Cuối phiên xử sáng 17/12, cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son được HĐXX xét hỏi về những sai phạm trong thương vụ MobiFone mua 95% cổ phần AVG. Ông Son bác lời khai của nhiều bị cáo khác về việc phân công cán bộ tham gia dự án, việc được Phạm Nhật Vũ hối lộ 3 triệu USD cũng như tặng quà dịp Tết 2016.
Ông Nguyễn Bắc Son: "Tôi không chỉ đạo anh Trà"
Ông Nguyễn Bắc Son khai đã phân công ông Trương Minh Tuấn (lúc đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông), Phạm Đình Trọng (lúc đó là Vụ trưởng Vụ quản lý doanh nghiệp - Bộ Thông tin và Truyền thông) tham gia dự án dù không có quyết định cụ thể. Khi xúc tiến thương vụ, ông Son là người giới thiệu MobiFone mua AVG, rồi đồng ý đề xuất đưa việc mua bán vào diện mật và dặn thông tin rộng rãi, tránh dư luận hiểu lầm.
Cựu bộ trưởng cũng thừa nhận đã chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án. Và sau này nhận thức ra rằng việc ký này vi phạm Luật Đầu tư công.
Về giá mua gần 8.900 tỷ đồng, ông Son nói lúc đó không nghĩ là cao hay thấp vì tất cả lãnh đạo MobiFone đã đồng ý với con số này.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Bắc Son bác lời khai về việc ông chỉ đạo Lê Nam Trà thay mặt MobiFone gấp rút ký hợp đồng với AVG hôm 25/12. “Tôi không chỉ đạo anh Trà. Hôm họp tổng kết, anh Trà nói đang hoàn tất hồ sơ, phân công anh Hải ký. Tôi nói đó là việc nội bộ của MobiFone, không chỉ đạo ai ký hay ký vào thời điểm nào”.
Về việc chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án trái quy định, ông Son nói các bị cáo nghĩ công văn của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng có nội dung chấp thuận cho triển khai dự án. Bị cáo sau đó giao cơ quan tham mưu thực hiện theo tinh thần của cấp trên.
Thẩm phán Trương Việt Toàn cắt lời và nói rằng "vai trò của bị cáo là bộ trưởng không thể nhầm lẫn những cái mang tính tối thiểu, không thể coi thông báo là quyết định”.
Bên trong phiên tòa. Ảnh: N.H. |
Trích xuất Phạm Nhật Vũ đến tòa chiều nay
Cũng tại phiên tòa sáng nay, ông Son khẳng định sau khi thương vụ hoàn tất, bị cáo không nhận 3 triệu USD từ Phạm Nhật Vũ như cáo trạng đề cập.
Cựu bộ trưởng nói khi làm việc với cơ quan điều tra, do sức khỏe hoảng loạn nên ông khai đã nhận tiền.
"Sao không nghĩ ra số tiền 10 triệu hay là 1 triệu mà lại là 3 triệu USD". Trả lời chủ tọa, ông Son nói khi đó sức khỏe ông rất yếu, 2 lần ngất trên bàn làm việc của cơ quan điều tra.
HĐXX cắt lời bị cáo và cung cấp bản tự khai, đơn xin khắc phục hậu quả cũng như bản vẽ sơ đồ nơi để tiền, valy chứa tiền. Mọi thứ đều thể hiện ông Nguyễn Bắc Son đủ điều kiện sức khỏe khi làm việc này.
Tuy nhiên, cựu bộ trưởng nói rằng cơ quan điều tra hướng dẫn như vậy nên ông làm theo. Chủ tọa nhắc đến lá thư ông Son viết gửi cho vợ và con gái.
Sau khi trả lời vòng vo, ông Nguyễn Bắc Son thừa nhận viết thư này và từng xin khắc phục hậu quả bằng số tiền 500 triệu đồng trong tài khoản ngân hàng.
Lý do vì sao bị cáo lại thay đổi lời khai? Ông Son nói thời điểm đó ông phải làm việc rất nhiều. Trong bối cảnh sức khỏe yếu, “để giữ lại mạng sống” ông đã khai như vậy.
Theo cựu bộ trưởng, ban đầu ông không nói đến con số 3 triệu USD. Khi cơ quan điều tra nói cấp dưới của ông nhận rất nhiều tiền từ Phạm Nhật Vũ, bị cáo khai đã nhận tiền Việt Nam đồng nhưng với số lượng ít hơn. Sau đó, ông Nguyễn Bắc Son nâng số lượng trước khi chuyển sang USD.
Một người có vấn đề sức khỏe, tinh thần có thể viết đơn xin khắc phục, vẽ sơ đồ vị trí và khai chi tiết mục đích sử dụng không? Ông Son vẫn khẳng định lúc ghi lời khai, sức khỏe, thần kinh bị cáo không tốt và đề nghị tòa kiểm tra sổ sức khỏe giai đoạn đó.
Khi ông Son phủ nhận việc được lãnh đạo MobiFone đưa tiền, HĐXX đề nghị thư ký trích lời khai của Phạm Nhật Vũ, Lê Nam Trà và Cao Duy Hải. Tòa sơ thẩm cũng công bố lá thư bị cáo gửi cho vợ có đoạn: “Anh đã khai báo với cơ quan điều tra, sau khi thương vụ hoàn tất, Nhật Vũ mang đến cho anh 3 triệu USD”. Lúc này, ông Nguyễn Bắc Son đứng im lặng trên bục khai báo.
Do cựu bộ trưởng không trả lời, HĐXX tuyên bố việc xét hỏi kết thúc. Chiều nay, tòa sẽ trích xuất Phạm Nhật Vũ đến tòa.
Bị cáo Nguyễn Bắc Son khai tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN. |
Biết sai nhưng vẫn ký
Trước đó, HĐXX xét hỏi Phạm Thị Phương Anh (44 tuổi, cựu Phó tổng giám đốc MobiFone) và một số thành viên HĐTV MobiFone trong vụ án AVG bán 95% cổ phần.
Nữ bị cáo khai trong quá trình thực hiện dự án MobiFone mua cổ phần AVG, bà tham gia với tư cách Tổ trưởng tổ giúp việc triển khai các thủ tục mua bán doanh nghiệp. Ngoài ra, bị cáo còn là Tổ trưởng tổ đàm phán các thủ tục, điều khoản hợp đồng liên quan thương vụ.
Suốt thời gian đó, bà Phương Anh đã ký tổng số 7 báo cáo, văn bản có nội dung chủ yếu nêu ý kiến về tình hình tài chính của AVG theo đánh giá của đơn vị tư vấn để gửi Tổng giám đốc MobiFone.
Bị cáo nhận thức thế nào về khả năng tài chính của AVG? Trả lời thẩm phán, nữ Phó tổng giám đốc tự nhận là người duy nhất trong MobiFone có ý kiến trực tiếp bằng văn bản về những băn khoăn, bất cập tình hình tài chính của AVG.
"Đó là băn khoăn, bất cập gì?", thẩm phán hỏi. Bị cáo trình bày thông qua báo cáo, tài chính của AVG đang gặp một số vấn đề như lỗ lũy kế, giá trị mảng truyền hình chỉ còn khoảng hơn 600 tỷ đồng.
Nữ bị cáo cũng nói rất rõ AVG đang kinh doanh thua lỗ.
"So sánh giá trị thẩm định của Công ty AMAX với giá trên sổ sách của AVG, tôi thấy như vậy là cao", nữ bị cáo khai và giãi bày thực tế lúc đó, nhận thức của bản thân chỉ dừng lại ở mức độ đó.
Vì sao bị cáo biết sai mà vẫn ký các văn bản với tư cách Phó tổng giám đốc? Nghe chủ tọa liên tiếp đặt câu hỏi, nữ bị cáo suy nghĩ trong chốc lát rồi nói trong quá trình thực hiện dự án đã có một số thay đổi. Bản thân bà chỉ thực hiện theo phê duyệt của HĐTV MobiFone.
Cảnh sát dẫn giải ông Lê Nam Trà đến tòa sáng 17/12. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tiếp tục xét hỏi cựu nữ phó tổng, chủ tọa truy lý do, mục đích vì sao MobiFone đề xuất tỷ lệ mua cổ phần AVG lên đến 95%? Giải thích việc này, Phạm Thị Phương Anh khai trên thực tế, bị cáo chỉ là người thực hiện nhiệm vụ thông qua sự bàn bạc, lãnh đạo của tập thể.
Với cá nhân mình, bà Phương Anh làm theo chỉ đạo của Tổng giám đốc và HĐTV MobiFone. Việc đánh giá dự án có khả thi hay không không thuộc thẩm quyền nhưng nữ phó tổng nói bà cũng không phản đối dự án.
Khi chủ tọa hỏi về trách nhiệm trong vụ án, Phạm Thị Phương Anh trần tình sau khi làm việc với cơ quan điều tra, bị cáo đã nhìn nhận và thấy rõ được sai phạm của cá nhân trong sai phạm chung của tập thể và Ban lãnh đạo MobiFone.
"Quá trình thực hiện dự án, nhận thức và góc độ nhìn nhận của bị cáo hạn chế nên không thấy mình sai. Tôi xin nhận trách nhiệm", Phó tổng giám đốc MobiFone phân bua.
Theo cáo trạng, VKS cáo buộc Phạm Thị Phương Anh biết rõ tài chính của AVG yếu kém, thua lỗ kéo dài nhưng nữ bị cáo cùng Ban tổng giám đốc vẫn ký quyển dự án để HĐTV MobiFone trình Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, phê duyệt.
Sau khi có quyết định phê duyệt dự án, Phương Anh đã bố trí vốn để thanh toán cho cổ đông chuyển nhượng của AVG không như phương án ban đầu. Nữ bị cáo còn ký khống biên bản họp Ban tổng giám đốc.
Ký để hưởng % giá trị hợp đồng
Sáng nay, sau một thời gian bị cách ly, ông Nguyễn Bắc Son được đưa trở lại phòng xử khi tòa xét hỏi bị cáo Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc MobiFone.
Với vai trò Tổ trưởng tổ đánh giá kinh doanh, Tổ phó tổ đàm phán thương vụ AVG, ông Hùng ký báo cáo đánh giá tình hình kinh doanh truyền hình kỹ thuật số và quảng cáo truyền hình đều có tiềm năng. Một trong các văn bản này là cơ sở để Tổng giám đốc MobiFone ký báo cáo gửi Hội đồng thành viên về việc thực hiện dự án.
Đội ngũ luật sư bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa. Ảnh: TTXVN. |
Bị cáo khai bản thân chưa có nhiều kinh nghiệm về kinh doanh truyền hình nên đề xuất tổng công ty thuê đơn vị tư vấn nhưng không được cấp trên chấp thuận. Ông Hùng thừa nhận có sai phạm khi tham gia cuộc họp thống nhất giá mua là gần 8.900 tỷ đồng và ký khống vào biên bản họp lãnh đạo chủ chốt trước khi Chủ tịch Lê Nam Trà ký hợp đồng với AVG.
Hai Phó tổng giám đốc khác là Nguyễn Bảo Long và Nguyễn Đăng Nguyên cũng thừa nhận có sai phạm khi biết rõ tình hình tài chính yếu kém của AVG nhưng vẫn ký quyển dự án để Hội đồng thành viên trình Bộ Thông tin và Truyền thông phê duyệt dự án.
Bị cáo Hoàng Duy Quang (thẩm định viên phụ trách chi nhánh phía bắc của AMAX) khi bị xét hỏi đã xác nhận ký chứng thư và báo cáo thẩm định giá xác định giá trị AVG là hơn 16.500 tỷ đồng. Con số này được đưa ra dựa trên phương pháp thẩm định tài sản và chiết khấu dòng tiền.
Thừa nhận con số 16.500 tỷ cao hơn giá trị thực tế của AVG, Quang nói bản thân không biết định giá doanh nghiệp. Bị cáo không trực tiếp làm báo cáo thẩm định giá trị AVG. Việc này được Công ty AMAX cử người ra xử lý hồ sơ.
"Thực tế bị cáo không làm nhưng vẫn ký để hưởng 15% giá trị hợp đồng”, Hoàng Duy Quang khai.
Khi chủ tọa truy vấn về căn cứ đưa ra con số 16.500 tỷ, Quang một lần nữa trình bày rằng anh ta ký chứng thư, báo cáo thẩm định giá mà không xem hồ sơ.
Theo cáo buộc, khi MobiFone ra chiến lược tham gia lĩnh vực truyền hình, ông Nguyễn Bắc Son đã giới thiệu, định hướng đơn vị này mua cổ phần AVG. Dự án hơn 8.000 tỷ sẽ do Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, khi dự án chưa được thẩm định, chưa có quyết định chấp thuận từ lãnh đạo chính phủ, ông Son đã chỉ đạo ông Trương Minh Tuấn ký quyết định phê duyệt dự án.
Sau 5 lần đàm phán, tháng 10/2015, AVG và MobiFone đã thống nhất việc mua bán 95% cổ phần, tương đương gần 8.900 tỷ đồng.
Đầu năm 2016, MobiFone đã thanh toán 95% giá trị hợp đồng tương đương gần 8.500 tỷ đồng cho 8 cổ đông của AVG. Riêng ông Vũ được hưởng trên 5.850 tỷ.
Cơ quan chức năng xác định hành vi vi phạm của các bị can gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, làm thiệt hại tài sản của Nhà nước hơn 6.590 tỷ đồng.