Chiều 13/7, TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với kháng cáo của cựu Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung và 2 bị cáo khác trong vụ sai phạm về đấu thầu liên quan Công ty Nhật Cường, Sở KH&ĐT Hà Nội và một số đơn vị. HĐXX tuyên phạt ông Nguyễn Đức Chung 2 năm tù (giảm 1 năm tù so với án sơ thẩm) về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cộng với tổng mức án 10 năm tù của 2 bản án trước đó, tòa buộc ông Chung chấp hành 12 năm tù sau 3 vụ án.
Bà Phạm Thị Kim Tuyến (cựu Trưởng phòng thuộc Sở KH&ĐT Hà Nội) được giảm từ 4 năm 6 tháng tù còn 3 năm tù. Bà Phạm Thị Thu Hường (cựu Chánh văn phòng Sở KH&ĐT Hà Nội)) được giảm từ 3 năm 6 tháng tù còn 2 năm 8 tháng tù, cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Về dân sự, cấp phúc thẩm buộc bị cáo Tuyến khắc phục 3,5 tỷ đồng. Còn bị cáo Hường khắc phục hơn 3 tỷ đồng như bản án sơ thẩm đã tuyên. Tòa phúc thẩm ghi nhận 2 bị cáo đã hoàn thành nghĩa vụ dân sự này.
Vì sao ông Chung được giảm án?
Tòa phúc thẩm kết luận từ năm 2016 đến cuối năm 2018, Sở KH&ĐT Hà Nội được giao chủ đầu tư thực hiện 2 gói thầu số hóa hồ sơ đăng ký kinh doanh các năm 2016, 2017, tương ứng với 2 hợp đồng kinh tế được ký kết với liên danh Nhật Cường - Đông Kinh.
Quá trình tổ chức thực hiện 2 gói thầu trên, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Hữu Tứ cùng thuộc cấp đã can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu sau khi có ý kiến chỉ đạo của ông Chung. Các bị cáo đã cho dừng gói thầu, lập hồ sơ mời thầu trái pháp luật. Từ đó tạo điều kiện cho liên danh Nhật Cường - Đông Kinh trúng thầu.
“Hành vi vi phạm quy định về đấu thầu của các bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 26 tỷ đồng. Thiệt hại này đã được cơ quan giám định tính toán khách quan, chính xác”, bản án nêu.
Theo tòa phúc thẩm, cấp sơ thẩm đã buộc các bị cáo phải bồi thường dân sự theo đúng vị trí, vai trò của từng người với các mức bồi thường phù hợp.
3 trong số 14 bị cáo của vụ án có đơn kháng cáo. Ảnh: N.H. |
Đối với kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bà Tuyến và bà Hường, HĐXX thấy tòa sơ thẩm đã đánh giá đúng vai trò của từng bị cáo. Tại phiên phúc thẩm, HĐXX xác định 2 bị cáo làm theo chỉ đạo của cấp trên. Họ đều khai báo thành khẩn và đã khắc phục toàn bộ thiệt hại nên tòa có cơ sở chấp nhận kháng cáo.
Với kháng án của ông Nguyễn Đức Chung, HĐXX xác định dù gói thầu số hóa năm 2016 do Sở KH&ĐT làm chủ đầu tư, người có thẩm quyền đối với gói thầu là giám đốc sở. Tuy nhiên, ông Chung đã chỉ đạo dừng thực hiện gói thầu này trái quy định của pháp luật.
Sau khi dừng thầu, bị cáo Chung tiếp tục yêu cầu Sở KH&ĐT chọn công nghệ số hóa đảm bảo tích hợp hệ thống dùng chung của thành phố. Trong khi tại thời điểm đó, Hà Nội chưa hình thành cơ sở hệ thống dữ liệu dùng chung. Như vậy, việc làm của ông Chung đã tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường tham gia đấu thầu và trúng thầu.
Quá trình phúc thẩm, ông Chung thừa nhận trách nhiệm nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ mới. Ngoài ra, các luật sư còn cung cấp nhiều bằng khen, giấy khen của bị cáo trong quá trình công tác.
“Vì vậy, việc giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo thể hiện sự khoan hồng của pháp luật, một mặt cũng là tạo sự an tâm cho bị cáo khi cải tạo”, HĐXX kết luận.
Thay đổi nội dung kháng cáo
Quá trình thẩm vấn, ông Chung giữ nguyên kháng cáo kêu oan và cho rằng bị cáo không chỉ đạo Sở KH&ĐT dừng các gói thầu về công nghệ thông tin năm 2016 để tạo điều kiện cho Công ty Nhật Cường được tham gia và trúng thầu gói số hóa dữ liệu.
Ông Chung cũng khai mình không biết việc Nhật Cường ký hợp đồng kinh tế khống với Công ty Minh Hoa (do vợ ông Chung làm chủ) nhằm hợp thức hồ sơ năng lực cho Nhật Cường dự thầu và trúng thầu.
Tuy nhiên, tại phần tranh luận cuối buổi chiều 12/7, ông Chung nói đến lúc này, bị cáo đồng tình với những quan điểm buộc tội của VKSND Cấp cao. Sau đó, cựu Chủ tịch Hà Nội được tòa ghi nhận là thay đổi nội dung kháng cáo từ kêu oan sang xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Ngoài ra, trước thời điểm nghị án, HĐXX thông báo gia đình bị cáo Phạm Thị Kim Tuyến đã nộp toàn bộ số tiền bị yêu cầu khắc phục là 3,5 tỷ đồng. Trình bày tại tòa, chồng bà Tuyến cho hay việc nộp thêm tiền diễn ra sau khi ông Chung động viên, thuyết phục. Sau đó, họ được bạn bè hỗ trợ về kinh phí.
HĐXX tuyên án. Ảnh: N.H. |
Trong khi đó, trả lời thẩm vấn chiều 11/7, bà Tuyến và cựu Chánh văn phòng Sở Phạm Thị Thu Hường khai năm 2015, đơn vị này làm chủ đầu tư lên kế hoạch mời thầu gói số hóa dữ liệu. Lúc đó, 6 doanh nghiệp mua hồ sơ tham gia mà không có Công ty Nhật Cường.
Tuy nhiên, khoảng một giờ trước khi diễn ra buổi họp giao ban ngày 6/5/2016, cựu Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Văn Tứ bất ngờ thông báo theo yêu cầu của chủ tịch thành phố, sở dừng việc mở thầu. Sau đó, họ đã phải vận dụng các quy định khác để thông báo về việc dừng thầu. Cuối cùng, Công ty Nhật Cường được giới thiệu để thí điểm thực hiện các gói thầu số hóa dữ liệu đăng ký doanh nghiệp.
Khi nêu quan điểm luận tội, đại diện VKS cho rằng giai đoạn phúc thẩm, ông Chung và gia đình đã cung cấp nhiều tài liệu như hồ sơ bệnh án, hơn 85 bằng khen, giấy khen của bị cáo và người thân để làm tình tiết giảm nhẹ mà chưa trình ra tại cấp sơ thẩm.
Đánh giá đó là những tình tiết mới, VKS căn cứ diễn biến phiên tòa và tổng hợp nội dung, đã đề nghị tòa chấp nhận một phần kháng cáo của ông Chung và 2 bị cáo còn lại.
Cuối tháng 12/2021, TAND Hà Nội tuyên phạt ông Chung 3 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Phạm Thị Thu Hường bị phạt 3 năm 6 tháng tù, còn bà Phạm Thị Kim Tuyến lĩnh 4 năm 6 tháng tù cùng về tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Ngoài vụ án trên, ông Nguyễn Đức Chung đã bị tòa phúc thẩm tuyên phạt tổng mức án 10 năm tù trong 2 vụ án gồm chiếm đoạt tài liệu mật và chỉ đạo mua hóa chất Redoxy 3C trái quy định.