Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da, do vi khuẩn gây ra. Ảnh: Mamari. |
Chốc là bệnh nhiễm trùng nông ở da do vi khuẩn gây ra. Bệnh phổ biến hơn ở lứa tuổi nhà trẻ, mẫu giáo. Trên da sẽ có các vảy tiết màu vàng mật ong, lây lan nên còn được gọi là "chốc lây".
Hai loại bệnh chốc chính là chốc bọng nước và chốc không có bọng nước. Ngoài ra, bệnh còn có các loại khác như chốc kê, chốc sơ sinh, chốc loét…
Nhận biết trẻ bị bệnh chốc
Các yếu tố có nguy cơ gây bệnh chốc như:
- Tuổi nhỏ ở độ tuổi 2-5.
- Thời tiết nóng ẩm, mùa hè, không gian sống chật chội, vệ sinh kém, trẻ suy dinh dưỡng.
- Những vết thương, tổn thương trên da dễ làm cho trẻ mắc bệnh chốc hơn. Ví dụ, trẻ đang bị bệnh chấy rận, ghẻ, herpes, viêm da cơ địa, côn trùng đốt, trầy xước da.
Để nhận biết trẻ đang mắc bệnh này hay không, cha mẹ nên chú ý những dấu hiệu sau:
Chốc bọng nước: Bọng nước nhăn nheo, kích thước 0,5-1 cm, xung quanh có quầng đỏ. Sau vài giờ, chúng thành bọng mủ, dập vỡ nhanh chóng, sẽ nhìn thấy nền da ẩm đỏ, chảy dịch, đóng vảy tiết màu vàng nâu hoặc nâu nhạt giống màu mật ong.
Chốc không có bọng nước: Ban đầu của hình thái này có thể là mụn nước, mụn mủ nhưng dập trợt rất nhanh, tiết dịch ẩm ướt nên không có bọng nước điển hình. Bờ thương tổn thường có ít vảy. Vảy tiết phía trên có màu vàng mật ong hoặc nâu sáng. Đôi khi, chúng ta có thể thấy một số thương tổn nhỏ hơn ở xung quanh.
Chốc loét: Tại vùng bọng mủ, mụn nước xuất hiện vết loét lõm xuống, bờ xung quanh lan rộng màu thâm tím hoặc nhợt nhạt. Trung tâm có vảy tiết hoại tử đen, đường kính 1-5 cm, trông giống vảy con ốc.
Trẻ đến khám vì bệnh chốc tại bệnh viện ở TP.HCM. Ảnh: BVCC. |
Các dấu hiệu khác:
- Trẻ thường ngứa, gãi làm bệnh lây lan.
- Chốc hay gặp ban đầu ở vùng da hở như mặt, tay, chân, trên đầu có thể gây bết tóc, sau đó có thể lây ra các vùng khác trên cơ thể.
- Trẻ có thể sốt, mệt mỏi, nổi hạch (ít gặp).
- Cha mẹ trẻ thường nhầm với một số bệnh như thủy đậu, zona, bỏng.
Chăm sóc trẻ bị chốc:
- Thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ chốc lây lan sang vùng da khác của trẻ hoặc người khác. Trẻ cần mặc quần áo dài hoặc sử dụng gạc không dính để che thương tổn.
- Rửa thương tổn nhẹ nhàng bằng nước muối sinh lý, sát trùng bằng Povidone-iodine hoặc chlorhexidine.
- Trẻ vẫn được tắm gội thường xuyên hàng ngày. Không kiêng thức ăn đặc biệt nào.
- Thương tổn nhiều, lan rộng nên cho trẻ nghỉ học để kiểm soát bệnh và tránh lây cho trẻ khác.
Cần đưa trẻ đi khám khi nào?
Chốc là bệnh lành tính. Xử trí hoặc điều trị kịp thời, hầu hết bệnh chốc khỏi sau 7-10 ngày, không để lại sẹo. Tuy nhiên, bệnh có thể gây một số biến chứng như viêm quầng, viêm mô bào, hội chứng bong vảy da do tụ cầu, nhiễm khuẩn huyết, viêm cầu thận, hoặc chốc loét khỏi sẽ để lại sẹo…
Do vậy, trẻ cần được thăm khám sớm khi thương tổn xuất hiện 2 ngày không có biểu hiện thuyên giảm hoặc xuất hiện thêm các triệu chứng khác như sốt, quấy khóc nhiều…
Để trẻ nhanh hồi phục, cha mẹ nên chú ý những nguyên tắc điều trị sau:
- Điều trị sớm, tránh lây lan, hạn chế biến chứng.
- Trường hợp nhẹ hoặc thương tổn khu trú sử dụng kháng sinh bôi tại chỗ: Mupirocin, a.fusidic.
- Khi thương tổn lan rộng, nặng, dai dẳng và có nguy cơ biến chứng, bệnh nhân cần dùng kháng sinh bôi tại chỗ, kháng sinh toàn thân, khống chế ngứa để hạn chế lây lan.
- Nếu chốc kháng thuốc phải điều trị theo kháng sinh đồ.
- Nếu có biến chứng phải chú trọng điều trị các biến chứng.
Làm thế nào để tránh cho con bạn không bị bỏng, điện giật? Biện pháp nào giúp bảo vệ đường ruột của trẻ? Hay trẻ nhỏ có bị đau nhức xương như người lớn hay không?... Đây là những băn khoăn phổ biến mà mọi cha mẹ đều quan tâm.
Cuốn sách Bác sĩ tốt nhất của nhà mình của tác giả Trần Quốc Khánh sẽ giải đáp những thắc mắc đó. Ngoài ra, cuốn sách tập hợp những lời khuyên, chia sẻ kinh nghiệm để phòng ngừa các bệnh thường gặp. Ở đó, nhiều kiến thức y học được bác sĩ Khánh lồng ghép những câu chuyện từ đời thực.