TAND TP.HCM tiếp tục phiên xét xử sơ thẩm vụ án Trầm Bê - Phạm Công Danh cùng 44 đồng phạm bị truy tố về tội Cố ý làm trái quy định về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
- Trong ngày xét xử 8/1, nhiều "đại gia" như: Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV), Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín) vắng mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh cử người đại diện theo ủy quyền tham gia.
- VKS đề nghị HĐXX tiếp tục triệu tập những người như ông Trần Bắc Hà, Đoàn Ánh Sáng, Trần Lục Lang vì sự vắng mặt của họ có thể ảnh hưởng đến việc xét xử tại phiên tòa.
- Ông Trầm Bê, Phạm Công Danh và một số bị cáo khác liên tục gặp vấn đề về sức khỏe phải nhờ đến sự chăm sóc của nhân viên y tế.
-
-
-
Các bị cáo đến toà
Từ 7h20, ông Phạm Công Danh và Trầm Bê cùng các bị cáo được dẫn giải đến toà. Ảnh: Trương Khởi
-
Ngày thứ 2 đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh, an ninh tiếp tục được thắt chặt
8h5, phiên toà ngày 9/1 bắt đầu làm việc. Lực lượng hỗ trợ tư pháp đã dẫn giải các bị cáo vào phòng xử án. So với ngày hôm qua, sắc mặt của Trầm Bê và Phạm Công Danh đã tươi tỉnh hơn. Bên ngoài phòng xử án, các luật sư và những người có quyền và nghĩa vụ liên quan vẫn có mặt khá đông.
An ninh tại phiên toà đại án Trầm Bê - Phạm Công Danh tiếp tục được thắt chặt. Những người đi vào phòng xử đều phải xuất trình giấy tờ và đi qua cổng kiểm tra an ninh.
-
Vai trò của ông Trần Bắc Hà rất quan trọng
Tại phiên xử ngày 8/1, những người có nghĩa vụ liên quan như ông Trần Bắc Hà (cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV), Trần Quý Thanh (Chủ tịch Tập đoàn Tân Hiệp Phát), bà Hứa Thị Phấn (nguyên Chủ tịch ngân hàng Đại Tín) vắng mặt. Chỉ có ông Trần Quý Thanh cử người đại diện theo ủy quyền tham gia.
Theo các luật sư, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, số tiền gây thiệt hại của ông Phạm Công Danh và đồng phạm lên đến 6.127 tỷ đồng. Vì vậy, việc có mặt của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan là rất cần thiết để giúp HĐXX làm rõ sự thật của vụ án.
"Ông Trần Bắc Hà là người ký phê duyệt 12 chủ trương để ông Phạm Công Danh vay 4.700 tỷ trong khi các công ty chỉ mới thành lập thì ông Hà bắt buộc phải có mặt tại tòa để đối chất", luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn Luật sư TP.HCM) bày tỏ quan điểm.
Cũng theo luật sư Hùng, những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án đều đã được cơ quan điều tra lấy lời khai trước đó. Nên HĐXX vẫn có thể căn cứ vào lời khai để xét xử vụ án. Tuy nhiên, vai trò của ông Trần Bắc Hà trong vụ án này vô cùng quan trọng nên không thể vắng mặt.
"Việc đánh giá mức độ, tính chất vụ án trong trường hợp này thuộc về HĐXX. Nhưng việc các công ty mới thành lập, không kinh doanh gì, chỉ dùng tên để vay tiền mà ông Trần Bắc Hà vẫn ký duyệt chủ trương cho vay số tiền quá lớn như vậy thật khó để tin ông Hà không hề biết", luật sư Đỗ Hải Bình nghi vấn.
Luật sư Bình nói thêm: "Tòa án có thể áp dụng biện pháp cưỡng chế (áp giải) trong hoạt động tố tụng nếu xét thấy việc vắng mặt của họ không thể làm sáng tỏ toàn bộ nội dung vụ án".
Ông Phạm Công Danh được dẫn giải đến toà sáng nay. Ảnh: Tùng Tin.
-
Hai bị cáo từ chối luật sư bào chữa
Bị cáo Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên Giám đốc Công ty TNHH MTV TM&DV Hương Vi) từ chối luật sư bào chữa do toà chỉ định. Theo đó, bị cáo sẽ thực hiện quyền tự bào chữa cho mình.
Ngoài ra, gia đình bị cáo Phạm Quang Huy cũng từ chối 1 luật sư bào chữa. Theo chủ toạ, bị cáo vẫn còn luật sư khác tham gia bào chữa trong phiên toà.
Từ 8h20, hai đại diện VKS công bố cáo trạng. Riêng Phạm Công Danh, Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ, chủ toạ cho phép ngồi nghe cáo trạng vì lý do sức khoẻ. Tất cả các bị cáo đứng nghe công bố cáo trạng.
Ảnh: Tùng Tin.
-
-
Phạm Công Danh gây thiệt hại hơn 1.835 tỷ đồng
Cáo trạng xác định hành vi Cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc gửi tiền sang ngân hàng Sacombank, cho vay, bảo lãnh và trả nợ thay cho 6 công ty, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.835 tỷ đồng.
Trước đó, VNCB có khoản nợ 2.600 tỷ đồng tại BIDV từ năm 2012. Giữa năm 2013, đến hạn trả nợ. Để có tiền thanh toán khoản vay trên, ngày 23/3/2013, bị cáo Danh chỉ đạo lập biên bản họp HĐQT VNCB và ký ban hành nghị quyết số 15. Để triển khai nghị quyết, giữa tháng 4/2013, Phạm Công Danh đến chi nhánh Sacombank tại quận 3 để liên hệ vay tiền. Lúc này, bị cáo Trầm Bê và bị cáo Phan Huy Khang (Tổng giám đốc Sacombank) cho Phạm Công Danh vay 1.800 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là tiền gửi của VNCB.
Ông Danh chỉ đạo nhân viên VNCB và nhân viên Tập đoàn Thiên Thanh (tập đoàn của ông này) sử dụng 6 lượt công ty do chính mình thành lập hoặc mượn pháp nhân lập 6 bộ hồ sơ khống đứng tên các công ty đó để vay vốn tại Sacombank. Trong ngày 26/4/2013, toàn bộ khoản vay 1.800 tỷ đồng của 6 công ty tại Sacombank, chi nhánh Hưng Đạo và chi nhánh quận 8 được chuyển vào tài khoản của ông Danh.
-
Phạm Công Danh bị suy thận độ 3
9h, Chủ toạ Phạm Lương Toản phải đề nghị đại diện VKS tạm dừng đọc cáo trạng để cho phép Phạm Công Danh ra ngoài. Theo chủ toạ, ông Phạm Công Danh bị suy thận độ 3 nên không thể ngồi lâu nghe cáo trạng. Do đó, HĐXX cho phép bị cáo Danh ra ngoài gần vị trí của VKS để tiếp tục nghe cáo trạng trong khi bác sĩ chăm sóc sức khoẻ.
Trong ngày xét xử đầu tiên, ông Phạm Công Danh 2 lần được đưa ra ngoài để bác sĩ chăm sóc.
Ảnh: Tùng Tin.
-
Các bị cáo nghe VKS công bố cáo trạng
-
Phiên toà tạm nghỉ trong 15 phút
9h45, Chủ toạ Phạm Lương Toản tuyên bố phiên toà tạm nghỉ đến 10h. Chủ toạ cũng lưu ý các bị cáo Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ tranh thủ thời gian nghỉ có thể yêu cầu chăm sóc y tế nếu cần thiết.
Khi được dẫn giải ra khu vực chăm sóc y tế, Trầm Bê vẫn tươi cười vẫy chào người thân.
-
Thêm một bị cáo được ngồi nghe cáo trạng do bị ung thư
10h05, HĐXX trở lại làm việc. Đại diện VKS tiếp tục đọc cáo trạng. Do cáo trạng rất dài, hai đại diện VKS thay nhau công bố.
Chủ toạ Phạm Lương Toản cho biết do bị cáo Trần Hiệp (nguyên thành viên HĐQT VNCB) có đơn trình bày bị ung thư, không thể đứng lâu để nghe cáo trạng. Do đó, HĐXX quyết định cho phép bị cáo ngồi nghe. Các bị cáo như Trầm Bê, Nguyễn Việt Hà, Đặng Thị Bích Thuỷ cũng được phép ngồi nghe cáo trạng.
Bị cáo Phạm Quang Huy rút lại lời từ chối luật sư bào chữa. Theo đó, luật sư Hoàng Trung tiếp tục tham gia bào chữa cho bị cáo này.
-
Phạm Công Danh dùng tiền gửi tại TPbank bảo lãnh và trả nợ thay 11 công ty
Hành vi cố ý làm trái của Phạm Công Danh và đồng phạm trong việc dùng tiền gửi tại ngân hàng TPBank bảo lãnh và trả nợ thay cho 11 công ty vay vốn để mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung, gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.740 tỷ đồng.
Theo cáo trạng, tháng 5/2013, Phạm Công Danh chỉ đạo Phan Thành Mai rút tiền ra khỏi VNCB, chuyển về cho ông Danh sử dụng. Mai đề xuất với ông Danh ủy thác qua quỹ Lộc Việt mua trái phiếu Tập đoàn Thiên Thanh. Phan Thành Mai trao đổi với Nguyễn Việt Hà (Tổng giám đốc quỹ Lộc Việt) dùng biện pháp uỷ thác đầu tư sang quỹ Lộc Việt và nhờ ông Hà mượn pháp nhân các công ty để vay tiền TPBank, lấy tiền mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và công ty Trung Dung, VNCB sẽ bảo lãnh cho các khoản vay trên.
Bị cáo Nguyễn Việt Hà đã trao đổi với Đặng Thị Bích Thuỷ (Phó giám đốc khối Khách hàng doanh nghiệp TPBank) và Đinh Việt Cường (Giám đốc khối Khách hành doanh nghiệp TPBank), cùng lựa ra 11 pháp nhân là các công ty để tham gia vào việc vay vốn, mua bán trái phiếu… Trong đó, bà Hà giới thiệu 5 công ty, bà Thủy giới thiệu 4 công ty, Cường giới thiệu 1 công ty và ông Danh giới thiệu 1.
Đến ngày 11/4/2014, TPBank đã tự trích hơn 1.740 tỷ đồng là tiền gửi của VNCB tại TPBank để thu hồi nợ vay của 11 công ty nói trên.
-
Mới công bố được một nửa cáo trạng
11h20, HĐXX tuyên bố tạm nghỉ. Trong buổi sáng, hai đại diện VKS mới chỉ công bố được một nửa cáo trạng. Phần tiếp theo sẽ được công bố vào buổi chiều.