Rolls-Royce Phantom "Mặt trời phương Đông" tại Việt Nam. |
Sẵn lòng bỏ ra cả triệu USD và dành thời gian xếp hàng chờ đợi để có được một chiếc Rolls-Royce, những doanh nhân “siêu” thành đạt mong mỏi điều gì từ thương hiệu xe Anh quốc thuộc loại đắt nhất thế giới này?
“Giới hạn duy nhất là trí tưởng tượng”
Khi một chiếc Rolls-Royce ra mắt ở nơi nào đó trên thế giới, sẽ không có gì ngạc nhiên khi một lần nữa được thấy một “phiên bản duy nhất” tiếp tục xuất hiện.
Hãng xe Anh không tạo ra những sản phẩm giống nhau, mỗi chiếc xe “ra đời” luôn được định nghĩa bằng một cái tên riêng gắn liền với chủ sở hữu thực sự.
Đáp ứng mọi yêu cầu dù là điên rồ nhất chính là chìa khóa mang tới giá trị đẳng cấp Rolls-Royce. Đổi lại, các khách hàng thuộc giới thượng lưu luôn cảm thấy hài lòng khi bỏ ra cả núi tiền để sở hữu một chiếc xe.
Ông Đoàn Minh, Chủ tịch Rolls-Royce Motorcar Hà Nội từng chia sẻ, để hoàn thiện màu sơn cho bản Phantom Phù Sa mà khách hàng Việt đặt hàng, kỹ sư phụ trách thiết kế của Rolls-Royce đã trực tiếp xuống sông Hồng vớt phù sa. Không chỉ một lần, vị kỹ sư này đã đến Việt Nam nhiều lần tương ứng với bốn mùa trong năm và lấy phù sa vào nhiều thời điểm trong ngày, mà mục tiêu cuối cùng là để tìm ra màu đặc trưng nhất của phù sa sông Hồng theo đơn hàng.
Dù chỉ là một phần rất nhỏ trong cả quá trình chế tác ra một chiếc Rolls-Royce nhưng cũng đủ để cho thấy sự cầu kỳ tới mức gần như không tưởng mà hãng xe Anh theo đuổi nhằm đáp ứng những yêu cầu của khách hàng.
Tại thủ phủ của Rolls-Royce ở thành phố Goodwood (Anh), Rolls-Royce luôn có hơn 44 nghìn màu sơn khác nhau nhưng số lượng trên vẫn tiếp tục gia tăng khi đơn hàng xuất hiện một màu mới. Tương tự, các chi tiết bằng gỗ và da cho nội thất xe đều được các nghệ nhân tại nhà máy của Rolls-Royce ở Goodwood chế tác tỉ mỉ bằng tay. Gỗ dùng cho nội thất xe thường được làm từ gỗ của cây óc chó hoặc gỗ cây đu lâu năm với màu sắc và kiểu dáng theo yêu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, Rolls-Royce cũng sẵn sàng tìm kiếm các chất liệu khác dù đó là da cá sấu, cá mập hay gỗ trồng trong vườn nhà của khách.
Trao đổi với PV Báo Giao thông trong lần tới tham quan nhà máy chế tạo xe Rolls-Royce ở Goodwood, phụ trách nhà máy kể rằng, để tạo ra một bộ da bò bọc ghế, hãng xe Anh đã phải lựa chọn giống và nuôi bò ở chế độ đặc biệt. Sau khi thuộc da và qua các khâu xử lý, những tấm da đó sẽ được một bộ phận kiểm tra bằng tay, chỉ cần phát hiện ra một nốt “muỗi đốt” nhỏ cũng sẽ bị loại bỏ.
Các trang bị trong xe như: Dàn âm thanh, điều hòa, quạt gió lọc mùi, ghế massage,… cũng được chế tác tinh tế nhằm mang tới một thế giới riêng đậm phong cách của chủ nhân chiếc xe. Ngay cả khoảng để chân trong cabin xe cũng được thiết kế theo cỡ giầy của chủ sở hữu.
Dù sẵn sàng chiều mọi ý thích kể cả ý tưởng điên rồ của khách hàng nhưng Rolls-Royce cũng rất kiên định khi giữ nguyên những chi tiết tạo nên đặc trưng của mình. Đó là, thiết kế nắp ca-pô dài cùng biểu tượng “Spirit of Ecstasy” và lưới tản nhiệt với kiểu dáng Rolls-Royce. Động cơ xe cũng được duy trì là loại máy xăng V12 có công suất hơn 400 mã lực.
Nhìn lại lịch sử Rolls-Royce
Thương hiệu xe Anh ra đời sau cuộc gặp lịch sử tại khách sạn Midland ở Manchester giữa Henry Royce, một người kinh doanh trong lĩnh vực máy phát điện và cần cẩu điện nhưng đam mê xe hơi và nhà kinh doanh Charles Rolls, người có trung tâm kinh doanh ở London chuyên cung cấp các loại xe nhập khẩu.
Bị thuyết phục bởi những chiếc xe mà Henry Royce sản xuất, Charles Rolls đã đặt bút ký thỏa thuận phân phối và cho ra đời Công ty Rolls-Royce vào năm 1906 mà ở đó Royce đảm nhiệm cả vai trò kỹ sư trưởng lẫn giám đốc.
Những chiếc xe mang thương hiệu Rolls-Royce từng bước gây chú ý trên thị trường bởi chất lượng hoạt động bền bỉ kết hợp cùng sự sang trọng tột bậc. Dù mất người bạn đồng hành sau một vụ tai nạn năm 1910, Henry Royce tiếp tục nỗ lực hết mình và đã phát triển thành công loại động cơ được ký hiệu bằng chữ R vào năm 1928. Năm 1931, động cơ này đã phá kỷ lục thế giới khi được thử nghiệm trên máy bay. Rolls-Royce ngày càng thăng hoa và đã mua lại cả hãng xe danh tiếng khác là Bentley.
Tuy nhiên, chính động cơ máy bay đã khiến Rolls-Royce đứng trước nguy cơ phá sản vào năm 1971 và bị bán cho Vicker, một công ty lâu đời trong ngành kỹ thuật. Sau 18 năm, Vicker cũng quyết định bán Rolls-Royce và thương hiệu này đã gia nhập Tập đoàn BMW. Dưới sự điều chỉnh của BMW, Rolls-Royce hùng mạnh trở lại và trở thành thương hiệu xe siêu sang hàng đầu thế giới.
Những chiếc Rolls-Royce đình đám nhất Việt Nam
Không phải là chiếc Rolls-Royce đầu tiên cập cảng Việt Nam nhưng chiếc Phantom EWB màu xanh lục của bà Dương Thị Bạch Diệp luôn được xếp ở chiếu trên trong số hơn 100 chiếc Rolls-Royce đang lăn bánh tại Việt Nam. Chiếc xe này không chỉ từng nắm giữ kỷ lục về giá với mức hơn 40 tỷ đồng mà còn là xe Rolls-Royce chính hãng đầu tiên tại Việt Nam. Xe được chế tác hoàn toàn theo ý thích của chủ nhân với các chi tiết và màu sơn do chính tay bà Diệp lựa chọn tại nhà máy Rolls-Royce.
Rolls-Royce phiên bản Mặt trời phương Đông là chiếc xe đầu tiên được nhà phân phối chính hãng của Rolls-Royce Motorcar Hà Nội đưa về nước theo đơn đặt hàng của một doanh nhân giàu có trong lĩnh vực bất động sản.
Điểm nhấn của xe chính là hình tượng mặt trời vẽ cách điệu bằng cách ghép 6 chữ M trên nền màu vàng nhũ mang ý nghĩa kết hợp Đông-Tây giữa tiền và tài lộc.
So với những chiếc xe khác, phiên bản Mặt trời phương Đông có thời gian chế tác lâu hơn thông thường khoảng 5 tháng bởi các chi tiết cá nhân hóa trên xe được yêu cầu rất khắt khe.