Nhân mùa "chạy trường, chạy lớp", PGS Văn Như Cương - Chủ tịch HĐQT trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) - đã có những chia sẻ về sự học ngày nay.
'Chúng ta đều bình đẳng trước Internet, nhưng...'
- Có câu đùa: “Giờ là lúc cần trao phần thưởng cho... 'học sinh giàu vượt khó', vì giàu mà vẫn chăm học mới hiếm, còn nghèo thì học (để thoát nghèo) là 'chuyện thường ở huyện' rồi", thưa thầy?
- Đúng là con em những gia đình có điều kiện bây giờ có cơ hội được lựa chọn nhiều trường tốt hơn, từ trường công tới trường tư, thậm chí trường “ngoại”, cả trong hay ngoài nước.
Nhưng một mặt, sự học lúc này xem ra không còn được say mê như trước, nếu không muốn nói là chểnh mảng hơn xưa, vì đủ thứ phân tâm, chi phối.
Hồi trước, trẻ con về nhà chỉ biết ăn xong là ngồi vào bàn học. Còn bây giờ, nhiều em tới bữa ăn còn mang theo điện thoại. Ở nhiều nhà, sau khi ăn xong, bố mẹ, con cái đều cắm mặt vào một chiếc máy, không tivi thì điện thoại, Ipad, chẳng buồn nói chuyện với nhau chứ đừng nói là bảo ban con học hành.
Trẻ con thời điện thoại thông minh có thông minh hơn hay không thì chưa ai dám chắc, nhưng ham chơi, chểnh mảng học tập là điều có thể nhìn thấy nhãn tiền.
Con trai mê chơi game, con gái (đến tầm tuổi lớn lớn) bắt đầu biết mày mò mua sắm trên mạng, cũng tập tòng mốt nọ mốt kia như ai... Thế nên, trường tốt, cô tốt... cũng chỉ là một phần nếu như về nhà, các em không được gia đình phối hợp uốn nắn, rèn giũa kịp thời.
Dân ta có truyền thống hiếu học, nhưng hiếu học kiểu nào thì tôi e là còn ở mức lạc hậu, từ trong quan niệm về sự học. Sự học với nhiều người lúc này là cốt để có cái văn bằng xin việc, thăng tiến, chứ không hẳn là để cải tạo chất lượng sống, trữ lượng tri thức trong mình.
Từ bao giờ, “chủ nghĩa lý lịch” một thời đã được thay thế bằng “chủ nghĩa văn bằng”. Chẳng bù cho thời tôi, ở vùng quê nghèo, ít đất của tôi hồi ấy, học trước hết là để biết cái chữ cái nghĩa, để nên người, để thoát nghèo. Về sau, đỗ đạt thì ra làm quan, không thì làm cái anh đồ Nghệ.
Quanh đi quẩn lại chỉ có bằng đấy lựa chọn nên cái động lực học nó cũng rõ ràng hơn, trong trẻo hơn, quyết liệt hơn. Xưa, đúng là chỉ biết học và học...
PGS Văn Như Cương cho rằng sự học ngày nay đã khác xưa rất nhiều. |
- Khi mức học phí đồng nghĩa với chất lượng trường lớp hoặc sỹ số lớp (30-35 em/lớp ở trường tư, thay vì 50-60 em như trường công), phải chăng đã đến thời học sinh giỏi chủ yếu là... con nhà có điều kiện? Vị đắng của nhiều bậc phụ huynh thời nay là “nhà nghèo thì không thể cho Tèo đi học... trường tốt”. Trong khi đó, Internet có thể nói là sự bình đẳng duy nhất mà con nhà nghèo cũng có thể tiếp cận thì thầy lại không ủng hộ?
- Internet mang lại cả một bể kiến thức và tạo ra một trường giao tiếp, kết nối kỳ diệu. Đó là điều không ai có thể phủ nhận. Và đúng, tất cả chúng ta đều bình đẳng trước internet!
Nhưng vấn đề là các em học sinh đang tuổi ăn tuổi chơi, liệu có biết sử dụng cái quyền bình đẳng đó một cách thông minh và hợp lý không? Hay mỗi lúc được “thả” cho ngồi trước máy, lại lang thang vô định đến với những “tên miền” có hại, những trò game hại sức hại não... rồi dần nhạt lòng với sự học?
Ở trường Lương Thế Vinh chúng tôi thậm chí đang cố nghĩ ra một cách gì đó để học sinh trong trường, nhất là những lứa học sinh mới vào hạn chế sử dụng Internet để tập trung hơn vào việc học.
Theo như tôi biết, nhiều nước trên thế giới cũng đã thành lập những trung tâm cai nghiện Internet để giúp người trẻ đỡ bị đi chệch ra khỏi những mục tiêu phấn đấu của mình trên con đường học vấn, sự nghiệp.
Bên cạnh đó, một số nước tạo điều kiện cho học sinh được dùng Internet "thả cửa" với niềm tin rằng trẻ em thời nay không thể sống thiếu Internet và không tội gì phải chịu đựng sự thiệt thòi đó. Biết đâu, Internet sẽ giúp các em học hành hứng khởi hơn, nguồn kiến thức thu nạp được cũng phong phú hơn...
Nhưng thực tế lại không hẳn thế. Chúng ta đã thử làm một thí nghiệm giữa một nhóm trẻ em được tiếp cận Internet thoải mái và một nhóm bị hạn chế sử dụng Internet để xem nhóm nào có nhiều em học tốt hơn?
Cho đến lúc này, tôi e rằng Internet có thể làm hỏng học sinh hơn là mang lại những điều tốt đẹp như giá trị nguyên bản của nó nếu các em thiếu đi một sự định hướng, giám sát cần thiết của nhà trường và gia đình.
Đổi mới chỉ hiệu quả khi đồng bộ
- Cách đây không lâu, trên mạng lưu truyền một bài văn “tả con chó mà nhà em nuôi” với chỉ vỏn vẹn mấy chữ: “Nhà em không nuôi chó”. Internet, mà cụ thể là Google, biết đâu trong trường hợp đó cũng có thể mang tới một trực quan sinh động?
- Những bài văn "bá đạo” kiểu đó, tôi ngờ rằng chỉ là cách làm trò để câu view mà thôi. Nếu văn chương có thể trông cậy vào Google, tôi e rằng sẽ không còn là văn chương nữa.
Văn chương, trên hết và trước hết, vẫn phải là những cảm thụ mang dấu ấn cá nhân, kể cả hàm chứa những ngô nghê của lứa tuổi. Như đã bày tỏ quan ngại, tôi không mong những điểm 10 “ảo”, mà là những con điểm thực chất, phản ánh đúng hàm lượng kiến thức mà các em dung nạp được, và rộng hơn, là bức tranh của một nền giáo dục...
- Điểm 10 môn Văn lúc này nhiều lên. Một phần có thể vì yêu cầu đề khác xưa, không thuần túy là “văn hay chữ tốt” nữa, thầy có nghĩ thế? Chẳng hạn, đề văn tả một con trâu, với học sinh cấp 2 sẽ không chỉ dừng lại ở nhận dạng, nết ăn nết làm..., mà còn phải bao hàm các kiến thức liên môn như: thịt trâu có tính hàn, giá trị kinh tế của con trâu... Đó là những thứ có thể tìm thấy trên Google?
- Yêu cầu đề khác hơn, cách chấm cũng khác hơn, nên điểm 10 cũng dễ nhiều lên - cái đó đúng. Nhưng nếu đọc một bài văn tả con trâu, trong vai một người chưa từng biết về con trâu, tôi chỉ cần biết con trâu ấy khác với con bò, con lợn ở chỗ nào, tình cảm gắn bó giữa nó và người nuôi ra sao. Theo tôi, đó là những giá trị cảm thụ cần có nhất ở một bài văn.
Còn để biết thêm nhiều điều ngoài văn chương như vận tốc chạy của con trâu, hàm răng nó chắc khỏe thế nào..., tôi sẽ không đi tìm nó ở một bài văn. Giáo dục, nhất là trong các bộ môn khoa học xã hội, cái tôi quan trọng là dấu ấn cá nhân. Theo tôi, đó cũng chính là căn cứ đáng tin cậy để đưa ra được những đánh giá chính xác.
- Một thời, nhiều sản phẩm giáo dục của chúng ta bị cho là kém tính ứng dụng, còn lúc này là hướng tới sự thực dụng, “nhất cử lưỡng tiện”... Phương pháp dạy học tích hợp liên môn chẳng hạn, theo lý thuyết là có thể giúp học sinh thu nạp được hàm lượng kiến thức đa dạng hơn, có tính ứng dụng vào đời sống cao hơn, đồng thời có thể giúp bài giảng trở nên lôi cuốn hơn. Nhưng trên thực tế lại chưa thu được kết quả như mong muốn. Quan điểm của thầy?
- Rất nhiều đổi mới khi đi từ lý thuyết ra đến thực tế đã không được như mong muốn vì sự vội vàng và thiếu đồng bộ của nó.
Để có thể làm chủ phương pháp dạy tích hợp liên môn, người dạy phải được trang bị kỹ năng và kiến thức đó từ lúc còn ngồi trên ghế nhà trường sư phạm, không chỉ là những phép lồng ghép kiến thức khiên cưỡng. Điều đó lại liên quan đến hệ thống giáo trình của trường đại học nên không dễ gì thay đổi một sớm một chiều.
Đành rằng giáo dục trong thời đại ngày nay luôn cần được đổi mới, cập nhật, từ trong tư duy của nhà quản lý đến cách dạy, cách học. Nhưng một mặt, cũng rất cần giữ được tính nhất quán, ổn định. Vì thế, mọi thay đổi dù cần thiết cũng cần thận trọng và cần lưu ý đến tính đồng bộ.