Sau thời gian dài, số lượng ca mắc Covid-19 những ngày gần đây có sự gia tăng. Cùng lúc đó, sự xuất hiện biến thể mới của Omicron đang làm gia tăng đột ngột ca mắc ở Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Trước tình hình đó, Bộ Y tế mới đây đã có công văn khẩn yêu cầu các địa phương đánh giá cấp độ dịch, chuẩn bị kịch bản ứng phó. Zing đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, về vấn đề này.
Làn sóng tăng ca mắc
- Nhìn vào số liệu các ca mắc Covid-19 những ngày gần đây, ông nhận định và dự đoán như thế nào về tình hình dịch hiện nay?
- Dịch Covid-19 đang gia tăng trở lại vì sau một thời gian tiêm vaccine, miễn dịch giảm. Bên cạnh đó, miễn dịch của người đã nhiễm cũng giảm nên họ tiếp tục có nguy cơ mắc lại. Người dân tăng giao lưu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho virus gây Covid-19 lây lan. Cuối cùng là việc người dân chủ quan, lơ là không thực hiện tốt biện pháp phòng bệnh.
Hiện, số ca mắc gia tăng. Tuy nhiên, tôi nghĩ không xảy ra tình trạng bùng phát lớn, gây quá tải cho hệ thống y tế hay là số ca tử vong tăng như đợt dịch của TP.HCM và miền Nam trước đây.
Những ca mắc đợt này nhẹ. Song những người dễ bị tổn thương như người già, trường hợp có bệnh nền có triệu chứng nặng lên. Do đó, chúng ta cũng không nên chủ quan.
Ngành y tế cũng phải đánh giá nguy cơ như thế nào, liệu có xuất hiện biến chủng mới nguy hiểm, gây diễn biến nặng, các triệu chứng nguy hiểm hay có thể vô hiệu hóa vaccine chúng ta đang sử dụng hay không, để cảnh báo cho người dân, đưa ra các phản ứng phù hợp, tránh bị bất ngờ, chủ động trong công tác phòng, chống dịch.
- Việc số ca mắc tăng có nằm trong dự đoán hay không?
- Trên thế giới cũng có những làn sóng dịch tăng hay giảm. Việt Nam hiện cũng vậy. Việc tăng các ca mắc không phải là điều bất thường và nằm ngoài dự báo. Hiện nay, chúng ta vẫn kiểm soát được dịch Covid-19.
Số ca mắc Covid-19 trong nước được ghi nhận từ đầu tháng 4 đến nay | ||||||||||||||
Nguồn: Bộ Y tế. | ||||||||||||||
Nhãn | 1/4 | 2/4 | 3/4 | 4/4 | 5/4 | 6/4 | 7/4 | 8/4 | 9/4 | 10/4 | 11/4 | 12/4 | 13/4 | |
Số ca mắc Covid-19 | ca | 15 | 10 | 40 | 37 | 51 | 43 | 82 | 122 | 44 | 113 | 183 | 261 | 497 |
Chúng ta có lợi thế khi đã hiểu biết nhiều về Covid-19, năng lực phòng chống dịch, cách đáp ứng đều tăng lên và linh hoạt hơn. Chúng ta cũng tiêm vaccine để có miễn dịch cao với virus gây bệnh. Việt Nam đã chuyển từ giai đoạn Zero Covid-19 sang giai đoạn thích ứng an toàn, linh hoạt.
Dù vậy, chúng ta không chủ quan, lơ là. Ngoài ra, qua các đợt chống dịch trước, hệ thống y tế dự phòng có những “tổn thương” nhất định. Tôi nghĩ rằng cần rút kinh nghiệm để phòng, chống dịch tốt.
- Ông đánh giá như thế nào về mức độ lo ngại khi sắp tới, chúng ta có kỳ nghĩ lễ 30/4 khá dài kéo theo việc giao lưu, đi lại cao cũng như việc mở cửa lại du lịch với du khách quốc tế?
- Thực tế, dịch Covid-19 chưa mất hẳn. Nó vẫn còn tồn tại. Do một số yếu tố nói trên, số ca chắc chắn là vẫn tăng. Nếu như càng giao lưu đi lại lớn giữa các vùng, tổ chức các sự kiện nguy cơ cao như tập trung đông người ở môi trường kín, nguy cơ dịch lây lan, gia tăng ca nhiễm. Còn chúng ta cố gắng kiểm soát không để dịch bùng phát mạnh, đặc biệt không được để gây quá tải hệ thống y tế.
Dịp 30/4-1/5 đi lại nhiều, dịch có nguy hiểm hơn, chúng ta nên thực hiện tốt các biện pháp phòng bệnh, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao. Chúng ta nới lỏng nhưng không buông trôi, thả lỏng, nới lỏng nhưng vẫn kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, đặc biệt bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch, người chưa tiêm vaccine Covid-19.
- Mỹ vừa tuyên bố sẽ chấm dứt tình trạng khẩn cấp vì Covid-19. Ở nước ta, một thời gian dài, người dân cho rằng dịch Covid-19. Ông có lo ngại rằng điều này sẽ càng tác động tới tâm lý chủ quan của người dân đối với Covid-19?
- Chúng ta phải căn cứ tình hình dịch bệnh các nước khác trên thế giới, chẳng hạn Ấn Độ đang tăng nhanh số ca nhiễm, đặc biệt là sự xuất hiện biến thể XBB.1.16 lây lan nhanh hơn. Điều đó cho thấy trên thế giới, Covid-19 chưa ổn định như cúm mùa nên chưa công bố chấm dứt tình trạng đáng quan ngại.
Chúng ta cần phối hợp với các tổ chức quốc tế và nhìn vào tình hình Việt Nam để tổ chức tốt công tác phòng bệnh. Tôi vẫn nói là chúng ta cần thực hiện thích ứng an toàn linh hoạt kiểm soát dịch có hiệu quả, nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó. Nếu chúng ta đánh giá không đúng nguy cơ thì không kiểm soát được dịch bệnh, nhưng nếu đánh giá nguy cơ cao quá dẫn tới đáp ứng thái quá lại cấm đoán, gây tổn hại đến kinh tế, an sinh xã hội của người dân hoặc đầu tư cho chống dịch quá tốn kém trong khi còn rất nhiều các dịch bệnh khác cũng đang phải phòng chống.
Vấn đề là chúng ta không nên quá lo lắng nhưng cũng không chủ quan lơ là. Nên để ý tình trạng của mỗi vùng và thế giới song không nên áp đặt quyết định của Mỹ vào tình trạng của Việt Nam. Mỗi nước có quy định tình trạng khẩn cấp khác nhau và việc tuyên bố hết khẩn cấp của nhiều nước không có nghĩa là họ buông xuôi phòng bệnh, coi là bệnh lưu hành...
Biến thể XBB.1.16 chưa gây tình trạng nặng
- Nói về tình hình dịch ở thế giới, gần đây, biến thể phụ XBB.1.16 là nguyên nhân dẫn đến sự gia tăng đột ngột số ca mắc Covid-19 ở Ấn Độ và một số quốc gia. Ông đánh giá như thế nào về mối lo ngại nếu XBB.1.16 xâm nhập nước ta?
- Biến thể phụ này không đáng lo ngại lắm. Dù lây lan nhanh, nó vẫn là biến thể của chủng Omicron. Hiện, XBB.1.16 chủ yếu gây bệnh nhẹ, không gây ra triệu chứng nặng.
Dẫu chưa đáng lo ngại, điều quan trọng là chúng ta vẫn cần bảo vệ nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như người già, trẻ em, người suy giảm miễn dịch trước Covid-19.
- Về việc tiêm vaccine Covid-19 vào thời điểm này thì sao? Liệu có cần thiết?
- Tôi cho rằng chúng ta cần đánh giá lại miễn dịch cộng đồng hiện tại như thế nào, có chủng mới có khả năng vô hiệu hóa vaccine hay không, đồng thời đánh giá lại việc tiêm vaccine theo lịch.
Tôi nghĩ là Covid-19 sẽ không mất đi, việc tiêm vaccine là vẫn cần thiết. Quan trọng là xác định chúng ta nên tiêm cho đối tượng nào, theo lịch như thế nào, đặc biệt là nhóm người già, người có bệnh nền, suy giảm miễn dịch…
- Trong bối cảnh này, Việt Nam cần làm gì? Các hoạt động phòng chống dịch cần phải duy trì như thế nào?
- Trong thời gian tới, chúng ta vẫn nên tiếp tục giám sát sự lưu hành của Covid-19 để có đủ điều kiện cũng như là đủ năng lực để ứng phó khi có bất cứ sự thay đổi nào về mô hình dịch cũng như là chủng virus. Dựa trên nguyên tắc nguy cơ đến đâu đáp ứng đến đó, đặc biệt việc đánh giá nguy cơ phải đúng rồi mới đưa ra đáp ứng phù hợp không ảnh hưởng kinh tế.
Chúng ta đang duy trì cuộc sống bình thường trong tình hình mới, chuyển từ cấm đoán sang quản lý rủi ro. Chúng ta cần thực hiện nới lỏng chứ không buông trôi thả lỏng.
Thời điểm này, các khuyến cáo để người dân dự phòng cá nhân cũng cần được thực hiện tốt như đeo khẩu trang, khử khuẩn, giữ khoảng cách tại khu vực nguy cơ, rửa tay khử khuẩn… Những người có triệu chứng nghi ngờ và những người tiếp xúc với người có triệu chứng nghi ngờ phải đeo khẩu trang. Mọi người cần đeo khẩu trang để phòng bệnh cho mình và cộng đồng nhất là đối tượng dễ bị tổn thương (người giá, người có bệnh nền, người suy giảm miễn dịch…). Ai có triệu chứng thì phải xét nghiệm có phải Covid-19 hay không. Cuối cùng là cần tuân thủ theo lịch tiêm vaccine của Bộ Y tế. Tôi cũng lưu ý chúng ta cần thực hiện phòng bệnh tốt khi đi lại trong những ngày nghỉ 30/4 và 1/5 tới đây.
Cuốn sách bên bờ sự sống
Ngành y là ngành luôn chứng kiến ranh giới sự sống - cái chết của người khác, nhưng Khi hơi thở hóa thinh không lại là một cuốn sách đặc biệt khi nó là khoảnh khắc đối diện cái chết của người viết trong cả vai trò bác sĩ lẫn bệnh nhân. Cuốn hồi ký được bác sĩ thần kinh Paul Kalanithi viết khi căn bệnh ung thư trở nặng, anh ngồi trên xe lăn và nhớ về những tháng ngày cống hiến cho ngành y.