Sáng 17/9, phiên tòa xét xử cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài cùng 4 đồng phạm bước vào ngày làm việc thứ 2.
Căn cứ định giá khu đất
Mở đầu phiên xử, các luật sư bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài tranh cãi gay gắt với cơ quan định giá xoay quanh việc định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Theo luật sư Ngô Minh Hưng (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Thành Tài), vào năm 2011, kết luận giám định xác định giá trị khu đất là 879 tỷ đồng. Luật sư đặt câu hỏi về cách tính để ra con số này, căn cứ vào đâu và thành phần nào?
Đại diện cơ quan định giá cho biết kết quả thực hiện theo yêu cầu định giá của cơ quan CSĐT. Sau đó Bộ Tài chính thành lập hội đồng định giá gồm nhiều bộ, đại diện sở ban ngành tại TP.HCM, chuyên gia thẩm định giá…
Cơ quan định giá cho rằng việc định giá đã tuân thủ các nguyên tắc, phù hợp giá trị thị trường, vận hành theo đúng Nghị định 30… để cho ra kết quả sát nhất.
Luật sư Hưng tiếp tục đặt câu hỏi về giá trị thị trường được xác định như thế nào. Đại diện thẩm định giá trả lời phương thức để định giá căn cứ nhiều yếu tố, trong đó ngoài việc sử dụng chứng thư thẩm định giá thì còn có tham khảo từ các đơn vị có tư cách pháp nhân, sử dụng nhiều thông tin thu thập được.
“Khi thẩm định giá dự án này, tại sao ra con số đó thì chúng tôi dùng rất nhiều hồ sơ, không thể trình bày để luật sư nắm từng chi tiết. Nhưng có kết quả này hội đồng họp không dưới 3 lần để đảm bảo giá kết luận gửi cơ quan điều tra là giá xác nhất tại thời điểm đó”, đại diện cơ quan thẩm định nói và khẳng định hội đồng định giá làm việc độc lập, khách quan.
Cùng bào chữa cho ông Tài, luật sư Trương Trọng Nghĩa tiếp tục hỏi việc định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Việc định giá khu đất 8-12 Lê Duẩn được vận hành theo đúng quy trình pháp luật thời điểm đó.
Đại diện cơ quan định giá
Luật sư nêu vào năm 2011, khu đất 8-12 Lê Duẩn được định giá là 879 tỷ, đến năm 2018 thì giá trị hơn 2.500 tỷ. “Làm sao ra số tiền này, đem bán khu đất thì ra số tiền đó phải không”, luật sư Nghĩa chất vấn.
“Thật ra việc định giá vận hành theo đúng quy trình pháp luật thời điểm đó, do cơ sở kết cấu đầu vào và quy định pháp luật thì ra kết quả như vậy”, vị đại diện thẩm định giá trả lời.
Người bào chữa cho ông Tài cho rằng cơ quan định giá đang không trả lời vào đúng trọng tâm câu hỏi. Đại diện bên thẩm định giá cũng gay gắt đề nghị luật sư hỏi rõ.
“Xác định giá trị khu đất này tại thời điểm đó dựa vào cơ sở gì? Vì trong kinh tế thị trường, giá trị xác định bằng hình thức trao đổi. Nếu tôi đem bán được 2.500 tỷ thì nói giá trị 2.500 tỷ… Không hiểu bản chất chỗ này thì sẽ không có bản án công bằng hợp lý. Nếu ở thị trường không ai nói 2.500 tỷ mà chỉ 2.300 tỷ thôi thì hội đồng định giá nói sao?”, luật sư Nghĩa nói rõ ý muốn hỏi.
Đại diện phía định giá cho rằng khi hội đồng định giá là tại thời điểm cơ quan điều tra yêu cầu. 2.500 tỷ năm 2018 khác con số 879 tỷ vào năm 2011, phụ thuộc nhiều yếu tố.
“Không phải đem bán là được tiền đó, mà cần xác định giá thị trường khu đất này tại thời điểm đó, không đặt vấn đề bán hay không bán mà là giá trị khu đất”, vị đại diện nói lớn tiếng.
Luật sư Vũ Phi Long (bào chữa cho bị cáo Nguyễn Hoài Nam) tiếp tục đặt câu hỏi với cơ quan định giá.
Luật sư cho rằng trong vụ án này, ông Nguyễn Thành Tài chỉ ký quyết định duyệt trên lô đất số 8 Lê Duẩn nhưng hội đồng định giá lại ra kết luận cả lô đất số 12.
“Vậy có đúng quy định không, vì khu đất 12 là ông Tài ký duyệt cho thuê. Hội đồng định giá lại gộp luôn khu đất này vào. Tôi đề nghị hội đồng giám định giải thích vì sao”, ông Long đề nghị.
“Không phải tự nhiên hội đồng định giá tiến hành định giá mà chúng tôi thực hiện theo yêu cầu của cơ quan cảnh sát điều tra. Hội đồng không có thẩm quyền trao đổi mà chỉ thực hiện theo yêu cầu”, đại diện cơ quan định giá trả lời.
'Không phải quan hệ kiểu trai gái'
Luật sư Ngô Minh Hưng đặt câu hỏi với bị cáo Lê Thị Thanh Thúy về mối quan hệ giữa bà và ông Tài.
“Quan hệ giữa bà và ông Tài là gì”, luật sư hỏi.
“Quan hệ giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý Nhà nước bình thường thôi. Hai cậu của tôi có làm ở cơ quan quản lý Nhà nước nên cũng có quen biết và gặp gỡ ông Tài. Thông qua đó tôi biết ông Tài”, bị cáo Thúy trả lời.
Tôi khẳng định mối quan hệ đó không phải là tình cảm theo kiểu trai gái.
Bị cáo Nguyễn Thành Tài, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM
Luật sư Hưng tiếp tục hỏi tương tự với ông Tài. Cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM phủ nhận “mối quan hệ tình cảm” như trong cáo trạng quy kết.
“Tại tòa cũng như trước đó tôi đã có văn bản giải thích, tôi khẳng định mối quan hệ đó không phải là tình cảm theo kiểu trai gái. Khi hỏi cung, tôi trả lời bằng 'có' hoặc 'không' nên không diễn tả được bản chất sự việc”, ông Tài trình bày.
Sau khi nghỉ giải lao, chủ tọa thông báo sức khỏe của bị cáo Nguyễn Thành Tài không tốt nên được cho ngồi ở phía ngoài để theo dõi phiên tòa.
Bị cáo Lê Thị Thanh Thúy tại phiên tòa sáng 17/9. Ảnh: Chí Hùng. |
Luật sư Trương Ngọc Nghĩa hỏi đại diện UBND TP.HCM về chủ trương xây dựng khách sạn tại khu đất 8-12 Lê Duẩn.
Theo cáo trạng, UBND TP.HCM đã có chủ trương xây khách sạn 5 sao và một phần trung tâm thương mại tại khu đất này, giao Công ty QLKDN thanh lý hợp đồng cho thuê, thu hồi và quản lý mặt bằng.
Ngày 5/2/2008, UBND TP.HCM có công văn giao Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư.
“Chủ trương không đấu thầu, chỉ đạo Công ty Hòn Ngọc Viễn Đông làm chủ đầu tư là chủ trương của UBND TP, ông Nguyễn Hữu Tín ký văn bản và ông Lê Hoàng Quân đồng ý đúng không?”, luật sư Nghĩa hỏi.
Ông Hà Phước Thắng, Chánh văn phòng UBND TP.HCM, cho biết văn bản ghi chủ tịch ký là đúng. Thông qua đề xuất, thành phố nhận thấy đây là vị trí đắc địa, ảnh hưởng vị trí ngoại giao nên đối chiếu quyết định 09 và UBND TP.HCM đã chỉ đạo giao 3 đơn vị trong liên doanh Hòn Ngọc Viễn Đông quản lý tài sản Nhà nước, triển khai dự án.
“Ông Nguyễn Thành Tài nói công văn do ông Nguyễn Hữu Tín ký ngày 5/2/2008 có bút phê của ông Lê Hoàng Quân đồng ý chủ trương, yêu cầu thiết kế thật đẹp. Hồ sơ phản ánh như vậy có đúng không?”, luật sư tiếp tục hỏi đại diện UBND TP.HCM.
Ông Hà Phước Thắng chỉ xác nhận nội dung. Còn riêng bút phê là văn bản nội bộ nên ông Thắng không trả lời.
Tại phiên tòa hôm qua, cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài nói mối quan hệ giữa ông với bà Thúy là “bình thường như lãnh đạo TP.HCM với một doanh nghiệp”.
Trong khi đó, bị cáo Lê Thị Thanh Thúy cho biết bà quen ông Tài từ trước. “Ông Tài là lãnh đạo thành phố nên ai cũng biết. Ông Tài có quan hệ khá thân với người nhà của tôi”, cựu Chủ tịch Công ty Hoa Tháng Năm nói trước tòa.
Theo cáo trạng, khu nhà và đất số 8-12 đường Lê Duẩn, phường Bến Nghé, quận 1 (TP.HCM), có tổng diện tích hơn 4.800 m2 thuộc sở hữu Nhà nước. Ngày 20/11/2007, UBND thành phố có chủ trương phê duyệt cho phép đầu tư xây dựng khách sạn và một phần trung tâm thương mại.
VKS cáo buộc bà Lê Thị Thanh Thúy đã dùng quan hệ tình cảm cá nhân để tác động ông Nguyễn Thành Tài ký nhiều văn bản, sau đó chỉ đạo 4 bị cáo còn lại thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước liên quan khu nhà đất trên.
Ông Nguyễn Thành Tài và các đồng phạm đã chấp thuận thay đổi chủ trương đầu tư cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia góp vốn thực hiện dự án, quyết định giao đất và cho thuê đất theo hình thức chỉ định không qua đấu giá quyền sử dụng đất.
Những chỉ đạo của ông Tài cùng với sự tham gia của các bị cáo khác đã tạo điều kiện thay đổi quyền sở hữu khu đất số 8-12 Lê Duẩn sang doanh nghiệp tư nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 1.927 tỷ đồng.