Sáng nay, TAND tỉnh Phú Thọ đưa vụ án Sử dụng Internet chiếm đoạt tài sản; Tổ chức đánh bạc; Đánh bạc; Mua bán trái phép hóa đơn; Rửa tiền và Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ ra xét sơ thẩm.
Vụ án xảy ra tại Phú Thọ và một số địa phương. Phiên tòa dự kiến kéo dài nhiều ngày.
-
Trước khi kết thúc phần thủ tục, nữ chủ tọa cho hay theo quy định của TAND Tối cao, bản án sau khi công bố, sẽ được đăng công khai lên cổng thông tin điện tử của tòa án. Tuy nhiên, bị cáo có quyền được từ chối việc đưa bản án công khai. "Có bị cáo nào đề nghị không đưa bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án không?", chủ tọa hỏi.
Ngay lập tức, ông Phan Văn Vĩnh giơ tay và đề nghị tòa không công bố bản án lên cổng thông tin điện tử tòa án.
Trong phần đề nghị, luật sư Nguyễn Thị Huyền Trang (bào chữa cho ông Phan Văn Vĩnh) kiến nghị trong suốt quá trình xét xử cho phép thân chủ của bà được ngồi vì lý do sức khỏe yếu. Ngoài ra, bà Trang cũng đề nghị HĐXX tạo điều kiện để các nhân viên hỗ trợ y tế cho ông Vĩnh.
-
Sau khi thẩm tra căn cước 92 bị cáo, HĐXX sẽ chuyển sang thực hiện thủ tục tương tự đối với 73 cá nhân và tổ chức có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 14 người làm chứng và 3 điều tra viên được tòa triệu tập.
-
9h30, HĐXX tiếp tục thẩm tra căn cước lần lượt 85 bị cáo đang được tại ngoại.
Trong vụ án này, ông Phan Văn Vĩnh là bị cáo lớn tuổi nhất (63 tuổi). Hai bị cáo nhỏ tuổi nhất sinh năm 1997.
Trong số 91 bị cáo hầu tòa, có 76 người là nam, 16 nữ. 34 bị cáo quê ở Hà Nội; còn lại đến từ TP.HCM, Cao Bằng, Hà Giang, Phú Thọ, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Thái Bình, Nam Định, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Đà Nẵng, Gia Lai, Cần Thơ. Ảnh: Phạm Thắng.
-
Ông Vĩnh trả lời nhầm khi chủ tọa kiểm tra căn cước
Trả lời câu hỏi của tòa, ông Phan Văn Vĩnh 2 lần nói nhầm năm sinh của con cả và ngày bị bắt. Theo lời cựu trung tướng, ông bị bắt ngày 6/4/1998. Nghe vậy, chủ tọa ngắt lời thông báo theo hồ sơ ông bị bắt ngày 6/4/2018, ông Vĩnh xác nhận lại thông tin này.
Video: Bá Chiêm.
-
Chủ tọa đọc quyết định xét xử vụ án
Ảnh: Việt Linh.
-
Bị cáo sức khỏe không tốt được phép ngồi
Quá trình làm thủ tục, nữ chủ tọa đề nghị cảnh sát hỗ trợ chuẩn bị ghế dành cho các bị cáo có sức khỏe không tốt được ngồi. Trong số những người ngồi có ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa.
-
HĐXX kiểm tra căn cước các bị cáo
8h30, nữ chủ tọa bắt đầu kiểm tra căn cước các bị cáo của vụ án. Nguyễn Văn Dương là người đầu tiên khai báo. Tiếp đó, đồng phạm của Dương là Phan Sào Nam bước đến bục. Theo VKSND tỉnh Phú Thọ, Nam và Dương đã vận hành hệ thống đánh bạc trên mạng Rikvip, thu lời bất chính hàng nghìn tỷ đồng.
Ngay sau đó, ông Phan Văn Vĩnh khai báo nhân thân. Hồi đầu tháng 10, ông Vĩnh phải nhập viện để điều trị bệnh tim mạch, vảy nến.
Nguyễn Văn Dương lúc kiểm tra căn cước trước tòa. Ảnh: Hoàng Hiệp.
-
Nhiều người dân tới xem phiên xử
Hàng trăm người dân tới xem phiên xét xử.
Nhiều người từ tỉnh khác tới vì biết toà xét xử công khai ngoài sân. Ảnh: Hoàng Hiệp.
-
Khoảng 8h15, thẩm phán Nguyễn Thị Thùy Hương, Chủ tọa phiên tòa, đọc tên các bị cáo.
Theo thư ký phiên tòa, 91 bị cáo có mặt, 1 bị cáo vắng. Ngoài ra, bị hại duy nhất của vụ án là chị Võ Minh Phương (35 tuổi, quận Hoàn Kiếm) có đơn xin vắng mặt. Một số nhân chứng và người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng xin vắng mặt. Ảnh: Hoàng Hiệp - Việt Linh.
-
Phiên tòa khai mạc
8h, thư ký phiên tòa tuyên bố lý do, khai mạc phiên tòa xét xử ông Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo. Sau đó, các bị cáo đang bị tạm giam được mở khóa còng. Ảnh: Việt Linh.
-
Ngồi gần ông Vĩnh cách vài cảnh sát, bị cáo Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Công ty CNC) vận áo sơ mi màu xanh. Anh ta và ông Vĩnh đều ngồi ở hàng ghế đầu, đối diện chủ tọa.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, Dương bị truy tố các tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền.
Ảnh: Việt Linh.
-
7h50, cảnh sát tư pháp dẫn giải các bị cáo bị tạm giam vào khu vực xét xử. Ông Phan Văn Vĩnh mặc áo khoác tối màu, bên trong mặc áo sơ mi xanh, quần âu. Ảnh: Việt Linh - Phạm Thắng.
Ông Phan Văn Vĩnh.
Ông Phan Sào Nam.
Ông Nguyễn Thanh Hóa (giữa).
-
-
7h15, 5 xe đặc chủng chở các bị cáo bị tạm giam đến tòa án. Ảnh: Bá Chiêm - Việt Linh.
-
-
90 bị cáo có mặt tại tòa
Sáng nay, thời tiết ở TP Việt Trì (Phú Thọ) khô ráo, nhiệt độ khoảng 23 độ C.
6h45, gần 90 bị cáo đã có mặt tại toà. Trước khi vào phiên xử, những người này phải xuất trình giấy triệu tập, CMND và được kiểm tra an ninh gắt gao.
Phiên tòa xét xử 92 bị cáo, trong đó có 85 bị cáo tại ngoại.
Ảnh: Việt Linh.
-
An ninh thắt chặt quanh phòng xử án
Lúc 6h, cảnh sát được điều động đến TAND tỉnh Phú Thọ. Hai cổng từ được dựng để kiểm soát an ninh phiên xử dự kiến có hàng trăm người tham gia. Phía trước cổng phiên toà, lực lượng cảnh sát cơ động được tăng cường để đảm bảo an ninh.
Phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí cũng có mặt từ sớm để tác nghiệp.
Ảnh: Việt Linh - Phạm Thắng.
-
-
Đường lao lý của 2 cựu tướng công an
Theo cáo trạng, năm 2011, ông Phan Văn Vĩnh (cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) chỉ đạo Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Cục trưởng cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao - C50) và một số cán bộ dưới quyền lập đề án xây dựng công ty bình phong thuộc C50.
Trong lúc chờ chủ trương, ông Vĩnh giới thiệu Nguyễn Văn Dương gặp Nguyễn Thanh Hóa để lập Công ty CNC làm công ty bình phong. Được sự đồng ý của Phan Văn Vĩnh, Công ty CNC đã sử dụng trụ sở của Tổng cục cảnh sát ở Hà Nội.
Đầu 2015, Phan Sào Nam biết CNC là công ty bình phong thuộc C50 nên hợp tác với Dương để phát hành game đánh bạc Rikvip.
Ông Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa và 2 trùm cờ bạc. Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Từ năm 2016, thấy công ty bình phong vận hành chui game đánh bạc, ông Vĩnh đã chỉ đạo cấp dưới báo cáo Bộ Công an và Bộ Thông tin & Truyền thông hợp pháp hóa 2 cổng game trên. Khi chưa có ý kiến của Bộ trưởng Công an, Phan Văn Vĩnh đã ký văn bản gửi Bộ Thông tin & Truyền thông xin cấp giấy phép thí điểm trò chơi do CNC phát hành.
Tháng 7/2016, C50 soạn công văn để ông Vĩnh ký báo cáo Bộ trưởng Công an về 2 cổng game không phép liên quan đến CNC. Sau khi xem, Phan Văn Vĩnh chỉ đạo chỉnh sửa để cấp phó ký, trong đó khẳng định 2 game bài Rikvip và 23zdo đã được cơ quan chức năng cấp phép.
Tháng 8/2016, Nguyễn Thanh Hóa đề xuất Tổng cục cảnh sát về việc điều tra các cá nhân, tổ chức vận hành game bài đánh bạc trá hình.
Ông Phan Văn Vĩnh bút phê “đồng ý đề xuất báo cáo lãnh đạo bộ xây dựng kế hoạch bóc dỡ”. Nhưng thực tế, Tổng cục Cảnh sát và C50 không xây dựng kế hoạch, không báo cáo lãnh đạo bộ, không điều tra xác minh về Rikvip.
-
500 cảnh sát bảo vệ phiên tòa
Công an Phú Thọ cho hay khoảng 500 cảnh sát được huy động làm nhiệm vụ tại trụ sở tòa án ở TP Việt Trì, nơi diễn ra phiên sơ thẩm. Tại cổng tòa án, cảnh sát đặt hệ thống kiểm tra an ninh gắt gao từng người trước khi vào khu xét xử.
Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử, thẩm phán - chủ tọa là bà Nguyễn Thị Thùy Hương. Đại diện VKSND tỉnh Phú Thọ gồm 4 kiểm sát viên là các ông Lê Xuân Lộc, Nguyễn Duy Hưng, Nguyễn Quang Hồng và bà Phạm Thị Bích Liên.
Khu vực xử án tại sân tòa án. Ảnh: Phạm Thắng.
Trong số 92 bị cáo hầu tòa, 85 người được tại ngoại. Khu vực sân tòa được trưng dụng làm phòng xét xử, rộng 1.000 m2 và lợp mái che. Gần một tuần trước, TAND tỉnh Phú Thọ đã hoàn thiện khu vực xử án theo quy định.
Theo đăng ký, ông Phan Văn Vĩnh có 3 luật sư bào chữa. 30 luật gia khác bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho 91 bị cáo còn lại cùng 3 công ty liên quan.
Cũng theo quyết định của tòa án, phiên xử có 73 người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan, 14 nhân chứng, 3 điều tra viên của cơ quan An ninh điều tra (Công an Phú Thọ) được triệu tập.
Theo cáo trạng của VKSND tỉnh Phú Thọ, ông Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điểm a khoản 2, Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bổ sung 2017). Khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Hai ông trùm Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam bị truy tố các tội Tổ chức đánh bạc và Rửa tiền, theo Điểm b khoản 2, Điều 249 và Điểm a khoản 3, Điều 251 Bộ luật Hình sự 1999 (sửa đổi bổ sung 2009).