cho biết.
"Phở ở đây có vị khác so với các nơi là thịt bò được xào trước khi cho vào bát nên có độ mềm, vừa ăn. Nước dùng ngọt, thanh. Nhưng giá hơi cao để ai cũng có thể thưởng thức hàng ngày", ông Hoàng Nghĩa (Bà Triệu, Hà Nội) cho biết.
Không gian quán không quá rộng, lúc nào cũng tấp nập khách nhưng khách không phải đợi lâu hay xếp hàng để ăn phở.
Quán hiện có hơn 20 người phục vụ. Mỗi người một công việc, người chần phở, người thái hành, người xào thịt bò... để bát phở đến được tay khách hàng nhanh nhất. Bát phở nhiều hành, nước dùng thanh thanh nhưng vẫn đủ vị, ngọt thịt là điều vương vấn bất cứ ai từng ăn ở đây.
Nhiều người khác mua về nhà để thưởng thức.
Vừa trở về từ Nhật Bản sau 10 ngày dốc sức mở cửa hàng phở tại Tokyo, ông Nguyễn Trọng Thìn (70 tuổi) vẫn đến sớm để chăm chút cửa hàng. "Chính sự chân thành, tự nhiên của Kenji Sumi (một người Nhật đã "yêu" phở Thìn từ lần đầu tiên thưởng thức) đã khiến tôi quyết tâm mở quán phở ở bên đó", ông Thìn chia sẻ.
"Tất cả nguyên liệu đều có thể mua ở bên Nhật nhưng duy chỉ có bánh phở thì tôi phải dùng phở khô. Để làm được bánh phở ở Nhật không phải đơn giản bởi gạo dùng phải ở vùng đồng bằng sông Hồng, được xay bằng đá Thủy Nguyên (Hải Phòng) mà những thức này không dễ dàng gì có thể mang sang đó được", ông Thìn bộc bạch.
"Cũng giống hoa anh đào, nó chỉ đẹp nhất khi được lớn lên ở đất nước Mặt Trời mọc, đưa sang nước khác trồng nó không còn màu sắc, hương thơm giống như trước nữa. Phở cũng vậy. Để quảng bá ẩm thực Việt ra thế giới, khó khăn đến đâu tôi cũng cố làm. Cho đi là còn mãi. Những gì tốt đẹp nhất tôi muốn giành tặng đến mọi người, để lan tỏa hương vị Việt Nam đi xa hơn", chủ quán phở nổi tiếng Hà thành tâm sự.
Bên cạnh các món ăn phương Tây, khu nhà ăn phục vụ phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí quốc tế gồm nhiều món ăn truyền thống như phở, chả giò và bánh khúc.