Chiều 16/9, HĐXX tiếp tục xét hỏi ông Nguyễn Thành Tài (cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM) và 4 đồng phạm về tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí.
"Tâm đắc với dự án 8-12 Lê Duẩn"
Mở đầu phiên tòa chiều, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy (Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm và Công ty Lavenue) trả lời thẩm vấn của HĐXX.
Bà Thúy khai khi xin tham gia dự án 8-12 Lê Duẩn (quận 1), bị cáo gửi hồ sơ năng lực tài chính cho Công ty Quản lý kinh doanh nhà (QLKDN) của bà Nguyễn Thị Thu Thủy.
Tôi không hiểu quyết định 09 là gì cho đến khi làm việc với cảnh sát và nhận bản kết luận điều tra.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy
Về mối quan hệ với bà Thủy, Thúy khai quen vào cuối tháng 8/2010 thông qua sự giới thiệu của ông Lê Hoàng Quân (lúc đó là Chủ tịch UBND TP.HCM). Tại buổi xúc tiến đầu tư doanh nghiệp, ông Quân trao đổi với doanh nghiệp về các mong muốn, nguyện vọng nên bà Thúy trình bày muốn đầu tư khách sạn 5 sao.
“Ông Lê Hoàng Quân nói chỗ bà Thủy có nhiều cơ hội đầu tư và hợp tác đầu tư, nói tôi cứ liên hệ xem có cơ hội nào không”, bị cáo Thúy thuật lại. Sau đó Thúy gặp Thủy và được giới thiệu về dự án 8-12 Lê Duẩn.
“Thật ra, Thủy giới thiệu cho tôi vài dự án ở quận 1, 3… và nói công ty muốn tìm đối tác. Cuối cùng, tôi tâm đắc với dự án 8-12 Lê Duẩn nên xin hợp tác”, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm khai.
Nói về khu đất này, Thúy cho biết thông qua Thủy, bị cáo biết đây là khu đất mà UBND TP.HCM có chủ trương xây dựng khách sạn 5 sao từ năm 2007. Công ty QLKDN đang tìm đối tác góp vốn để cùng phát triển dự án.
Về mối quan hệ với ông Nguyễn Thành Tài, Thúy khai bà quen biết từ trước. “Ông Tài là lãnh đạo thành phố nên ai cũng biết. Ông Tài có quan hệ khá thân với người nhà của tôi”, Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm nói.
“Ai hướng dẫn bị cáo làm hồ sơ tham gia dự án 8-12 Lê Duẩn?", chủ tọa hỏi.
Bị cáo khai do Giám đốc Công ty QLKDN Nguyễn Thị Thu Thủy giới thiệu từ những bước đầu tiên. Thúy lý giải bà Thủy là giám đốc của công ty 100% vốn Nhà nước và qua sự giới thiệu của ông Lê Hoàng Quân nên hoàn toàn tin tưởng làm theo. Thời điểm đó, Thúy không biết có nhiều công ty cũng xin làm dự án này.
Trả lời HĐXX về vai trò của mình tại Công ty Lavenue, Thúy cho biết bản thân đảm nhận vị trí Chủ tịch HĐQT, điều hành trực tiếp hoạt động của công ty. Lavenue có 3 cổ đông, Thúy góp vốn ít hơn nhưng do 2 người còn lại bận điều hành công ty riêng nên không có thời gian vận hành. Do đó, họ bầu chọn và thuyết phục Thúy làm chủ tịch và đại diện theo pháp luật.
“Bị cáo có biết muốn làm dự án ở đây phải tuân theo quy định gì? Về pháp luật có ai nói cho bị cáo phải thực hành theo quy định nào không?”, chủ tọa chất vấn.
“Thật sự tôi không hiểu quyết định 09 là gì. Đến khi làm việc với cơ quan CSĐT và nhận bản kết luận tôi mới biết nội dung của quyết định 09”, Thúy khai.
Khi muốn đầu tư quy hoạch khu đất 8-12 Lê Duẩn thì phải thực hiện theo quyết định 09 của Thủ tướng.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng
Bị cáo cho rằng bà Thủy rất am hiểu về luật, từng tham gia đầu tư nhiều dự án bất động sản. Do vậy, về pháp lý, Thủy chịu trách nhiệm và quyết định tại Công ty Lavenue.
“Công ty Hoa Tháng Năm có được quyền tham gia dự án này không?”, chủ tọa tiếp tục truy vấn.
“Tôi chỉ hiểu bình thường Luật Doanh nghiệp. Tôi là công ty tư nhân thì có quyền mua cổ phần công ty trong nước, xin hợp tác liên doanh với công ty khác. Cái tôi dở nhất và không rành là thủ tục pháp lý đầu tư vào dự án. Nên khi tôi tiếp xúc chị Thủy thấy am hiểu là tin tưởng vào sự tham mưu và cố vấn của chị ấy”, bị cáo Thúy phân trần.
“Bị cáo quan hệ với lãnh đạo UBND thành phố thì có giúp bị cáo việc gì để tham gia dự án này không?", HĐXX hỏi.
Thúy cho biết bản thân là doanh nghiệp, có cơ hội tiếp xúc lãnh đạo nên tìm cơ hội chia sẻ mong muốn, nguyện vọng. Chủ tịch Công ty Lavenue nói không đồng ý với nội dung cáo trạng truy tố và đề nghị trả lại 2 căn nhà đã kê biên.
Đại diện UBND TP.HCM được mời lên trả lời các câu hỏi liên quan về khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Chánh văn phòng UBND TP.HCM Hà Phước Thắng cho biết khu đất này thuộc sở hữu của Nhà nước, giao cho Công ty QLKDN quản lý. Khi muốn đầu tư quy hoạch khu đất này thì phải thực hiện theo quyết định 09 của Thủ tướng.
Dựa theo báo cáo, UBND TP.HCM nắm được Công ty Lavenue chỉ mới lên thiết kế dự án khách sạn 5 sao chứ chưa triển khai. Hiện trạng khu đất là bãi giữ xe do Lavenue quản lý.
HĐXX hỏi đại diện UBND TP về việc có biết khu đất này được thu hồi theo quyết định vào năm 2018 không, ông Hà Phước Thắng trình bày đất này thuộc diện phải thu hồi nhưng đang gặp một số vướng mắc chưa thực hiện được.
Trình bày trước tòa, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết theo Luật Đất đai, một dự án mà được áp dụng 2 hình thức giao đất và thu tiền sử dụng đất là sai quy định.
Tuy nhiên, khu đất 8-12 Lê Duẩn có 2 số nhà (8 và 12), hai hình thức khác nhau nên đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng việc áp dụng 2 hình thức giao đất và thu tiền sử dụng đất là phù hợp với Luật Đất đai.
Cục Thuế TP.HCM cũng được mời lên để làm rõ về tình trạng đóng thuế của Công ty Lavenue. Tuy nhiên, đại diện cơ quan này không nắm rõ.
"Cơ hội lớn"
Sau phần xét hỏi của HĐXX, đại diện VKS tham gia thẩm vấn các bị cáo.
“Bị cáo nhận thức thế nào về việc cho Công ty Hoa Tháng Năm góp vốn 30%?”, cơ quan công tố đặt câu hỏi cho ông Nguyễn Thành Tài.
Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM trả lời thời điểm đó ông không nhận thức việc làm đó là sai. Bởi lúc ấy, việc giải quyết thu hồi mặt bằng thực hiện dự án kéo dài từ năm 2007 đến 2011, 4 công ty đồng ý tham gia đầu tư và dự án đang triển khai đến 85%.
Bây giờ nghe giải thích, bị cáo mới thấy việc này không đúng.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM
“Đây là cơ hội lớn, tôi không muốn chỉ vì thiếu tiền mà dự án bị dừng”, ông Tài nói.
Ngoài ra, UBND TP thời điểm đó có chỉ đạo đấu thầu để chọn chủ đầu tư cho dự án nhưng không thực hiện được. Sau đó, UBND TP chấp thuận đề xuất của ông Nguyễn Hữu Tín về việc cho phép liên doanh thực hiện dự án.
“Bây giờ nghe giải thích, bị cáo mới thấy việc này không đúng”, ông Tài trả lời VKS.
Trả lời VKS, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cho biết Hoa Tháng Năm là công ty gia đình do bà và ba mẹ cùng góp vốn. Khi đề xuất tham gia dự án 8-12 Lê Duẩn, Hoa Tháng Năm chưa thực hiện dự án nào vì chỉ mới thành lập được 4 tháng.
“Hoa Tháng Năm được quyền tham gia góp vốn 30% thì có được hưởng lợi không?”, đại diện VKS hỏi.
Bị cáo Thúy trả lời khi bà quyết định đầu tư thì phải nhìn thấy khả năng sinh lợi trong tương lai. Song, khi thành lập Công ty Lavenue do bà làm chủ tịch, Thúy xác định công ty sẽ lỗ trong 5 năm đầu tiên, sau 15 năm mới có thể thu hồi vốn.
Chủ tịch Công ty Lavenue nói khi đó có nhiều đối tác muốn gặp bà để mua lại quyền tham gia dự án với phần góp vốn 30%. Tuy nhiên, bà từ chối các cuộc gặp như vậy.
“Bản thân tôi gánh áp lực và cảm thấy mạo hiểm khi tham gia dự án này. Nhưng tôi muốn làm nên tôi làm hết sức. Làm khách sạn 5 sao và cho thuê nên chỉ cần dịch Covid-19 như vừa rồi thì sẽ phá sản hoặc bán đổ bán tháo tài sản. Đây là đầu tư mạo hiểm chứ không phải đầu tư vào là có lãi ngay”, Thúy trình bày trước tòa.
Sau khi VKS kết thúc phần xét hỏi đối với bị cáo Thúy, HĐXX thông báo tòa tạm nghỉ và tiếp tục vào 8h sáng mai (17/9).
Tại phiên tòa buổi sáng, ông Tài khai lý do giao đất số 8-12 Lê Duẩn (quận 1) cho Công ty Lavenue (liên doanh giữa Công ty Quản lý kinh doanh nhà, 4 công ty của Bộ Công Thương và Công ty Hoa Tháng Năm) vì muốn kinh tế thành phố phát triển.
“Bối cảnh kinh tế lúc đó đang suy thoái, tôi muốn đẩy mạnh dự án để thu hút lao động, phát triển kinh tế…”, ông Tài trình bày và nhận thức việc làm của mình là trái với pháp luật.
Ông Tài khai không nắm rõ về công ty của bà Lê Thị Thanh Thúy nhưng vì thấy công ty có năng lực đầu tư và có quyết tâm nên chấp thuận để giao dự án.
Về mối quan hệ với bà Thúy, cựu Phó chủ tịch UBND TP cho rằng “quan hệ bình thường như lãnh đạo TP.HCM với một doanh nghiệp”. Ông Tài biết Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm từ năm 2007 thông qua mối quan hệ của ông với gia đình bà Thúy.
Theo cáo trạng, khu nhà và đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 20/11/2007, UBND thành phố có chủ trương phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.
VKS cáo buộc bà Lê Thị Thanh Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân, tác động đến ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản, sau đó chỉ đạo 4 bị cáo còn lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước liên quan khu nhà đất trên.
Ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Những chỉ đạo của ông Tài cùng với sự tham gia của các bị cáo khác đã tạo điều kiện thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8-12 Lê Duẩn sang doanh nghiệp tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.927 tỷ đồng.