Trao đổi với Zing, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, chia sẻ việc liên tục ghi nhận các ca bệnh không rõ nguồn lây đòi hỏi Hà Nội phải luôn có những biện pháp phòng, chống quyết liệt.
Lo ngại những ca bệnh chưa được phát hiện
- Hà Nội vừa kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 với các biện pháp quyết liệt. Hiện tại, tình hình dịch của thành phố như thế nào, thưa ông?
- Hà Nội vừa kết thúc 2 tuần giãn cách xã hội và đã có những kết quả nhất định. Thứ nhất, mặc dù vẫn ghi nhận rải rác các ca bệnh song dịch không bùng phát. Thứ hai, xét nghiệm diện rộng tại quận Hai Bà Trưng khoảng gần 30.000 mẫu cũng chỉ phát hiện 4 trường hợp dương tính.
Vừa qua, thành phố cũng thực hiện truy vết tốt, đồng thời hình thành những mô hình như bảo vệ vùng xanh, tự quản cộng đồng, truy vết, xét nghiệm vùng an toàn. Quan trọng nhất là chúng ta đã khống chế được các ổ dịch. Phát hiện ổ dịch nào thì khống chế được ổ dịch đó, gần nhất là chuỗi liên quan công ty cung ứng thực phẩm cũng đã được kiểm soát.
Ngoài ra, đặc trưng bệnh nhân ở Hà Nội không khác biệt so với các đợt cũ vì vẫn truy vết được. Tuy nhiên, Hà Nội phải dự trù sẵn các phương án như xây dựng bệnh viện dã chiến, trung tâm hồi sức để phòng tình huống số bệnh nhân nặng gia tăng.
Có thể nói nhìn chung, tình hình dịch ở Hà Nội vẫn kiểm soát được. Thế nhưng, trước nguy cơ tiềm ẩn, cũng như biến chủng Delta lây nhiễm nhanh, dịch Covid-19 tại thành phố còn phức tạp.
Vì vậy, Hà Nội cần thực hiện giãn cách tiếp để bảo vệ thành quả vừa qua. Mục đích giãn cách là tiếp tục phát hiện ổ dịch mới, từ đó, truy vết, phong tỏa, ngăn vùng đỏ không lây lan, bảo vệ vùng xanh để dịch không xâm nhập.
Bên cạnh đó, ý thức người dân đang tốt và ủng hộ chủ trương của thành phố, một số mô hình hay mới hình thành cần có kiểm nghiệm (mô hình tự quản, bảo vệ vùng xanh, sắp xếp lại chợ đầu mối, chuỗi cung ứng…) để tiếp tục tạo nếp phòng chống dịch cho người dân. Bởi dịch còn kéo dài trên thế giới và cả nước.
Hà Nội tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội đến 6h ngày 23/8. Ảnh minh họa: Khánh Huyền. |
- Theo số liệu công bố hàng ngày từ Sở Y tế Hà Nội, số ca mắc Covid-19 trong cộng đồng khá cao. Điều này khiến Hà Nội đối diện nguy cơ gì, thưa ông?
- Đây chính là điều đáng lo ngại nhất ở Hà Nội hiện nay. Các ca mắc không rõ nguồn lây vẫn xuất hiện và có thể còn những ca bệnh lẩn khuất trong cộng đồng. Chúng tôi lo ngại những ca đã phát hiện chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Do đó, virus tiếp tục lây lan mà chúng ta không biết.
Hà Nội từ trước tới nay vẫn luôn là nơi có nguy cơ lớn trước dịch Covid-19. Thành phố vẫn hay được ví như vùng trũng và là thủ đô của cả nước nên giao thương, đi lại nhiều… Điều đó khiến địa bàn Hà Nội luôn tiềm ẩn tính chất phức tạp.
Hiện nguy cơ của thành phố càng cao khi số ca dương tính được phát hiện rải rác ở nhiều nơi và không xác định được nguồn lây. Đặc biệt, Hà Nội đã ghi nhận các ổ dịch liên quan chợ, chuỗi cung ứng, xí nghiệp… Thực tế này đòi hỏi Hà Nội phải có các biện pháp đối phó quyết liệt.
- Theo ông, đâu là giải pháp để khống chế những chùm ca bệnh không rõ nguồn lây này?
- Đó chính là giãn cách. Giãn cách xã hội nhằm mục đích cách ly giữa người với người, trong đó có thể có những người đang mang mầm bệnh. Các biện pháp như cấm đi lại khi không cần thiết, cấm tụ tập…, có ý nghĩa ngăn chặn, hạn chế mức thấp nhất người bệnh lây sang người lành, từ đó ngăn dịch bùng phát.
Phố phường Hà Nội vắng lặng những ngày giãn cách xã hội. Ảnh: Khánh Huyền. |
"Cần nới lỏng từ từ"
- Theo ông, Hà Nội có nên xét nghiệm diện rộng để phát hiện các ca bệnh? Thành phố đã rút được các bài học kinh nghiệm gì từ các tỉnh, thành đang bùng dịch khác?
- Hà Nội đang tiến hành xét nghiệm trên diện rộng có chỉ định để tiếp tục đánh giá nguy cơ tại một số quận như Hoàn Kiếm, Đống Đa và sắp tới là Hoàng Mai…, từ đó đưa ra những quyết sách phù hợp. Hà Nội không xét nghiệm tràn lan vì điều này gây tốn kém và không cần thiết.
Thành phố đã rút nhiều bài học từ các tỉnh, thành khác. Thứ nhất, dự báo sớm ca bệnh bằng cách xét nghiệm tất cả người có biểu hiện sốt, ho, khó thở trong cộng đồng với hơn 1.000 mẫu/ngày. Thứ 2 là không xét nghiệm tràn lan mà có trọng điểm. Thứ 3 là phong tỏa quyết liệt. Ngay cả trước khi giãn cách, thành phố cũng đã có các chỉ thị cấm quán bar, karaoke…
- Ông dự đoán tình hình Hà Nội sẽ diễn biến ra sao?
- Tôi cho rằng sau 2 tuần giãn cách tiếp theo, dịch ở Hà Nội sẽ được kiểm soát và có thể nới lỏng giãn cách. Tuy nhiên, tôi lưu ý khi gỡ bỏ giãn cách thì phải nới lỏng từ từ theo hoạt động, vùng nguy cơ, không nới lỏng toàn thành phố, tất cả hoạt động một thời điểm. Hoạt động nào có nguy cơ cao cho sự lây lan dịch bệnh thì vẫn chưa được phép hoạt động. Địa bàn nào còn nguy cơ rất cao - vùng đỏ (có ca F0) vẫn phải giãn cách. Cần dựa trên đánh giá nguy cơ và thực tế để đưa ra quyết định phù hợp.
- Người dân cần phải làm gì trong thời điểm này?
- Người dân cần phải tiếp tục thực hiện nghiêm các quy định giãn cách. Thời gian qua, tôi thấy ở thành phố vẫn có các trường hợp đi lại không cần thiết. Một số người vẫn đến cơ quan làm việc. Thực tế, môi trường làm việc trong phòng điều hòa kín, kém thông khí làm tăng nguy cơ lây lan virus. Do đó, các cơ quan có thể bố trí cho người lao động làm việc trực tuyến hoặc tạm gác những việc chưa cấp thiết.
Bên cạnh đó, người dân đi chợ vẫn còn nhiều, trong khi chợ là nơi đông người, nhất là chợ đầu mối, người từ khắp nơi đổ về, không loại trừ có trường hợp nhiễm virus. Do đó, chúng ta có thể hạn chế những điều này, cùng chung tay chống dịch, để thành phố sớm quay lại cuộc sống bình thường.