Sáng 23/11, phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh cùng 91 bị cáo trong đường dây đánh bạc trên mạng quy mô nghìn tỷ đồng bước sang ngày làm việc thứ 12.
Nhóm luật sư bào chữa tiếp tục nêu quan điểm gỡ tội cho bị cáo Nguyễn Thanh Hóa. Trước đó, đại diện VKS đề nghị HĐXX tuyên phạt ông Hóa 7,5 - 8 năm tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
"Tôi đã mất tất cả"
Tiếp tục bào chữa, ông Hóa nói tuổi thơ ông sinh ra trong khói lửa chiến tranh. Khi được lãnh đạo Bộ Công an giao nhiệm vụ, trọng trách nặng nề là xây dựng và phát triển lực lượng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao.
“Mấy đêm nay tôi suy nghĩ nhiều về sai phạm của mình, tôi rất áy náy, hối hận nhưng đã muộn rồi, phải chấp nhận”, cựu Cục trưởng C50 bước đến bục khai báo, nói và nhận định hình phạt đối với ông ta quá nặng.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa xin lỗi HĐXX tại phiên tòa sáng nay 23/11. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
“Tôi không am hiểu gì về công nghệ nhưng đã có ý thức phải thể hiện được công sức của mình cho sự nghiệp chung”, bị cáo trần tình.
Với tham vọng đó ông mong muốn xây dựng lực lượng hùng mạnh, đủ sức đương đầu bất cứ loại hình tội phạm nào. Tuy nhiên, ông Hóa nói rằng tạo hóa đã ban cho bản thân mình bộ não có tham vọng quá lớn trên nền tảng nhận thức hạn hẹp.
Do đó, ông phạm phải những hành vi vi phạm pháp luật gây ảnh hưởng đến uy tín, thanh danh của nhiều người và của ngành công an.
“Tôi thành thật xin lỗi, cuộc đời tôi bây giờ đã mất tất cả”, ông Hóa nghẹn ngào.
Một lần nữa ông Hóa khẳng định mình đã sai phạm và thừa nhận cáo buộc VKS truy tố không sai. Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa tiếp tục xin lỗi về những lời khai trước đây vì đã phản bác lại HĐXX và đại diện VKS.
“Tôi mong HĐXX cho tôi một cơ hội cuối cùng để những năm tháng còn lại của cuộc đời, tôi lo hương khói cho tổ tiên và làm chỗ dựa vững chắc cho con cháu”, ông Hóa nói và kết thúc 5 phút trình bày.
Thừa lệnh cấp trên?
Nêu quan điểm bào chữa cho bị cáo, luật sư Phạm Văn Hùng cho rằng trong mối quan hệ giữa ông Nguyễn Thanh Hóa và Nguyễn Văn Dương, đại diện cho C50 và Công ty CNC không rõ ràng.
Theo luật sư bào chữa, ý tưởng thành lập công ty nghiệp vụ thuộc C50 là một ý tưởng tốt trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm công nghệ cao, phù hợp quy định của Bộ Công an. Ý tưởng đó được ông Phan Văn Vĩnh và lãnh đạo Bộ Công an đồng tình.
Sau khi giới thiệu, hai bên đã thống nhất Nguyễn Văn Dương thành lập CNC để trở thành công ty nghiệp vụ. Tuy nhiên, giai đoạn 2011-2015 CNC có rất ít văn bản gửi C50, trong đó chủ yếu là các công văn xin thuê trụ sở, cấp biển xanh và xin vào ngành công an.
Ông Hóa trao đổi với luật sư trước phiên tòa. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
“Ông Hóa đã nhận tội, dù có muộn nhưng phản ánh được thái độ ân hận của bị cáo”, luật sư đánh giá và phân tích, xét tính chất mức độ phạm tội thì bị cáo đã không kịp thời chỉ đạo để Nguyễn Văn Dương lợi dụng công ty nghiệp vụ, tổ chức đánh bạc. Do đó, luật sư mong khi lượng hình, HĐXX tuyên bị cáo hình phạt thấp hơn mức VKS đề nghị.
Cùng quan điểm gỡ tội, luật sư Vũ Quy cho rằng hồ sơ vụ án thể hiện sau khi thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công an, Phan Văn Vĩnh đã giới thiệu Nguyễn Văn Dương với ông Hóa về việc để CNC là công ty nghiệp vụ.
Quá trình thực hiện chỉ đạo, bị cáo Hóa chỉ là người nhận và thực hiện mệnh lệnh của lãnh đạo cấp trên. Đối với quá trình xây dựng lộ trình phát triển công ty nghiệp vụ, cựu Cục trưởng C50 cũng là người chuẩn bị văn bản trình cấp trên xem xét, phê duyệt.
Tại tòa, bị cáo đã nhận tội nhưng tính chất mức độ phạm tội có giới hạn, có nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do đó, luật sư kiến nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, tuyên án dưới mức thấp nhất so với mức án VKS đề nghị.
"Lấy mỡ nó rán nó"
Đối đáp với nhóm luật sư của Nguyễn Thanh Hóa, VKSND tỉnh Phú Thọ nói cựu Cục trưởng C50 có 3 người bào chữa nhưng có 2 luồng ý kiến khác nhau về việc bị cáo có phạm tội hay không.
Ban đầu bị cáo nhận tội nhưng khi thẩm vấn lại quanh co, đổ lỗi nên để làm rõ động cơ mục đích như đề nghị của người bào chữa, kiểm sát viên đề nghị cho quay lại xét hỏi Nguyễn Thanh Hóa.
Về động cơ cho công ty bình phong CNC vận hành game bạc Rikvip, ông Hóa khai là để lấy kinh phí xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia, không nhằm vụ lợi cho C50.
“Đơn vị chúng tôi khó khăn nên giao các đồng chí cục phó, trưởng phòng lo cho cán bộ, chiến sĩ. Cá nhân tôi không biết. Cái đó chia đều cho cán bộ, chiến sĩ, không đồng chí nào được hưởng hơn”, ông Nguyễn Thanh Hóa nói về việc C50 được CNC cho 700 triệu.
Cho rằng đây là khoản tiền doanh nghiệp tự nguyện giúp đỡ lúc đơn vị khó khăn, không phải kinh phí đóng góp cho cục nên ông Hóa không nhập ngân sách.
Trước sự truy vấn của cơ quan công tố về việc C50 vụ lợi, bị cáo Hóa phân trần: “Tôi rất khó trả lời, người ta biếu một tí, mỗi người cũng chỉ 1-2 triệu thôi. Người ta cũng nói hỗ trợ chiến sĩ tiêu Tết, không phải công việc”.
Cắt lời ông Hóa, kiểm sát viên hỏi thêm: "Bị cáo nhận tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Vậy động cơ của bị cáo trong hành vi này là gì?"
Luật sư Nguyễn Minh Tâm đang bào chữa cho ông Nguyễn Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
“Văn bản chúng tôi gửi hoặc soạn thảo cho cấp trên về nguồn vốn xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia là bằng tiền xã hội hóa. Trong chiến tranh, người ta gọi là lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, còn thực tế gọi là lấy mỡ nó rán nó, để làm thế nào không lấy tiền Nhà nước mà vẫn chống tội phạm có hiệu quả”, ông Hóa nói và thừa nhận lỗi của ông là lợi dụng chức vụ, quyền hạn.
Về việc đầu tư vào hệ thống phòng thủ quốc gia, cựu Cục trưởng C50 nói mọi thứ mới là ý tưởng. Nếu Bộ Công an chấp thuận thì C50 sẽ hoàn thiện pháp lý, còn CNC bỏ tiền đầu tư. Khi vụ án xảy ra, công ty bình phong chưa nhận được sự hỗ trợ nên không có đồng nào ném vào dự án.
Công tố viên hỏi thêm: "Bị cáo lý giải thế nào về bản ghi nhớ với CNC năm 2011 để C50 hưởng 20% lợi nhuận. Đến năm 2017 hợp đồng mới dừng, trong thời gian đó C50 có hưởng 20% không?"
Nguyễn Thanh Hóa khai ban đầu ông không rõ về vấn đề này. Ông chỉ nghĩ ký bản ghi nhớ để khi nào có tiền sẽ thành lập công ty bình phong. Thừa nhận ban đầu có mục đích kinh tế cho C50, tuy nhiên ông Hóa giải thích số tiền 700 triệu đồng không phải 20% lợi nhuận của CNC.
"Việc cho tiền là có thật nhưng là tấm lòng tự nguyện, không thể khẳng định doanh nghiệp chi tiền vì lý do công ty bình phong", ông Hóa nói.
Khai trước tòa, cựu Cục trưởng C50 đã yêu cầu công ty bình phong dừng vận hành game bài khi một đơn vị nghiệp vụ của Bộ Công an thông báo đang điều tra Rikvip. Còn việc ký công văn đề nghị cho CNC tiếp tục vận hành game bài sau đó, ông Hóa nói làm việc này theo chỉ đạo của Phan Văn Vĩnh, nhằm mục đích tạo nguồn thu xây dựng hệ thống phòng thủ quốc gia.